Nguồn: DKN

Cảm Ngộ Nhân Sinh

3 loại người nên kết thân, 3 loại người nên tuyệt giao

By Lan Hòa

November 07, 2021

Nhân sinh tại thế, không phải ai cũng thích hợp để kết giao bạn bè thân thiết, do vậy chúng ta cần biết chọn bạn mà chơi, bởi vì đó chính là chúng ta đang lựa chọn vận mệnh cho chính mình… 

Chơi với người thế nào, bạn sẽ là người như vậy. Bạn bè giống như những người thân mà chúng ta có thể lựa chọn, trải qua thời gian lâu dài, bạn bè sẽ có ảnh hưởng lẫn nhau, ngay cả dáng vẻ của bạn cũng giống như dáng vẻ của mình.

Đối với việc kết giao bạn bè, cổ nhân cũng để lại lời khuyên về ba loại người nên kết giao thân thiết và cũng có ba loại người nên tránh xa.

Ba loại người nên kết giao thân thiết

Nên kết thân với người có trái tim nhân hậu 

Quỷ Cốc Tử từng nói: “Ngôn trung hành di, bỉnh chí vô tư, thi bất cầu phản, tình trung nhi sát, mạo chuyết nhi an giả khả dĩ thâm giao”. Tạm dịch: “Lời nói và việc làm đi đôi với nhau, không vụ lợi, giúp người không cầu báo đáp, biết đứng trong sự tình để suy xét vấn đề, tướng mạo dù kém một chút nhưng vẫn khiến người cảm thấy an tâm. Loại người này nên kết giao thân thiết”.

Nếu ngôn hành của một người trước sau như một, ổn định trong hành vi, có ý chí kiên định mà đạt được chí công vô tư, làm việc giúp người mà không cầu báo đáp, nội tâm trung hậu mà tự biết xét mình, tướng mạo dù không đẹp nhưng tính khí trầm lặng mà ổn định. Đây là điểm nổi bật của người có trái tim nhân hậu. Loại người này nên kết giao thân thiết.

Trên đời này không ai thích một người có bụng dạ hẹp hòi. Do vậy, mở rộng tấm lòng, làm người có trái tim nhân hậu sẽ khiến người khác cảm thấy được an ủi. Người nhân hậu sẽ đắc phúc báo. Người càng so đo thì phúc báo càng giảm.

Nên kết thân với người biết đối xử có lễ tiết

Quỷ Cốc Tử từng nói: “Phú quý cung kiệm nhi năng uy nghiêm, hữu lễ nhi bất kiêu, viết hữu đức giả, khả thâm giao”. Tạm dịch: “Phú quý mà biết lẽ cung kính, tiết kiệm mà vẫn có uy nghiêm, có lễ tiết mà không kiêu ngạo, đây gọi là người có đức hạnh. Người như vậy nên kết giao thân thiết”.

Nếu một người mặc dù vô cùng giàu có nhưng vẫn giữ được thái độ cung kính, cần kiệm mà không đánh mất uy nghiêm, đối xử với người có lễ tiết mà không kiêu căng ngang ngược. Người này quả thực có phúc đức, là đối tượng nên chọn để kết giao thân thiết.

Thật lòng dùng lễ tiết đối xử với mọi người, đánh giá cao người khác, nhìn ra ưu điểm của người khác và thấy rõ thiếu sót của bản thân, người như vậy sẽ được mọi người tôn trọng. Mượn trí tuệ của người khác để hoàn thiện bản thân, tránh đi đường vòng, đây mới thực sự là con đường đi đến thành công.

Nên kết thân với người biết cầu tiến bộ 

Quỷ Cốc Tử nói: “Sự biến nhi năng trị hiệu, cùng nhi năng đạt, thố thân lập công nhi năng toại giả khả dĩ thâm giao”. Tạm dịch: “Gặp phải biến cố mà vẫn có thể thi triển tài năng, gặp lúc cùng đường mà vẫn có thể vượt lên, dùng chí lập thân khiến người yêu mến. Người như vậy nên kết giao thân thiết”.

Nếu đột nhiên gặp phải biến cố mà vẫn có thể xử lý ổn thỏa, thân ở nơi khốn cùng mà ý chí vẫn không ngừng vươn lên, có thể mau chóng đạt được ước nguyện, đây là một người có trí tuệ. Loại người này có thể kết giao thân thiết.

