Benjamin Franklin từng nói: “Tôi chưa từng nhìn thấy một người dậy sớm, siêng năng, cẩn thận, trung thực, than phiền về số mệnh mình không tốt. Nếu có phẩm chất tốt, thói quen tốt, ý chí kiên cường, sẽ không bị thứ gọi là số mệnh đánh bại.”
Người xưa tin rằng vận mệnh con người đã được sắp đặt từ trước và không thể thay đổi, mỗi người sinh ra đều có an bài của riêng mình. Có câu: ‘Ông Trời có đức hiếu sinh’, vẫn thường giúp đỡ những người thiện lương, tích đức hành thiện. Vậy nên bạn vẫn có thể thay đổi vận mệnh của chính mình qua 5 bí quyết dưới đây:
1. Kết giao với quý nhân
Có câu:“Đọc vạn cuốn sách không bằng đi vạn dặm đường; đi vạn dặm đường không bằng gặp vạn người; gặp vạn người không bằng được minh sư chỉ lối”.
Nếu như trong cuộc sống, có thể gặp gỡ kết giao với một vị cao nhân thì đó quả là may mắn của đời người.
Người xưa có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, nếu có thể gần gũi với những bậc thánh nhân, những người lương thiện, đạo đức cao thượng thì tự nhiên bản thân ta cũng trở thành hoa thơm; con đường nhân sinh sẽ trở nên rộng mở.
Hoàn cảnh và môi trường sống xung quanh kì thực có thể thay đổi vận mệnh của một người. Hiểu được tầm quan trọng của môi trường sống đối với sự hình thành nhân cách của con người mà ngày xưa mẹ của Mạnh Tử ( là triết gia Nho giáo Trung Quốc và là người tiếp nối Khổng Tử) đã phải chuyển nhà 3 lần chỉ để cho con có môi trường rèn luyện phẩm chất, nhân cách tốt hơn.
Chuyện xưa kể rằng, mẹ con Mạnh Tử sống gần bãi tha ma. Hàng ngày, Mạnh Tử vẫn thường ra đây nô đùa; ông thường diễn lại những cảnh nhìn thấy ở bãi tha ma.
Mạnh Mẫu cảm thấy đây không phải là chỗ ở tốt cho con trai mình; bà liền chuyển nhà sang một khu phố mua bán sầm uất nhưng tình hình không khả quan cho lắm. Ông học cách cân, đong, đo, đếm của những kẻ mua bán; có thói quen khoe khoang đồ của mình.
Lần này, Mạnh Mẫu chuyển nhà đến gần một ngôi trường. Mạnh Tử sống gần đây nên học được những khuôn mẫu lễ giáo; học hành chăm chỉ. Lúc bấy giờ Mạnh Mẫu mới thở phào: “Đây mới là chỗ ở của con ta”.
2. Chọn đúng người bạn đời
Người xưa có câu: “Phía sau một người đàn ông thành công là bóng dáng của một người phụ nữ hiền dịu, bao dung. Phía sau một người phụ nữ hạnh phúc rạng ngời là một người đàn ông đáng tin, chung thủy và có trách nhiệm”.
Có câu “Gia hòa vạn sự hưng”, có nghĩa là gia đình trên dưới, vợ chồng hòa thuận ấm êm thì nghìn vạn việc đều có thể hưng thịnh, mọi việc thuận buồm xuôi gió.
Người ta còn nói: ‘Đàn ông sợ nhất nhầm nghề, đàn bà sợ nhất nhầm chồng’, tức ý nói rằng sự nghiệp đối với đàn ông rất quan trọng; còn người phụ nữ có thể lấy được một tấm chồng tốt thì đó là điều hạnh phúc và may mắn nhất trong cuộc sống. Người chồng thành công thì có thể lo toan che chở cho người vợ của mình; người vợ hiền thì có thể động viên chồng những lúc khó khăn, là hậu phương vững chắc cho người chồng vượt qua những thách thức, gian nan trong cuộc sống.
Vợ chồng âm dương tương hỗ có thể bù đắp và dung hợp cho những thiếu sót của nhau, có thể đồng hành và giúp đỡ nhau vượt qua những thăng trầm trong cuộc sống. Nam cương cương xốc vác lo chuyện bên ngoài; nữ thùy mị đoan trang gánh vác việc trong gia đình. Như vậy thì gia đình hạnh phúc, hòa thuận mà cả hai vợ chồng cũng có thể thay đổi vận mệnh của mình.
