Khám Phá

2 phương pháp dự đoán đơn giản, dạy bạn cách nhìn thấy trước tương lai

By Đăng Dũng

November 18, 2021

Hai loại phương pháp tiên tri này vừa đơn giản vừa dễ dàng sử dụng, không yêu cầu bất kỳ tính toán phức tạp và khó khăn nào, nhưng lại có thể dự đoán chính xác vận mệnh tương lai của mỗi người.

Lật giở những cuốn tiểu thuyết thần tiên chí quái thời cổ đại, chúng ta thường thấy những vị Thần Tiên hoặc người tu Đạo có thần thông có thể đoán trước được tương lai, cầu may tránh dữ. Trong “Tam quốc diễn nghĩa”, “Sử ký” và các bộ chính sử khác, chúng ta thường thấy những thầy bói chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư, những nhà tướng số… đã tiên đoán thành công tương lai của rất nhiều nhân vật vĩ đại. Ví dụ: Trong “Tam quốc diễn nghĩa”, Gia Cát Lượng nơi lều cỏ đã từng dự đoán cục diện “thiên hạ chia ba”; Còn trong “Sử ký” ghi chép về nữ cao nhân toán mệnh như Thần – Hứa Phụ, tại thời điểm mẫu thân của Hán Văn Đế còn chưa được gả cho Hán Cao Tổ, đã tiên đoán rằng bà sẽ trở thành Thái hậu.

Vậy, tại sao thời cổ đại có rất nhiều bậc thầy về tiên tri như vậy, còn thời hiện đại lại có rất ít người có thể đoán được trước tương lai?

Kỳ thực, tiên tri là một bộ phận rất quan trọng trong văn hóa truyền thống phương Đông, rất nhiều người tu luyện của Phật gia và Đạo gia có thần thông dự đoán tương lai. Ngay cả khi không xuất gia tu Đạo, kiến ​​thức “Kinh Dịch” trong Nho gia truyền thống cũng dạy mọi người cách toán mệnh tương lai như thế nào.

Thời kỳ Thượng Cổ, Phục Hi từ trong Hà Đồ Lạc Thư mà ngộ đến Âm Dương Bát Quái. Về sau, Chu Văn Vương trong lúc bị tù đày đã dốc lòng nghiên cứu Bát Quái, tiếp đó diễn dịch ra 64 quẻ Chu Dịch.Cho đến Khổng Tử, lại đem “Kinh Dịch” tiến hành trình bày và phát huy, kết nối với nhân nghĩa đạo đức, được tôn là một trong sáu tác phẩm kinh điển của Nho gia ắt phải đọc.

Bát Quái và Chu Dịch bao hàm quy luật Âm Dương Ngũ Hành tương sinh, vũ trụ không ngừng vận chuyển. Bởi vậy, chỉ cần đọc thuộc lòng “Kinh Dịch”, thực hành công phu tu thân dưỡng tính, một số học giả Nho gia kiệt xuất đã có được sự dẫn dắt, từ đó có thể tiên đoán vận mệnh hưng suy của đời người, gia tộc và quốc gia. Điều đáng tiếc chính là, cuốn sách này đã từng là tài liệu giảng dạy bắt buộc ở các trường học thời xưa, nhưng ngày nay chỉ có một số ít học giả chân chính mới có thể tinh thông được.

Bát Quái và Chu Dịch bao hàm quy luật Âm Dương Ngũ Hành tương sinh, vũ trụ không ngừng vận chuyển. (Ảnh: NTDVN)

Mặc dù trở thành một đại sư về Dịch học có thể tiên đoán chuẩn xác tương lai, nhưng trọng tâm bài viết hôm nay muốn đề cập đến, chính là hai loại phương pháp tiên đoán vừa đơn giản vừa dễ dàng sử dụng, không yêu cầu bất kỳ tính toán phức tạp và khó khăn nào.

Xem phục sức biết tương lai

Vào những năm cuối thời Tây Hán, thiên hạ đại loạn, lúc ấy có đội quân Lục Lâm cầm vũ khí nổi dậy, lập tông tộc Lưu thị là Lưu Huyền làm đế, sử xưng Canh Thủy Đế. Canh Thủy Đế lòng dạ hẹp hòi, rất ghen tị với hai anh em nổi tiếng khi đó là Lưu Diễn và Lưu Tú, bởi vậy tìm cách xử tử Lưu Diễn.

Nắm giữ quyền lực trong tay, Canh Thủy Đế dương dương tự đắc chuẩn bị đóng đô ở Lạc Dương, quan viên trong kinh thành ngàn dặm xa xôi đều tới đón tiếp. Đám tướng lĩnh của Canh Thủy Đế đầu là đàn ông nhưng thân lại mặc áo ngắn tay thêu hoa của phụ nữ, nghênh ngang tiến vào thành Lạc Dương.Nhìn thấy vậy,mọi người bèn xì xào bàn tán, có người hé miệng cười thầm, có người cảm thấy sợ hãi. Các nguyên lão trong triều đình thở dài nói: “Đây là phục yêu, là điềm không may. Xem ra không lâu nữa sẽ có tai họa giáng xuống đầu Canh Thủy Đế!”

