Những câu ca dao, tục ngữ trong dân gian, hay những châm ngôn, câu nói của cổ nhân chính là sự chắt lọc tinh hoa trí huệ của thế hệ đi trước, dẫu trải qua hàng ngàn năm nhưng điều đó vẫn là những bài học cho chúng ta tiếp thu được những kinh nghiệm sâu sắc để tu tâm, làm người và đối nhân xử thế.
Sau đây là 10 câu cổ ngữ rất hay được thế hệ đi trước truyền lại.
1. Người nhà nói thì như gió thoảng qua tai, thiên hạ nói thì tựa lời vàng ý ngọc
Có nhiều người cảm thấy người ngoài nói có sự thuyết phục hơn người nhà, nhưng chúng ta cần nhớ người trong gia đình là người bầu bạn với chúng ta lâu nhất, cũng thường có những lời khuyên chân thành nhất, chúng ta hãy cố gắng dung hòa, cùng nhau chia sẻ với người nhà với nhau cởi mở hơn.
2. Trước nhà có ngựa chưa chắc đã giàu, trong nhà có người thì không tính khó
Cái nghèo trước mắt chỉ là nhất thời. Chỉ cần còn người có nỗ lực thì không hoàn cảnh nào không thể vượt qua, khó khăn chỉ là sự tôi luyện cho ngày mai trưởng thành hơn, còn như chỉ biết ăn chơi mà không biết làm gì thì dẫu có núi vàng thì cũng có ngay tan gia bại sản, bởi lẽ: “Miệng ăn thì núi lở”; và : “Giàu đâu những kẻ ngủ trưa, say đâu những kẻ say sưa tối ngày”.
3. Một chiếc đũa thì dễ bẻ nhưng mười chiếc đũa lại cứng như gang thép
Bất luận là trong gia đình hay trong tập thể, không sợ ít người chỉ sợ tâm không đoàn kết. Một người thì dễ dàng đánh bại nhưng một gia đình, một đoàn thể đồng lòng với mục tiêu thì khó khăn cũng dễ dàng vượt qua.
4. Người ác, người sợ, trời không sợ. Người thiện, người lừa, trời không lừa
Luật nhân quả luôn hiện hữu, người làm điều ác thì người đời có thể sợ nhưng trời đất không dung, người làm thiện dẫu bị người khác lừa dối chứ trời đất không lừa. “Lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó thoát”.
5. Thép tốt phải qua ba lửa, sách hay phải đọc trăm lần
Những điều tốt đẹp đều phải trải qua sự học hỏi, rèn giũa, ngọc không mài không sáng, người không gian khổ người chẳng thể thành công, có câu: “Ngọc kia chẳng giũa chẳng mài; cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc đi”, làm người cũng vậy, người ta nói: “Học khôn đến chết, học nết đến già”.
6. Không sợ ăn cơm chọn bát lớn, chỉ sợ làm người lười biếng thôi
Làm người không sợ sức không đủ, chỉ sợ chí không bền. Sống nếu cứ lười nhác, tạo thành bản tính, vậy thì chẳng còn hy vọng gì; ngược lại: “Dẫu rằng chí thiển tài hèn; kiên trì nhẫn nại vẫn nên cơ đồ”.
7. Đi đường không sợ núi cao, chèo thuyền không sợ chỗ hiểm
Đường khó đi, cứ đi rồi sẽ có lối thoát; việc khó làm, cứ làm rồi cũng sẽ xong. Vốn dĩ thời điểm khó khăn nhất cũng chính là lúc gần với thành công nhất
8.Trời có lạnh cũng không cóng tay người dệt vải, mùa có mất cũng không đói kẻ chuyên cần
Vạn vật trên đời luôn có sự công bằng, bạn cho rằng bản thân không đủ may mắn, thực ra là vì bạn nỗ lực chưa đủ mà thôi. Ông Trời xưa nay luôn công bằng đối với tất cả mọi người, hạnh phúc đều dựa vào chính mình cả, có câu: “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ đem phần đến cho”.
9. Không sợ hổ báo vây hãm, chỉ sợ quen người một mặt hai lòng
Người sống hai mặt còn đáng sợ hơn cả hổ báo, vậy nên cần phải tĩnh tâm nhận biết, đối xử với mọi người, nếu gặp người sống giả dối thì ta cũng không nên đem hết những gì trong tâm can mà kể ra, nói chung là: “Sông sâu biển rộng dễ dò, có ai lấy thước mà đo lòng người”.
10. Không sợ người khác không tôn kính, chỉ sợ tự mình chưa đủ chính nghiêm
Làm người, điều quan trọng là phải đường đường chính chính, trong tâm và hành động luôn trong sáng và đoan chính. Người mà bản thân tự mình không ngay chính thì dẫu tiền nhiều, chức lớn cũng chẳng được người khác kính trọng.
Nghịch cảnh của cuộc sống, đó là điều mà trong cuộc đời của mỗi người đều phải trải qua. Nhưng trong những khó khắn đó mỗi người chúng ta luôn cố gắng dùng sự lạc quan, dùng tấm lòng khoan dung, hòa ái đối với tất cả mọi vấn đề thì chắc chắn điều chúng ta nhận được là những trái ngọt của tình yêu, những tình cảm chân thành đáng kính.
Biên tập: Đăng Dũng