Mỗi người được sinh ra trên cõi đời thì đều đã được an bài số mệnh của mình từ trước. Chúng ta cùng tìm hiểu về 12 yếu tố quyết định vận mệnh của mỗi người.
1. Mệnh
Mệnh là cố định không thể thay đổi, là tiên thiên chú định. Nghĩa là khi một người xuất sinh thì đã được an bài một mệnh sẵn rồi.
Từ nghĩa rộng mà giảng, trong cuộc đời của con người là có những điều mà họ có làm gì cũng không thể thay đổi được. Đây là điều mà người ta thường gọi là số phận. Trong Phật gia gọi điều này là “A lại da thức”, nó là thứ đi theo vòng luân hồi của con người.
2. Vận
Vận cũng được gọi là vận thế, là điều có thể thay đổi được.
Nếu ví “mệnh” là một chiếc xe xuất phát từ điểm bắt đầu chạy đến điểm cuối cùng của cuộc đời, thì xe của một người là loại gì, con đường như thế nào, đó được gọi là “mệnh”. Còn cụ thể, một người lái xe như thế nào để đi hết cuộc đời thì đó lại được gọi là “vận”.
3. Phong thủy
Phong thủy không chỉ bao gồm môi trường tự nhiên mà chúng ta sống mà còn bao gồm cả môi trường xã hội. Nếu ví con người như một cái cây thì phong thủy chính là môi trường mà cái cây này sinh sống, bao gồm thổ nhưỡng, ánh sáng, lượng nước, các sinh vật khác ở xung quanh…
4. Tích công đức
Tích đức chính là làm việc tốt. Cổ nhân thường giảng: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”. Bất luận là văn hóa Nho gia, hay là văn hóa Phật gia, Đạo gia thì đều đề xướng việc giúp người tích đức hành thiện, từ đó mà thay đổi vận mệnh.
5. Đọc sách thánh hiền
Đọc sách giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn, không còn bị giới hạn bởi một góc nhỏ bé của cuộc sống. Cùng với việc không ngừng đọc sách, sẽ hun đúc nên trong chúng ta một tấm lòng rộng mở, lý tưởng và tín niệm cao xa hơn.
Đọc sách còn giúp chúng ta kết giao bạn bè, mở rộng phạm vi giao tiếp. Thông qua đọc sách, chúng ta có thể tìm được bạn hữu tâm đầu ý hợp, mở lòng và thư thái.
Cho nên, từ xưa đến nay, đọc sách thánh hiền luôn là phương pháp quan trọng thay đổi vận mệnh của con người.
6. Tên
Cổ nhân có câu: “Cho con nghìn vàng không bằng cho con một cái tên”. Từ nghĩa bề mặt cũng có thể thấy cổ nhân rất coi trọng việc đặt tên cho con cái. Một cái tên tốt, ý nghĩa sẽ có tác dụng khích lệ đối với cuộc đời mỗi người, thậm chí còn có tác dụng dẫn dắt, chỉ dẫn.
7. Tướng
Thời xưa có câu: “Tướng do tâm sinh, tâm do cảnh tạo, cảnh tùy tâm chuyển”. Ý nói rằng, thông qua tướng mạo bên ngoài của một người có thể phân tích ra được ý nghĩ trong nội tâm của người ấy. Mắt ác tâm tất xấu, mắt thiện tâm tất thiện. Tu đức tại tâm, cho nên điều cát hung là có thể thay đổi. Tâm khởi thiện niệm, các loại phúc báo sẽ lập tức đến.
8. Kính Thần
Kính Thần nghĩa là luôn có tâm kính sợ Thần linh thánh hiền.
Khổng Tử đã dạy các đệ tử của ông rằng, làm việc nghĩa, có ích cho dân, tuy phải kính trọng quỷ thần nhưng không cầu cạnh quỷ thần, mà nên tránh xa quỷ thần, đó là trí. Người xưa cũng nói: “Bậc quân tử có ba cái sợ, sợ mệnh trời, sợ đại nhân, sợ lời của Thánh nhân.”
