Người quân tử dáng vẻ đường hoàng, kẻ tiểu nhân mặt mày lấm lét. Nói lời phải giữ chữ tín, làm việc phải có hiệu quả. Người quân tử tìm lỗi ở bản thân, kẻ tiểu thân thường trách người khác….
Một ngày, Tử Cống hỏi Khổng Tử: “Nếu thầy không nói nữa, chúng con lấy gì để truyền đạt?”. Đức Khổng Tử điềm tĩnh trả lời: “Trời có nói gì đâu? Thế mà bốn mùa cứ thay nhau, vạn vật cứ sinh hoá. Trời có nói gì đâu?”.
Dường như, Đức Khổng Tử muốn nói với chúng ta rằng: Xem kìa, bầu trời trên đầu ta, luôn lặng lẽ và bao dung như thế. Trời đâu cần nói một lời, vậy mà bốn mùa cứ vần xoay mãi, tạo vật cũng cứ thế nảy nở sinh sôi. Chân lý không phải là sự áp đặt, cũng không phải là thứ kiến thức học thuật xa vời, mà chính là tiếng gọi từ sâu thẳm con tim, giục giã chúng ta hãy thuận theo đất, thuận theo trời, sống hài hoà giữa thiên địa mênh mang.
Vậy thì, chúng ta hãy trở lại với những lời tâm đắc của Khổng Tử từng được các nho sinh của ông ghi chép lại trong “Luận Ngữ” dưới đây. Người giản dị sẽ tìm thấy trong đó lời thiện hảo, người minh triết sẽ tìm thấy sự minh triết. Bởi vì, những lời dạy của Khổng Tử không phải là thứ giáo thuyết khô khan, mà chính là tiếng vọng của tâm hồn.
- Hàng ngày ta nhiều lần phản tỉnh bản thân mình: Làm việc cho người khác có dốc hết sức mình không? Kết giao với bạn bè có giữ chữ Tín không? Thầy giáo truyền dạy tri thức có dụng tâm chăm chỉ ôn bài hay không?
- Khổng Tử nói: “15 tuổi ta lập chí học tập, 30 tuổi đã có thể tự lập. 40 tuổi đã có thể không bị mê hoặc bởi sự vật bên ngoài. 50 tuổi đã biết được mệnh trời, hiểu được những việc nào sức người không thể quyết định được. 60 tuổi có thể đối đãi chính xác với đủ kiểu dư luận, có thể phân biệt được đúng sai trong lời nói của người khác, không cảm thấy không thuận. 70 tuổi tâm có thể theo ý mình, có thể làm một cách tùy ý nhưng lại không vượt quá quy tắc”.
- Những chuyện đã làm thì không giải thích, những chuyện đã thành thì không ngăn cấm, những chuyện đã qua thì không cần phải tiếp tục truy cứu.
- Củi mục thì không thể dùng để điêu khắc, tường đắp bằng bùn đất thì không thể trát.
- Yêu cầu nghiêm khắc với bản thân nhưng lại khoan dung với người khác, như vậy sẽ tránh được oán hận. Công việc thì tranh làm việc nặng, có sai sót thì chủ động gánh vác trách nhiệm, đây là “cung tự hậu”. Đối với người khác tha thứ nhiều hơn, khoan dung nhiều hơn, đây là “bạc trách vu nhân” (ít trách người).
- Yêu cầu nghiêm khắc với bản thân nhưng lại khoan dung với người khác, như vậy sẽ tránh được oán hận. Người quân tử thường xuất phát từ sự lương thiện hoặc nguyện vọng có lợi cho người khác, mà toàn tâm toàn ý giúp người ấy thực hiện được ý nguyện tốt đẹp và nhu cầu chính đáng của bản thân. Họ không nhìn thế giới bằng ánh mắt tàn khốc hay chỉ e thiên hạ bất loạn. Họ cũng không đổ thêm dầu vào lửa khi người khác thất bại, sai sót, hay đau khổ. Kẻ tiểu nhân thì ngược lại, thường là: “Thành nhân chi ác, bất thành nhân chi mỹ” (Tác thành với cái ác của người, không tác thành cho cái đẹp của người).