3. Đọc sách
Người Do Thái có câu: “Nếu không đọc sách thì đi vạn dặm đường cũng chỉ là người đưa thư”, đọc sách giúp chúng ta mở rộng tầm mắt, mở mang tri thức; khám phá thế giới xung quanh, kết nối với bạn bè năm Châu, “làm bạn” với những bậc Thánh hiền và quan trọng nhất là có thể nâng cao giá trị của bản thân.
Đọc sách cũng là cách nhanh nhất để cập nhật những thông tin, văn hóa tinh hoa từ bao đời nay mà ông cha ta để lại. Tiếp thu lượng tri thức khổng lồ của toàn nhân loại và trở thành người lỗi lạc, có trí tuệ, nhận được sự ngưỡng mộ của người đời.
Đọc sách giúp bạn có cái nhìn chuẩn mực và khách quan hơn về giá trị quan, nhân sinh quan và cả thế giới quan. Thông qua việc đọc sách mà bạn có thể thấu hiểu những lời vàng ngọc của các bậc cao nhân thời xưa, từ những đúc kết kinh nghiệm đó mà có thể tự hoàn thiện nhân cách bản thân.
Chẳng thế mà Benjamin Franklin từng nói: “Tôi chưa từng nhìn thấy một người dậy sớm, siêng năng, cẩn thận, trung thực, than phiền về số mệnh mình không tốt. Nếu có phẩm chất tốt, thói quen tốt, ý chí kiên cường, sẽ không bị thứ gọi là số mệnh đánh bại.”
Chăm chỉ đọc sách, rèn luyện bản thân, không ngừng tu dưỡng phẩm cách thì vận mệnh dẫu có xấu cũng nhất định sẽ được cải biến.
4. Hiếu thuận với bố mẹ
Thánh nhân truyền dạy: “Bách thiện hiếu vi tiên”. Trong trăm điều thiện thì hiếu thuận với cha mẹ là đứng hàng đầu. Con cái phải biết hiếu thuận, vâng lời, thực hiện theo những tâm nguyện của cha mẹ thì mới có thể làm vui lòng đấng sinh thành.
Làm việc thiện tích đức thì không gì bằng hiếu kính cha mẹ, yêu thương và chăm sóc cha mẹ lúc tuổi xế chiều. Người xưa khi xét đoán phẩm chất của một người thì thường xem người đó có đối xử tốt với cha mẹ của mình hay không; vua khi xét đoán một viên quan cũng là xem vị quan đó có hiếu thảo với cha mẹ không?!
Trong xã hội hiện đại ngày nay, trong kết giao bạn bè cũng rất xem trọng việc này; một người mà ngay cả cha mẹ sinh thành và nuôi dưỡng mình cũng coi không ra gì thì có thể đối tốt với người khác được hay không? Nếu có thì cũng chỉ là giả tạo bề ngoài.
Người ta nói “chỉ cần bạn sống tốt, ông Trời tự có an bài”; hiếu kính bậc sinh thành vốn là việc mà con cái phải làm; đồng thời nó cũng có thể giúp con cái thay đổi vận mệnh của mình.
5. Tu hành
Người xưa nói “Thời thịnh thế trữ đồ cổ, thời loạn thế mua vàng kim, thời mạt thế phải tu hành”. Kì thực, tu hành là cách nhanh nhất và tốt nhất để có thể thay đổi vận mệnh của một người.
Tu hành có thể tích được phúc đức; tu hành cũng có thể nâng cao đạo đức cao thượng; tu hành cũng là có hiếu với cha mẹ, vì một người tu hành không chỉ có thể tu dưỡng phẩm chất của bản thân, người nhà cũng sẽ vì thế mà được hưởng phúc báo.
Một người thường cầu Thần Phật phù hộ tai qua nạn khỏi, cầu tiền tài công danh; nhưng một người tu hành thì sẽ được Thần Phật coi sóc từng phút từng giây, người hướng tâm tu Phật, nhất tâm thành tín Phật và hướng thiện thì sẽ càng được Phật bảo hộ nhiều hơn.
Người xưa vẫn thường có câu: “Có đức mặc sức mà hưởng“. Vận mệnh tuy đã được an bài sẵn nhưng không phải là không thể thay đổi; vì vậy mới có nghiệp ác và nghiệp thiện. Để thay đổi vận mệnh thì không gì bằng hành thiện tích đức; tin vào luật nhân quả “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”, mà nếu đủ duyên bước trên con đường tu luyện, nâng cao đạo đức bản thân thì đường đời sau này lại còn tươi sáng hơn nữa.
Nguồn: Nguyện Ước
Chân Nhiên biên tập