Sau này, khi em trai của Lưu Diễn là Lưu Tú dẫn theo thuộc hạ đi đến Lạc Dương để xử lý công vụ, mặc quan phục của nhà Hán trước đây đi vào thành. Rất nhiều quan lại sau khi nhìn thấy cảnh này, đều xúc động khóc, nói rằng: “Không ngờ rằng, lúc ta sinh thời còn có thể nhìn thấy vẻ uy nghi của quan nhà Hán”. Từ đó, các danh sĩ trong thành đều kỳ vọng Lưu Tú có thể trở thành quốc quân của họ, phục hưng cơ nghiệp nhà Tây Hán.

Về sau, Lưu Tú thành lập quân đội của mình, kết thúc cục diện hỗn loạn những năm cuối triều Tây Hán, thành lập nhà Đông Hán, đưa cơ nghiệp nhà Đại Hán kéo dài 200 năm.

“Phục yêu”, theo cách nói thông thường, chính là chỉ trang phục của yêu ma quỷ quái. Người xưa cho rằng, những người mặc trang phục kỳ dị, hoặc là mặc quần áo không phù hợp với thân phận của mình, hoặc là nam mặc quần áo của nữ, nữ mặc quần áo của nam, đeo trang sức quái dị, trang điểm kỳ dị… đều gọi là “phục yêu”. Người xưa cũng cho rằng, phục yêu là dấu hiệu loạn thế, khi con người muốn phá hủy phong tục truyền thống, liền thích mặc trang phục lập dị.

Minh triều những năm cuối, các thư sinh lưu hành việc sử dụng bột phấn màu đỏ để trang điểm cho phụ nữ.Vào cuối thời nhà Thanh, các vương công quý tộc thành Bắc Kinh thích đóng giả thành ăn mày, mặc quần áo rách rưới đi lang thang khắp phố lớn và ngõ hẻm. Những hiện tượng này biểu thị rằng, chính khí và nội tâm trong sáng của con người đang suy yếu, âm khí âm u kỳ quái ngày càng lan rộng. Bởi vậy, những bậc chi sĩ hữu thức sẽ đưa ra những lời cảnh báo và dự đoán rằng loạn thế đang đến gần.

Nghe âm nhạc biết tương lai

Vào thời Đường Huyền Tông, người Tây Lương xưa nay vốn có phong tục yêu thích âm nhạc, thường xuyên sáng tác ca khúc mới. Tại một buổi yến tiệc hoàng gia trong năm Khai Nguyên, Huyền Tông sai người diễn tấu nhạc khúc mới nhất của Tây Lương có tên là “Lương Châu”. Sau khi nghe xong, các chư vương đều chúc mừng Huyền Tông, khoa tay múa chân tán thưởng rằng nhạc khúc thật mỹ diệu, duy chỉ có Ninh Vương không có động tĩnh gì. Huyền Tông thấy vậy bèn hỏi Ninh Vương nguyên do.

Ninh Vương trả lời rằng:

“Bản nhạc này nghe có vẻ rất hay, chỉ là thần xưa nay nghe nói rằng âm nhạc bắt đầu từ âm Cung, kết thúc bằng âm Thương, phần giữa do âm Giốc, Chuỷ, và Vũ tổ thành, đều cần phải hô ứng cùng với âm Cung, Thương. Bản nhạc này khúc mở đầu đã cách xa âm Cung, còn âm Chủy và Thương thì lộn xộn. 

Thần nghe nói âm Cung đại biểu cho quân vương, âm Thương đại biểu cho thần tử, nếu âm Cung không thể chế ước âm Thương, thì lo rằng sẽ có hạ thần phạm thượng làm loạn. Chuyện thiên hạ thường hiện hình trong âm luật, truyền tải trong tiếng ca, không lâu sau sẽ ứng nghiệm nơi nhân sự. Thần chỉ sợ tai họa loạn thần làm loạn phạm thượng, quân vương trôi dạt khắp nơi,giống như khúc mở đầu trong bản nhạc hôm nay vậy”.

Huyền Tông cũng là người rất tinh thông âm luật, ông sau khi nghe xong thì cúi đầu suy nghĩ, lặng lẽ không nói lời nào. Về sau, biến loạn An Sử xảy ra, quả nhiên tất cả đều đúng như lời Ninh Vương đã dự đoán.

