Sống trên đời, mài dũa nhân cách và nâng cao tâm hồn chính là mục đích sống, ý nghĩa cuộc đời. Bởi vì cuộc sống nhân loại là quá trình xây dựng nhân tính hay bản chất người.
Đã là con người ai cũng phải nâng cao tâm hồn mình theo hướng tốt, ai cũng phải trở thành người có nhân cách chứ không phải chỉ có năng lực và ai cũng phải là người đạo đức chứ không phải chỉ có đầu óc thông minh.
Nâng cao cảnh giới tâm hồn
Đó không phải là một việc khó khăn như là phải đạt tới cảnh giới Thiện hoàn hảo, hay đạt tới Ngộ. Chỉ biết rằng khi đi trọn hành trình cuộc sống, chúng ta có thể tự hào rằng đã có tâm hồn cao cả hơn, đẹp đẽ hơn dù chỉ một chút so với lúc chúng ta mới chào đời, như thế cũng là đủ. Đó là trạng thái làm chủ bản ngã, kiềm chế được dục vọng và thói tùy tiện, thanh thản và vị tha, biết nghĩ đến người khác…
Chính việc mài giũa nhân cách và nâng cao tâm hồn, khiến con người mình đẹp đẽ hơn, cao cả hơn chính là mục đích cuộc sống. So với thời gian dài thăm thẳm của lịch sử vũ trụ thì cuộc đời con người vô cùng ngắn ngủi, giống như tia chớp chợt lóe lên rồi tắt ngấm.
Ý nghĩa và mục đích sống của chúng ta nằm ở khả năng xây dựng nhân tính hay bản chất người khi kết thúc hành trình sống vô cùng ngắn ngủi đó. Nói rõ ràng hơn thì sự quý giá của con người, của cuộc sống chính là quá trình nỗ lực để có thành quả như vậy.
Con người cuối cùng cũng biết được niềm vui, niềm sung sướng trong cuộc sống, có được hạnh phúc sau khi đã nếm trải mọi cay đắng, buồn đau, trăn trở…
Những “hỉ, nộ, ái, ố…” rồi “xả” lặp đi lặp lại trong suốt hành trình cuộc đời và chúng ta cố gắng sống trọn vẹn kiếp người chỉ có một lần trên thế gian.
Những trải nghiệm đó, quá trình đó trở thành giấy nhám mài dũa tâm hồn chúng ta, làm tâm hồn chúng ta ngời sáng khi hành trình sống kết thúc. Nếu làm được như thế và chỉ cần như thế, cuộc đời của chúng ta đã trở nên có giá trị.
Vậy thì làm như thế nào để có thể mài dũa và nâng cao tâm hồn? Có rất nhiều phương pháp và cách tiếp cận. Con đường đưa chúng ta từ chân núi lên đến đỉnh cao có thể nói không giới hạn. Chúng ta có thể áp dụng phương châm mài dũa nhân cách và nâng cao tâm hồn là thực hiện 6 phép tinh tiến:
1. Nỗ lực
Đi sâu nghiên cứu và học hỏi nhiều hơn người khác và duy trì nghiêm túc quá trình này. Nếu có thời gian để kêu ca phàn nàn thì hãy sử dụng thời gian đó để nỗ lực tiến lên phía trước dù chỉ một chút.
Làm việc nỗ lực là bạn đang xây dựng kỹ năng cho bản thân. Không có gì bạn học tập và tìm hiểu được là lãng phí cả. Bất kể mối quan hệ, kiến thức, ấn tượng hay kỹ năng gì mà chúng ta xây dượng nên, sẽ chỉ thuộc về chúng ta và không ai có thể lấy đi điều đó. Tóm lại, làm việc nỗ lực sẽ mang lại rất nhiều điều tốt đẹp cho chính bản thân chúng ta.
2. Khiêm tốn, không tự mãn
Có câu: “Khiêm thụ ích, mãn chiêu tổn”, có nghĩa là: khiêm nhường sẽ nhận được lợi ích, được cho thêm, tự mãn thì bị mất đi, chuốc lấy tổn hại. Người tự cao tự đại, tự ngã ở trên cao, dù đi tới bất cứ đâu cũng không nhận được sự chào đón. Thế mới nói, thất bại lớn nhất của con người sinh ra trên nhân thế là tự mãn, kiêu ngạo.
3. Nhìn lại bản thân mỗi ngày
Bằng cách đặt câu hỏi và tự nhìn lại bản thân mình trước sai lầm của người khác, chính là chúng ta đang khởi lên trong tâm một sự bao dung và khiêm nhường. Kiểm tra xem xét lại mọi hành động và suy nghĩ của mình mỗi ngày, xem mình có suy nghĩ nào ích kỷ không, có làm điều gì hèn kém không. Nỗ lực sửa chữa sai sót của mình.
4. Cám ơn cuộc đời
Luôn suy nghĩ: Được sống trên cõi đời này đã là một hạnh phúc lớn lao. Nuôi dưỡng tấm lòng biết ơn dù là từ những điều nhỏ nhặt nhất. Thành công không phải là chìa khóa mở cánh cửa hạnh phúc. Hạnh phúc là chìa khóa dẫn tới cánh cửa thành công. Nếu bạn yêu điều bạn đang làm như thể mỗi điều xảy ra đều là một món quà, bạn sẽ thành công.
Jack Canfield, chuyên gia hàng đầu nước Mỹ về thành công cá nhân cho rằng thái độ mạnh mẽ nhất trong tất cả các thái độ tích cực chính là Lòng Biết Ơn. Ông từng nhận định: “Để nâng cao năng lực của bản thân, chúng ta cần xem trọng lòng biết ơn. Lòng biết ơn là thành phần đơn quan trọng nhất cho một cuộc sống hạnh phúc và tròn đầy”.
5. Nhân hậu, vị tha
Làm việc thiện, suy nghĩ vì người khác, để tâm vào mọi lời nói và hành động, yêu thương mọi người. Người làm nhiều việc thiện sẽ được đền đáp, đúng như câu nói “Nhà tích thiện luôn thịnh vượng”.
Sự nhân hậu như dòng chảy ngầm dưới đáy sâu của lòng sông. Nó rất mạnh mẽ nhưng trên bề mặt lại vô cùng yên ả, không hề nổi sóng ào ạt. Sự nhân hậu của một người có thể tạo nên nhân cách của người đó, cũng là thể hiện của tâm thái cao quý.
6. Không để cảm tính chi phối
Không kêu ca, bất mãn, lo lắng, trăn trở, dằn vặt những chuyện không đâu. Để tránh tình trạng đó cần phải toàn tâm toàn ý bắt tay vào công việc để không ân hận gì.
Những điều trên là “6 phép tinh tiến” để tự nhủ hàng ngày và cố gắng thực hiện trong cuộc sống. Đó không phải là những giáo điều được cho vào khung kính và treo lên tường để trang trí. Biết áp dụng một cách kiên trì, từng bước, sao cho “6 phép tinh tiến” thấm vào cuộc sống chắc chắn chúng ta sẽ thành công.
Hằng Tâm