9. Kết giao với quý nhân
Kết giao quý nhân tức là chọn người thiện mà kết giao. Người xưa có câu: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.” Nếu xung quanh một người đều là những người đạo đức cao thượng, thì đạo đức của người ấy cũng sẽ trở nên cao thượng. Trái lại, nếu một người luôn kết giao với những người có đạo đức thấp kém, thì dần dà phẩm hạnh đạo đức của người này cũng sẽ xấu đi.
10. Dưỡng sinh
Dưỡng sinh là giữ thân tâm đều khỏe mạnh. Thời xưa, dưỡng sinh không chỉ đơn giản là sự vận động thân thể giống như ngày nay người ta thường nói. Dưỡng sinh là bao gồm cả dưỡng tâm và dưỡng thân.
11. Trạch nghiệp và trạch ngẫu
Trạch nghiệp tức là chọn nghề nghiệp công việc, trạch ngẫu là việc chọn bạn đời, kết hôn lập gia đình.
“Gia hòa vạn sự hưng”, vợ chồng hòa thuận, hai người đồng lòng thì quả thực là quý hơn vàng. Đằng sau một người đàn ông thành công, luôn có một người phụ nữ vĩ đại, đằng sau một người phụ nữ hạnh phúc đều có một người đàn ông đáng tin cậy.
12. Xu cát tị hung
Trong cuộc đời, người ta cần phải luôn phân tích tình huống, xem xét thời thế, minh bạch lành dữ và họa phúc. Khi hoàn cảnh tốt lành thì cần thừa thế mà tiến lên. Trái lại, khi hoàn cảnh hung hiểm, thì cần chú ý cẩn thận.
Con đường duy nhất để thay đổi vận mệnh là hành thiện, tích đức, cải biến nhân tâm
Có câu nói: “Tướng do tâm sinh”. Khi tâm tính con người thay đổi thì diện mạo cũng sẽ thay đổi, phúc khí cũng theo đó mà đổi thay. Do đó dựa vào bát tự để đoán mệnh sẽ không còn linh nghiệm nữa.
Có người cho rằng bát tự của mình đẹp thế này, mình tài giỏi thế này, mà vì sao làm ăn cứ đổ bể, tiền tài quanh năm thiếu hụt, còn người khác thì tâm địa bất lương lại giàu có sung sướng? Nguyên nhân chính là bởi phúc khí mà hai người mang theo là khác nhau.
Tích phúc tích đức là một quá trình lâu dài, không thể chỉ là việc của vài tháng vài năm. Có thể bạn thấy những người toàn làm điều ác, điều xấu, nhưng rất có thể trước đây họ cũng là người sống nhân nghĩa phúc hậu, nhờ tích được nhiều đức nên họ mới có thể gặt hái thành quả ngày hôm nay. Nhưng sau này khi hưởng hết phúc báo, họ sẽ phải hoàn trả cho những việc ác mình gây ra.
Còn vì sao có người sống lương thiện nhưng cứ phải khổ sở quanh năm, đây chính là do ác nghiệp trước đây họ gây ra nên bây giờ hoàn trả. Việc bạn hành thiện hôm nay thì đợi sau khi hoàn trả hết ác nghiệp, bạn mới có thể hưởng phúc báo của những việc mình làm.
Đã có rất nhiều căn cứ chứng minh, con người hoàn toàn có thể thông qua hành thiện tích đức để cải biến vận mệnh, tuy nhiên vẫn cần phải có một khoảng thời gian để biến đổi. Bởi vậy, làm người sợ gì một đời nghèo khó, chỉ cần tích đức hành thiện, sống đời thanh bạch nhất định ngày sau sẽ được phúc báo vẹn tròn.
Dục tốc bất đạt, muốn nhanh chóng thay đổi vận mệnh là điều phi thực tế, nhưng cũng vì điều này mà làm cho người ta đã sai lại càng sai hơn. Con người dễ tạo cho mình thói quen xấu khi buông thả bản thân, nhưng không đồng nghĩa có thói quen rồi thì không thể thay đổi, chúng ta có thể thông qua hành thiện tích đức để thay đổi, để cải biến bản thân.
Vậy nên, trên đời này chỉ có duy nhất một con đường cải biến vận mệnh, đó là hành thiện tích đức, cải biến nhân tâm.