Nuôi dạy con là một nghệ thuật, một loại hình nghệ thuật đặc biệt mà không thể áp dụng bất cứ khuôn mẫu nào bởi mỗi người con có một người cha, người mẹ khác nhau. Mỗi người cha, người mẹ ấy lại mang trong mình một trái tim yêu con khác nhau, lại sở hữu một trí tuệ khác nhau, và mỗi người con lại được sinh ra trong một dòng dõi có truyền thống khác nhau.
Nhưng chắc chắn có một điều sẽ gặp nhau đó là ai cũng muốn con mình ngoan, hiền, giỏi giang, trưởng thành. Mong muốn đó vô cùng chính đáng, nhưng khi sinh con ra, khi cuộc sống bộn bề đầy lo toan, cơm áo gạo tiền ghì chặt cuộc sống, nhiều lúc những ông bố bà mẹ quên mất việc dạy con như thế nào cho nó nên người, mãi mê rồi đến một ngày không mong đợi, con họ trở nên hư hỏng, và lúc đó cuộc đời của những bậc làm cha làm mẹ đó chỉ được tính bằng nước mắt ân hận muộn màng.
Vậy nên, dù bận rộn đến đâu, dù nghèo khó đến đâu, bạn đừng quên việc dạy con nên người. Chính là dạy con những phẩm chất, đạo đức tốt đẹp. Có một đứa trẻ, khi bị bắt vào tù, nó đã viết thư cho mẹ rằng: “nếu như ngày xưa mẹ không xui con đi ăn cắp cái bánh mì thì hôm nay con đâu phải ở nơi đây”. Một việc làm từ thời thơ ấu mà trở thành bản chất và biến trẻ thành kẻ tội phạm vào lúc nó vị thành niên.
Con trẻ cần có một không gian đặc biệt, đó là không gian của tình yêu thương. Nơi nào có tình yêu thương thì nơi đó có hạnh phúc. Cha mẹ nào đối đãi với việc dạy con nghiêm túc thì con nên người. Bạn có thể tham khảo một số nghệ nuôi dạy con rất có hiệu quả sau đây:
Bất cứ đứa trẻ nào cũng vui sướng khi được khen tặng, khích lệ. Lời khen đem lại cảm giác hạnh phúc cho con trẻ. Việc khen ngợi giúp con cảm thấy con có giá trị, được tôn trọng, được yêu thương. Quan trọng hơn, việc khen con khi con làm việc tốt sẽ giúp củng cố những hành vi đó, tạo thành thói quen tốt cho con. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng biết cách khen con và khen trong trường hợp nào là hợp lý.
1. Khen việc có thật và cụ thể
Thường nhiều người lớn không để ý đến những hành vi tích cực, chỉ chú ý đến việc bắt lỗi, chú ý tới hành vi tiêu cực của trẻ. Điều quan trọng là phải tìm ra được các hành vi đúng đắn, tích cực của trẻ để củng cố. Ví dụ, nếu một trẻ khoảng 6, 7 tuổi viết chữ xấu thì khích lệ bằng cách tìm ra một điểm gì đó trong bài viết để củng cố. Điểm này phải có thật và cụ thể. Ví dụ, bạn có thể nói một cách quan tâm và dịu dàng: “Chữ X này con viết ngay ngắn và thẳng hàng đấy” hoặc “Con đã kết hợp các câu rất hay”. Trẻ sẽ ngắm nghía chữ hoặc câu mà bạn vừa khen ngợi, sẽ vui và tin tưởng, cảm thấy phấn khởi và đã rõ phải viết thế nào cho đẹp vì đã có chữ mẫu. Điều quan trọng là thái độ và giọng nói của người lớn phải chuyển tải được điều tích cực đó.
2. Khen ngợi hành vi cụ thể và gọi tên một phẩm chất
Việc khen ngợi, khích lệ phải nhằm vào một việc cụ thể, từ đó thể hiện một phẩm chất tốt cụ thể của trẻ. Ví dụ: “Mẹ thích cách con giúp em gái. Con vừa thể hiện sự đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau”; “Em rất tốt khi đã không đánh lại bạn khi bạn trêu chọc và chế nhạo em. Em rất kiên nhẫn, bình tĩnh và đó là bản lĩnh đàn ông”.
Trẻ sẽ nhớ những phẩm chất mà bạn nói là chúng đã có hay đã thể hiện. Điều này rất quan trọng vì nó có thể giúp trẻ thay đổi suy nghĩ, quan điểm của mình từ tiêu cực (như định đánh trả khi bạn trêu chọc) sang tích cực (tự trọng, bình tĩnh, kiên nhẫn).
3. Chân thành
Trong khen ngợi và khích lệ, chính tình cảm và sự yêu thương, chân thành của bạn mới là quan trọng nhất. Điều này làm trẻ cảm thấy mình được tôn trọng, công việc và những cố gắng, nỗ lực của chính trẻ được đánh giá đúng mực. Ai cũng muốn được yêu quý, được công nhận. Ánh mắt, lời nói thể hiện sự tôn trọng, chân thành là những dấu hiệu vô giá của sự thành thật, một điều dễ dàng nhận thấy đối với con người ở mọi lứa tuổi.
Có những lúc không cấn nói bằng lời mà chỉ một ánh mắt, một cử chỉ thể hiện sự đồng cảm, khích lệ: cố lên, con sẽ làm được, con rất giỏi…
4. Luôn để lại cảm xúc tích cực
Đôi khi ta cố gắng khen hoặc khích lệ nhưng lại kết thúc bằng một câu làm người được khen thấy khó chịu. Ví dụ: “Hôm nay con đã quét nhà. Con ngoan lắm! Giá như hôm nào con cũng chăm chỉ, chịu khó như hôm nay thì có phải hay hơn không?” Lời nhận xét ban đầu rất tốt, nhưng khi nó chuyển sang giọng chỉ trích, hoặc nó nhắc lại hành vi tiêu cực trong quá khứ, thì những cảm xúc tích cực sẽ mất đi nhanh chóng.
Bạn cần chuyển hướng sự tích cực đó sang tương lai. Ồ con mẹ đã lớn thật rồi! Ồ mẹ đã được nhờ con rồi đấy.
5. Ngay lập tức
Một hành vi tích cực mới xuất hiện cần nhận được phản hồi tức thì. Một số trẻ không chịu làm bài khi không có ai đó ngồi bên cạnh. Do vậy các em học yếu dần. Hãy hình thành một kiểu hành vi mới bằng cách cùng giúp các em phấn đấu. Ví dụ: “Con biết cách làm rồi đấy. Tốt lắm, khi làm xong 3 bài này thì đưa cho mẹ xem nhé!.” Khi trẻ hoàn thành bài, hãy chấm điểm luôn và khen ngợi nếu trẻ làm đúng. Khi bạn tiếp tục củng cố, hãy tăng số bài tập mà trẻ phải làm trước khi bạn quay trở lại. Trong một thời gian ngắn, trẻ sẽ làm bài một cách độc lập hơn và học khá hơn. Việc khích lệ thường xuyên rất cần để thiết lập một hành vi mới, nhưng đến khi hành vi này trở thành thói quen thì có thể giảm dần sự khích lệ.
Bạn cần nhớ đừng tập cho trẻ thói quen là làm được việc gì đó là ngay lập tức được thưởng. Có mẹ còn thưởng tiền, bạn sẽ hình thành cho trẻ một cái tâm vì tiền mà cố gắng chứ không bồi dưỡng được cho trẻ những phẩm chất tốt đẹp.
Nhung Nguyễn sưu tầm