Làm người có những khuyết điểm có thể chấp nhận, nhưng lại có những khuyết điểm chẳng thể nào bỏ qua. Đặc biệt là 3 khuyết điểm dưới đây, nếu không may mắc phải mà không sửa ắt sẽ hối hận cả đời.
Nhân vô thập toàn, đã là con người thì ít nhiều đều có khuyết điểm, vậy nên sự trưởng thành là quá trình không ngừng học hỏi, không ngừng đối chiếu bản thân, tìm chỗ thiếu sót, cải thiện chính mình.
Làm người có những khuyết điểm có thể chấp nhận, nhưng lại có những khuyết điểm chẳng thể nào bỏ qua. Đặc biệt là 3 khuyết điểm dưới đây, nếu không may mắc phải mà không sửa ắt sẽ hối hận cả đời.
Phúc họa vô môn, do đa ngôn mà tạo
Tử Cầm hỏi Mặc Tử: “Nói nhiều và người nói ít, lợi hại thế nào”.
Mặc Tử: “Ruồi nhặng và nhái xanh kêu luôn miệng cả ngày không nghỉ, kêu tới mức miệng lưỡi khô khan nhưng chẳng ai thèm để ý, lắng nghe, còn hùng kê tuy mỗi ngày chỉ kêu lúc trời rạng sáng nhưng lại chấn động thiên hạ, người người muốn nghe, nói nhiều có tác dụng gì? Quan trọng là lời nói phải hợp chỗ hợp thời!”.
Nói nhiều kỳ thực chính là một loại khuyết điểm, thể hiện sự non trẻ chưa trưởng thành.
Giống như Mặc Tử nói, chúng ta nói chuyện cần chú ý lời lẽ của mình phải đúng người đúng chỗ, nhất là không làm tổn thương người khác ấy mới là người trưởng thành, hiểu biết.
Tăng Quốc Phiên là bậc danh thần dưới triều Mãn Thanh. Ông vừa giỏi binh pháp, lại thông tường Nho học, là một người văn võ song toàn và cũng là giường cột của quốc gia. Tuy nhiên ít ai biết rằng, khi còn trẻ tính khí của ông rất không tốt, thường hay tranh luận với người khác, thậm chí có lúc còn động đến cả tay chân. Tuy nhiên sau này ông nhìn lại bản thân, tự kiểm điểm chính mình, nhìn ra 3 cái sai của bản thân:
Một là luôn cho mình là đúng, hai là nói nhiều, ba là dù biết lời nói ra sẽ làm tổn thương người khác nhưng vẫn không kìm chế bản thân, cương quyết nói ra cho bằng được. Sau khi nhìn lại bản thân, nhận ra khuyết điểm ở vấn đề ăn nói của mình ông đã quyết tâm cải bỏ, mỗi ngày một ít và cuối cùng trừ bỏ hoàn toàn thói xấu của mình.
Chúng ta thường thấy những người trưởng thành, ở họ luôn có sự trầm tĩnh, ăn nói nhẹ nhàng chậm rãi, nguyên nhân là bởi họ thấu hiểu sự lợi hại của lời nói. Trên thực tế, có những lúc một phút im lặng còn đáng giá hơn cả vạn câu nói, nó cũng là sự thể hiện của người trưởng thành.
Bệnh của người, phần nhiều do kiêu ngạo
Có câu nói: “Một người đến 20 tuổi mà chưa biết kiểm soát kiêu ngạo sẽ chẳng có tiền đồ, 30 tuổi kiêu ngạo chưa bỏ, người ấy cũng chẳng thể làm nên sự nghiệp”.
20 tuổi là thời kỳ chúng ta chập chững bước vào đời, hiểu biết nông cạn, tự cao, kiêu ngạo cũng là điều dễ hiểu, cũng chẳng ai chấp nhặt với sự nông cạn đó. Tuy nhiên khi đã bước vào tuổi 30 mà vẫn không bỏ được cái sự kiêu căng ngạo mạn thì đó là điều khó mà chấp nhận được.
Khổng Tử từng nói 30 tuổi chính là thời kỳ con người gây dựng sự nghiệp, tạo nên vị thế cho mình. Vậy nên tuổi này chính là tuổi của sự thành thục, ôn hòa, trầm tĩnh, nếu còn kiêu ngạo ắt là người không có hiểu biết, thiếu sự trưởng thành.
Tăng Quốc Phiên từng nói con người có 2 yếu điểm gây nên tổn đức, một là kiêu ngạo hai là đa ngôn. Và ở đây kiêu ngạo được xếp vào vị trí phía trước đa ngôn, là khuyết điểm còn nguy hại hơn cả đa ngôn. Kiêu ngạo chính là nguyên nhân chuốc lấy cừu hận của người khác với mình, ảnh hưởng thân tâm một cách nghiêm trọng. Vậy nên chủ trương của Tăng Quốc Phiên là học cách nhìn vào chính mình, trầm tĩnh ôn hoà đối đãi mọi người.
Vương Dương Minh cũng có cái nhìn tương đồng với Tăng Quốc Phiên về sự kiêu ngạo, ông cho rằng làm người mà kiêu ngạo ắt sẽ chẳng có bạn bè. Không chỉ có vậy, làm người mà kiêu ngạo thì đối với cha mẹ, anh em cũng lại thế, không thể giữ tròn đạo hiếu, thủ lễ đệ huynh.
Có thể nói kiêu ngạo chính là căn bệnh ác tính của con người, nếu không trị, ắt rước họa vào thân.
So kè được mất
Có câu chuyện kể rằng, một chàng trai cùng đoàn người tiến về phía trước, trên vai mỗi người đều phải vác một cây thập giá rất lớn. Tuy nhiên đi được một đoạn anh ta cảm giác cây thập giá trên lưng thật là vướng víu, lại chẳng ích gì nên kêu: “Thượng Đế ơi con mệt quá rồi, hãy giúp con bỏ bớt nó đi”.
Lời cầu xin vừa dứt, cây thập giá lập tức biến thành nhỏ lại, anh ta cảm thấy thoải được mái hơn bao giờ hết, anh ta nhẹ nhàng vượt lên mọi người để tiến về phía trước.
Tuy nhiên không lâu sau anh ta lại cảm thấy vô cùng mệt mỏi, anh ta lại xin cắt bỏ đi một phần của cây thập giá, cứ như thế cây thập giá càng lúc càng nhỏ, anh ta cảm thấy vô cùng nhẹ nhàng, anh ta cảm thấy rất thoải mái và cứ thế bước đi tự do, trong đầu còn nghĩ: “bọn họ thật ngốc”.
Đột nhiên trước mặt anh ta xuất hiện một vực thẳm rất dài và rất sâu. Lúc này, những người khác từ phía sau bước đến lấy cây thánh giá trên lưng xuống làm cầu và qua bờ bên kia một cách dễ dàng, nhưng cây thánh giá của anh ta lúc này lại quá nhỏ, không thể làm thành cầu, anh ta chỉ đành mãi mãi đứng một bên bờ vực thở dài hối hận.
Kỳ thực làm người mà chỉ biết chọn con đường tránh khổ tìm sướng thì đó là một sai lầm, là sự thể hiện của kẻ yếu đuối chưa trưởng thành. Vạn sự trên đời, muốn được thì phải mất, chất phác thật thà ắt thắng tinh khôn gian xảo. Cũng tựa như làm người: đề cao tiêu chuẩn đạo đức là việc khó làm, tuy khó làm nhưng làm được lại là tấm vé bảo đảm giúp chúng ta vượt qua đại nạn.
Nguồn: soundofhope.org
Đường Vân