Cổ nhân luôn cho rằng ngũ âm đối ứng với ngũ hành, cũng đối ứng với quân, thần, người, sự tình, vật. Vậy nên, nghe âm nhạc tiên đoán chuyện tương lai, mặc dù người hiện đại cảm thấy kỳ bí huyền hoặc, nhưng thời cổ đại lại không phải là điều gì quá thần bí.

Cổ nhân luôn cho rằng ngũ âm đối ứng với ngũ hành, cũng đối ứng với quân, thần, người, sự tình, vật. (Ảnh: Họa sĩ Minh Lộc)

Những năm đầu triều Nguyên, Mông Cổ và Nam Tống giao chiến, Nam Tống thất bại. Văn Thiên Tường bị áp giải đến đô thành Yên Kinh của triều Nguyên, ở trên đường nghe thấy quân Nguyên hát bài “A Lạt đến”. Ông vô cùng kinh ngạc, thế là hỏi quân Nguyên bên cạnh: “Đây là bài hát gì?”. Quân Nguyên tự hào đáp: “Đây là bài hát của người Mông Cổ chúng tôi”. Văn Thiên Tường đau buồn, thở dài rơi lệ nói: “Đây lại là âm thanh của Hoàng Chung (chuông lớn). Giang sơn triều Tống của người Hán chúng ta coi như không còn có thể phục hưng được nữa rồi!”.

“Hoàng chung” là âm Cung, đại biểu cho quân vương. Trước khi Nam Tống diệt vong, trong quân Mông Cổ lưu hành âm thanh Hoàng chung phóng khoáng hùng hồn, thế nhưng Tây Hồ vào thời Nam Tống lại bao phủ tại một mảnh tà âm, phong trào âm nhạc sẽ theo khí số hưng vong mà cải biến, đây chính là người xưa thần cơ diệu toán – lấy âm nhạc để tiên đoán tương lai.

Ngoài các phương pháp trên, còn có một số phương pháp dự đoán khác, chẳng hạn như thời Tiền Hán sử dụng sách sấm, ngắm sao, thơ sấm tiên đoán tương lai, trong dân gian còn lưu truyền thuật đoán chữ, tướng thuật, phong thủy… Trong sách lịch sử ngày xưa đều có một chương “Ngũ hành chí”, ghi lại các loại hiện tượng tự nhiên dị thường, và những dị tượng này đều đối ứng với những đại sự sẽ phát sinh ở nhân gian. Kể từ khi thế giới bước vào xã hội hiện đại đến nay, những học thuyết như vô thần luận và thuyết tiến hóa… đã khiến người ta xếp chúng vào loại “mê tín dị đoan” mà không cần cân nhắc.

Thực ra, tiên tri không phải là “mê tín dị đoan”, mà là một loại kiến ​​thức uyên thâm được lưu truyền từ thời thượng cổ, rất đáng để chúng ta suy nghĩ và nghiên cứu sâu xa.

Mặc dù tư tưởng hiện đại phản truyền thống tôn sùng trang phục kiểu tóc mới lạ, không giống bình thường, phong cách thường lấy ‘âm dương đảo chiều’, âm u, quái dị và hở hang làm thời thượng. Tuy nhiên, Đoàn Nghệ thuật Thần Vận (Shen Yun) vẫn tuân theo quan niệm thẩm mỹ truyền thống, trang phục biểu diễn có sự khác biệt giữa nam và nữ, mỗi người đều có những nét đặc sắc riêng. Tay áo của nam thì phóng khoáng thanh cao, váy dài của nữ thì thướt tha duyên dáng, màu sắc tươi sáng đa dạng… Đây đều là những đặc điểm của trang phục chính thống được đề cao trong thời cổ đại.

Phong trào văn hóa hiện đại phản truyền thống cũng đã khiến một số dòng nhạc thanh nhã trước đây khó có thể trở thành văn hóa đại chúng. Trong âm nhạc phổ biến hiện nay tràn ngập nhân tố sắc tình và đấu tranh, khiến người ta càng thêm phóng túng dục vọng. Âm nhạc cổ điển tao nhã dần bị con người coi nhẹ và gạt ra ngoài lề xã hội. Bởi vậy, sứ mệnh của Đoàn Nghệ thuật Shen Yun là khôi phục những giá trị truyền thống đã bị đánh mất của con người. Âm nhạc Shen Yun với dàn nhạc giao hưởng kết hợp tinh hoa của âm nhạc cổ điển phương Đông và phương Tây, đã mở ra một chương âm nhạc tráng lệ.

Các bạn đã bao giờ tò mò về những lời tiên tri cổ xưa không? Tại sao bạn không thử áp dụng một chút phương pháp tương đối đơn giản này – nhìn trang phục và nghe âm nhạc, để dự đoán xu hướng phát triển của con người, sự vật, sự việc xung quanh mình!

Đăng Dũng biên tập

Nguồn: NTD