3 loại người nên tránh xa

Nên tuyệt giao với người mà ngôn hành bất nhất

Quỷ Cốc Tử nói: “Ngôn hành bất loại, chung thủy tương bội, ngoại nội bất hợp, nhi lập giả tiết dĩ cảm thị thính giả, tất tu tuyệt giao”. Tạm dịch: “Nói một đằng làm một nẻo, trước sau mâu thuẫn, trong ngoài không khớp, dùng giả dối để đối đãi với mọi người. Loại người này nên tuyệt giao”.

Nếu lời nói và việc làm của một người không nhất quán, đầu và cuối trái ngược nhau, nội tâm và tướng mạo bề ngoài không khớp nhau, dùng lễ tiết giả tạo để mê hoặc lòng người thì nên tuyệt giao với loại người này.

Tử Cống từng hỏi Khổng Tử thế nào là người quân tử. Khổng Tử có trả lời rằng: “Có thể làm tốt những gì muốn nói, sau đó mới nói lời ra khỏi miệng”.

Mặc dù câu nói này của Khổng Tử rất đơn giản nhưng đã đủ để nói lên điểm trọng yếu của một người quân tử. Bản thân câu này cũng chỉ ra việc giữa lời nói và việc làm phải hợp nhất, nghĩa là lời nói phải đi đôi với việc làm.

Nếu như không chiểu theo nguyên lý làm được hãy nói thì lời nói ra khỏi miệng chỉ là nói phét. Nếu không tự thân đi chứng nghiệm trước, thì lời nói ra không thể thuyết phục người khác. Giống như Khổng Tử nói: “Hoa ngôn xảo ngữ, loại người này đại đa số đều vì lợi ích bản thân mà làm việc”.

Nên tuyệt giao với những kẻ chỉ vì lợi

Quỷ Cốc Tử nói: “Nhược ẩm thực dĩ thân, hóa lộ dĩ giao, tổn lợi dĩ hợp, đắc kỳ quyền dự nhi ẩn vu vật giả, tất tu tuyệt giao”. Tạm dịch: “Ví như cái ăn thức uống cũng dựa dẫm vào người thân, ngoại giao dùng hối lộ, sợ mất lợi ích mà chọn hợp tác, ỉ vào quyền thế mà làm việc ngấm ngầm hại người. Loại người này cần phải tuyệt giao”.

Nếu một người chỉ vì vui chơi giải trí mà kết giao với người khác, dùng của đút lót để tạo mối quan hệ, kéo bè kết phái hãm hại người khác. Một khi đạt được lợi ích, loại người này sẽ không quan tâm đến tình người, đây đúng là loại người tham lam hèn hạ.

Trên thế giới này luôn có những người hám lợi. Khi đạt được lợi ích rồi thì liền không quan tâm và nhớ đến trả ơn người đã giúp đỡ mình. Bởi vì đối với họ mà nói, ân nhân cũng chỉ là một quân cờ, một công cụ giúp việc mà thôi.

Loại người này chúng ta tuyệt đối không thể kết giao, bởi vì để tránh một ngày nào đó họ bán đứng chúng ta.

Tuyệt giao với người hám món lợi nhỏ 

Quỷ Cốc Tử nói: “Tiểu tri nhi bất đại giải, tiểu năng nhi bất đại thành, quy tiểu vật nhi bất tri đại luân giả tất tu tuyệt giao”. Tạm dịch: “Trí nhỏ thì không thể hiểu việc lớn, làm được việc nhỏ mà không thể làm việc lớn, coi trọng lợi ích nhỏ mà quên đi đạo đức nhân luân. Loại người này nhất định phải tuyệt giao”.

Người có chút thông minh mà không hiểu biết rộng, có năng lực nhỏ nhưng không làm nên việc lớn, coi trọng lợi ích nhỏ mà xem thường đạo đức nhân luân. Loại người này phải tuyệt giao.

Một số người chỉ sẵn sàng đi xin chứ không muốn trả giá, đặc biệt tham món lợi nhỏ, yêu thích mượn gió bẻ măng, thấy có lợi ích liền đến, tính toán chi li, không nhịn được những thiệt thòi trước mắt.

Loại người này sẽ không làm việc một cách trung thành và toàn tâm toàn ý. Họ bưng bát cơm đầy nhưng vẫn cố nhìn nồi cơm, luôn lo nghĩ làm sao để lấy được báo đáp.

Những người này, cho bao nhiêu cũng không đủ và không bao giờ nghĩ đến đền ơn đáp nghĩa người khác.

 

Nguồn: DKN