- Khi gặp được người có sở trường hay ưu điểm nổi trội ở một phương diện nào đó thì khiêm tốn thỉnh giáo họ, chăm chỉ học hỏi họ, nghĩ cách để theo kịp họ và muốn đạt tới cùng trình độ với họ. Khi gặp người có khuyết điểm hay thiếu sót nào đó thì phải bình tâm suy ngẫm lại xem mình có khuyết điểm hay những điều thiếu sót như họ không.
- Khi gặp việc tốt cần làm, không thể do dự không quyết, dẫu thầy giáo ở bên cạnh cũng cần tranh việc mà làm. Sau này phát triển thành câu: “Đang nhân bất nhượng” (Gặp việc tốt thì không nhường).
- Lời đã nói ra nhất định phải giữ được chữ Tín. Việc xác định cần làm thì nhất định phải thực hiện một cách quyết đoán.
- Tấm lòng người quân tử rộng rãi, tư tưởng luôn thản đãng, trong sạch. Diện mạo, cử chỉ cũng thể hiện được vẻ dễ chịu, đường hoàng, an nhiên. Kẻ tiểu nhân trong tâm dục niệm quá nhiều, áp lực đè nặng nên thường suy tư, lo lắng. Ngoại hình, cử chỉ cũng thể hiện sự thấp thỏm bất an.
- Sự chân chất trong nội tâm của một người vượt qua vẻ ngoài nhã nhặn thì sẽ biểu hiện ra là sự vụng về. Vẻ ngoài nhã nhặn vượt qua sự chân chất thì khó tránh khỏi sự giả tạo, tâng bốc. Chỉ khi vẻ ngoài đẹp đẽ và sự chân chất kết hợp một cách phù hợp thì mới trở thành người quân tử.
- Có những người luôn miệng nói những lời phỉnh nịnh người khác, sắc mặt lộ rõ thần thái ngụy thiện. Kiểu người này chẳng hề nhân đức chút nào.
- Đừng cầu nhanh, đừng tham cái lợi nhỏ. Cầu nhanh ngược lại sẽ không đạt mục đích, tham cái lợi nhỏ thì đại sự chẳng thành.
- Cả ngày chỉ tụ tập nói chuyện phiếm, không nói những lời nghiêm túc, lại thích giở trò khôn vặt thì rất khó có tương lai.
- Người quân tử ăn không cầu no, ở không cầu dễ chịu, làm việc nhanh nhạy nhưng nói năng lại cẩn trọng, tới chỗ người hiền đức để chỉnh đốn lại bản thân, có thể coi đây là người hiếu học.
- Bần cùng mà không oán hận, rất khó; Giàu có mà không cao ngạo, lại rất dễ.
- Gặp được người tốt chỉ e không kịp học theo họ, gặp được việc tốt chỉ e chậm trễ làm không kịp. Thấy kẻ ác, việc xấu như chạm vào nước nóng sôi cuồn cuộn, phải lập tức buông tay, tránh đi thật xa.
- Người quân tử thường trách mình, tìm vấn đề và khuyết điểm từ bản thân. Kẻ tiểu nhân thường hướng ánh nhìn vào người khác, tìm khuyết điểm và thiếu sót của người khác.
- Trước kia đối với người, ta thường nghe người ấy nói và tin vào việc người ấy làm. Ngày nay khi đối đãi với người, ta không chỉ nghe họ nói mà còn phải quan sát việc họ làm.
- “Bất thiên nộ” chính là khi bản thân có việc không như ý hay chuyện buồn phiền, nóng giận, thì không đổ vấy lên người khác. Dẫu tâm trạng của mình không tốt cũng không nên trút giận lên những người không liên quan. “Bất nhị quá” là biết sai thì sửa, không phạm cùng một sai lầm trong hai lần.
***
Những lời vàng ý ngọc của cổ nhân dẫu trải qua trăm năm nghìn năm vẫn còn nguyên giá trị trong việc tu thân, dưỡng tính của chúng ta. Trong kho tàng vô giá ấy dẫu chỉ học được đôi điều cũng đủ để chúng ta thọ ích cả đời.
Nguồn: Tansinh.net
Quang Minh biên tập