Nguồn ảnh: ST

Dạy Con Thông Thái

5 cách để nuôi dưỡng một đứa trẻ biết ơn, yêu thương mọi người

By Lan Hòa

October 14, 2021

Cổ ngữ có câu: “Nhận ơn một giọt, trả ơn một dòng”, lòng biết ơn là sự tu dưỡng căn bản nhất của con người, hãy dạy trẻ học cách quan tâm và yêu thương, dạy trẻ cách cảm ân, điều này có lợi cho việc hình thành nhân cách tốt cho trẻ, và sẽ mang lại cho trẻ vô vàn lợi ích trong cuộc đời.

Vậy, làm thế nào để một đứa trẻ học cách cảm ân và quan tâm đến người khác? Dưới đây là 5 cách để nuôi dưỡng lòng cảm ân, hy vọng sẽ giúp ích cho các bậc phụ huynh.

Không được để trẻ “cầu gì được nấy”, càng không thể cái gì cũng cung cấp cho con cái một cách vô điều kiện

Hãy giảm bớt sự thỏa mãn về phương diện vật chất, đừng kiểu như: Khi con bạn muốn hái sao thì bạn liền hái sao, muốn mặt trăng thì đưa cho nó mặt trăng.

Hãy dạy trẻ hiểu rằng, muốn đạt được bất kể điều gì cũng cần phải bỏ ra công sức, hãy tự để trẻ học cách tự cố gắng để đạt được những thứ trẻ muốn, thông qua nỗ lực và lao động mới có được thành quả, ví dụ trẻ muốn mua một chiếc cặp mới, cha mẹ có thể phân cho trẻ những công việc nhà nhẹ nhàng, đổi lấy “thù lao”, sau đó cho trẻ quyền được tự do kiểm soát.

Thông qua việc này có thể giúp trẻ có khả năng độc lập hơn, biết chia sẻ công việc nhà với bố mẹ, để trẻ hiểu rằng: “Để đạt một điều gì đó cần phải thông qua nỗ lực”, từ đó khi nhận được một thứ gì đó của người khác, trẻ sẽ học được cách cảm ơn.

Đừng chiều chuộng trẻ một cách mù quáng, hãy dạy trẻ cách chia sẻ

Nên là cha mẹ ăn gì, con cái sẽ ăn cái đó. Ngoài một số thực phẩm bổ sung, tất cả những thứ khác nên được chia sẻ với mọi người.

Nếu như trong nhà có người lớn tuổi, có gì ngon thì trước tiên phải biếu người già, vào dịp lễ Tết, nếu người lớn tuổi ở xa, thì nên thường xuyên gọi điện hỏi thăm người lớn tuổi, để trẻ hiểu được: Ngoài tình thương cha mẹ dành cho trẻ, cha mẹ còn rất tôn trọng, kính yêu những người lớn tuổi. Qua đó, trẻ cũng học được cha mẹ cách biết ơn, quan tâm đến những người đã sinh thành, dưỡng dục.

Khi cả nhà cùng đi mua đồ, đừng chỉ suy xét về nhu cầu của con cái.

Ví dụ như, đôi giày nhỏ mà trẻ đang đi, trẻ lại muốn mua một đôi giày mới, nhưng bố cũng muốn mua một chiếc áo sơ mi mới, bạn có thể nói rõ tình huống cho con mình trước khi ra đường, chẳng hạn như: “Chúng ta hãy mua chiếc áo của bố muốn trước, sau đó chọn giày cho con, được không?”.

Bạn thậm chí còn có thể bảo con chọn quần áo giúp bố. Một đứa trẻ biết cảm ơn và quan tâm người khác là một đứa trẻ ngoan ngoãn, lễ phép, biết “có trên có dưới”.

Những việc riêng của trẻ mà trẻ có thể tự làm, cha mẹ không nên làm thay

Một đứa trẻ luôn ỷ lại vào cha mẹ, việc gì cũng cần cha mẹ làm giúp, dần dần trẻ sẽ hình thành tâm lý lười biếng, coi việc cha mẹ luôn hy sinh và yêu thương trẻ là điều hiển nhiên.

Những việc trẻ  có thể tự lập làm được, cha mẹ đừng nên làm thay. Ví như trẻ 2,3 tuổi có thể tự mặc quần áo, hãy để trẻ tự làm, trẻ đến tuổi đi học thì để trẻ tự sắp xếp sách vở, bút thước, cha mẹ cũng không nên làm thay, khi nhà trường tổ chức buổi dã ngoại, chơi xuân, thì hãy để trẻ tự lên kế hoạch. Rèn luyện cho trẻ tính tự lập, không ỷ nại vào cha mẹ, là cách tốt để nuôi dưỡng một đứa trẻ biết cảm ân.

Cha mẹ có thể thường xuyên kể cho trẻ nghe về những công việc vất vả, gian khó của mình

Những bậc cha mẹ phụ huynh đều nên để con cái hiểu rằng: “Cha mẹ đi làm, kiếm đồng tiền thật không hề dễ dàng”, cha mẹ thi thoảng có thể tâm sự, thủ thỉ với con cái như những người bạn thân thiết, về những khó khăn, vất vả của mình, và cách cha mẹ chúng đã nỗ lực vượt qua như thế nào, và trong quá trình dần trưởng thành theo năm tháng, trẻ sẽ biết ơn và thông cảm cho cha mẹ hơn.

Một đứa trẻ có lòng cảm ân sẽ biết ơn và cảm kích tất cả những gì người khác đã làm cho mình, sẽ biết cách trân quý tất cả những gì bản thân có được, từ đó, trẻ sẽ biết cách trao đi yêu thương và sự ấm áp, cuộc sống của trẻ sẽ ngập tràn hạnh phúc, niềm vui.

 

Nguồn: Secretchina

Lan Hòa