Nguồn ảnh: Internet

Kinh Nghiệm Hay

4 phép lịch sự trong giao tiếp nơi đông người giúp bạn dễ dàng ghi điểm

By Đăng Dũng

March 02, 2021

Phép lịch sự trong giao tiếp là một yếu tố quan trọng giúp duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người. Trong giao tiếp cần có những phép lịch sự tối thiểu mà bạn cần biết để nhận được sự tôn trọng của mọi người xung quanh.

1. Phép lịch sự trong ăn uống

Trong sinh hoạt hàng ngày, việc ăn uống chiếm một vai trò quan trọng. Trong giao tiếp, ăn uống là cách để người ta làm quen, trò chuyện và thậm chí là để đánh giá lẫn nhau qua các cử chỉ ăn uống. Vì thế, trong việc ăn uống bạn cần biết giữ một số những phép lịch sự tối thiểu sau:

– Nên “Ăn trông nồi ngồi trông hướng”, khi ăn nên từ tốn, không vội vàng, không nên chỉ gắp 1 món ăn mà mình thích, vì món đó người khác cũng có thể rất thích, khi nhai thức ăn cũng không nên phát ra tiếng kêu gây mất thiện cảm với người khác.

– Trong bữa ăn, người kém tuổi không được ngồi vào bàn trước người lớn; khách mời không nên ngồi vào bàn trước chủ nhà. Điều này vừa thể hiện phép lịch sự cũng là để bày tỏ sự tôn trọng của khách đến gia chủ.

– Khi ăn, nên ăn tuần tự các món, không nên ăn nhiều món cùng một lúc.

– Nếu món ăn đó ở xa mà bạn muốn thường thức thì bạn nên nhờ người gần món ăn gắp giúp bạn.

– Tuyệt đối không dùng đũa ăn của riêng mình để gắp các món canh, súp. Bởi khi bạn ăn, đầu đũa đã được đưa vào miệng, nếu bạn dùng đũa để gắp canh thì sẽ khiến người khác cảm thấy mất vệ sinh và rất mất lịch sự. Bạn nên dùng đũa riêng, hoặc thìa riêng để gắp món ăn.

– Không nói chuyện quá nhiều trong bữa ăn, cũng không cắm cúi ăn từ đầu đến cuối bữa, tốt nhất là hãy nói một vài câu chuyện để tạo không khí vui tươi, cởi mở trong bữa ăn.

Trong cuộc sống hiện nay, khi nhu cầu thưởng thức cuộc sống ngày càng cao thì việc “học ăn học nói học gói học mở” là vô cùng cần thiết và quan trọng. Đặc biệt là những người làm trong lĩnh vực kinh doanh hay công việc thường xuyên phải giao tiếp. Họ thường bàn công việc trong bữa ăn với các đối tác. Chính vì vậy nắm được cách ứng xử trong bữa ăn là vô cùng quan trọng.

2. Hãy giữ phép lịch sự khi ở nơi công cộng

– Ở những nơi công cộng, bạn không nên cười lớn hay nói to.

– Không mở loa ngoài khi nghe điện thoại. Khi xem phim, nghe nhạc, chơi game,… bạn nên sử dụng tai nghe hoặc điều chỉnh âm thanh nhỏ lại tránh làm phiền người bên cạnh.

– Không nên hút thuốc lá ở những nơi công cộng, mà nên tìm đến nơi thoáng khí để không làm ảnh hưởng đến phụ nữ, trẻ em và những người xung quanh.

– Hạn chế thể hiện tình cảm yêu đương nơi công cộng, không ăn những thức ăn có mùi khó chịu.

– Hãy luôn nhường chỗ cho người già, trẻ em và phụ nữ có bầu, người tàn tật.

– Hạn chế mang theo những vật cồng kềnh. Hạn chế quát tháo con nhỏ.

  3. Lịch sự giao tiếp trong các mối quan hệ

– Dù bạn là ai, khi bước vào phòng, bạn nên là người đầu tiên chào mọi người bằng một nụ cười thật tươi, ánh mắt thân thiện.

– Trong khi đang trò chuyện với người khác, đừng nên đặt điện thoại lên bàn, hay làm những cử chỉ tỏ ra chán nản như bẻ tay, luôn nhìn về hướng khác, mệt mỏi. Điều này dễ gây cho người đối diện cảm giác mình không tôn trọng, hoặc không muốn duy trì cuộc trò chuyện nữa.

– Nếu bạn đang đi cùng ai đó và người ấy chào một người mà bạn không quen biết thì bạn cũng nên lịch sự chào họ.

– Nếu bạn bị xúc phạm, thì biện pháp để giải quyết là nên mỉm cười, không nên đáp trả hoặc to tiếng với họ. Để lúc khác họ bình tĩnh rồi mình nói chuyện hoặc bạn có thể im lặng.

– Khi đi ăn bên ngoài, nếu bạn nói “tôi mời” thì có nghĩa là bạn sẽ là người thanh toán. Trường hợp bạn nói “đi ăn đi” có nghĩa là chúng ta ai sẽ tự trả phần của người đó, nếu đó là phụ nữ thì bạn có thể đề nghị thanh toán cả phần của cô ấy.

– Nên chú ý đến ngoại hình của bản thân: Đầu tóc gọn gàng, mồm miệng thơm tho, quần áo chỉnh tề sạch sẽ, giày phải sạch và không có mùi.

– Sử dụng nước hoa vừa phải, tránh để người đối diện bị “choáng” vì hương thơm quá nồng từ bạn.

– Cần biết thích ứng với những luật tục thông thường đang diễn ra chung quanh mình. Ví dụ đến dự một cuộc họp, một buổi kỷ niệm cần ăn mặc chỉnh tề, nói năng lịch sự, trong khi đến gia đình gặp người quen có thể chuyện trò vui vẻ … Đến dự đám tang, không ăn mặc loè loẹt, không nói chuyện ồn ào, cần nói khẽ, nói ít, tỏ thái độ kính trọng, thương tiếc người đã mất…

4. Phép lịch sự khi sử dụng điện thoại 

Xã hội hiện đại, nhu cầu sử dụng điện thoại của mọi người rất lớn. Điện thoại có thể trao đổi công việc, điện thoại để hỏi han sức khỏe, chúc mừng nhau, điện thoại để giám sát, điện thoại để giải trí…

Nhưng để điện thoại phát huy được những công dụng tốt nhất thì mọi người cần chú ý:

– Nếu bạn là người gọi, hãy chủ động xưng tên với đầu dây bên kia ngay sau khi họ nhấc máy. 

– Nếu ai đó gọi cho bạn một cách thô lỗ, bạn không nên trả lời ngay. Hãy là tấm gương về việc hành xử lịch sự.

– Nếu có một cuộc gọi nhỡ, hãy lịch sự nhắn tin lại khi bạn chưa có thể gọi lại cho họ.

– Lưu ý quan trọng là trong lúc đi trên đường dù là đi bộ hay trên xe máy… cũng không nên nhìn chằm chằm vào điện thoại, điều này rất là nguy hiểm.

– Không trả lời tin nhắn: Trả lời chậm còn có thể chấp nhận được nhưng việc không trả lời tin nhắn thực sự là một thói quen công nghệ… thô lỗ.

– Trong khi trò chuyện với bạn bè không nên cứ dán mắt vào điện thoại.

Trên đây là những cách ứng xử cơ bản mà mọi người nên biết trong văn hóa ứng xử nơi công cộng, Vạn Điều Hay rất mong quý độc giả luôn bình an và hạnh phúc.

Biên tập: Thiên Hà