Nguồn ảnh: SOH

Văn Hóa

6 thần đồng nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa

By Lan Hòa

July 05, 2021

Trung Quốc có lịch sử 5000 năm, có rất nhiều thần đồng tài ba, thông minh và kiệt xuất, dưới đây là câu chuyện của 6 nhân vật điển hình trong số đó:

1. Lão Tử

Lão Tử, tên là Lý Nhĩ, tự là Bá Dương, sống vào cuối thời Xuân Thu. “Lão” là ý gọi người tuổi cao mà đức lớn. “Tử” là cách gọi bày tỏ lòng tôn kính đối với người khác. Tương truyền rằng, sở dĩ người đời gọi ông là “Lão Tử” là bởi ngay từ khi mới sinh ra tóc của ông đã bạc trắng.

Lão Tử là một nhà tư tưởng, triết gia, văn học gia và lịch sử gia vĩ đại của Trung Quốc cổ đại, là người sáng lập ra Đạo giáo, được các bậc đế vương nhà Đường coi là thái tổ dòng họ Lý. “Đạo Đức Kinh” (hay còn gọi là Lão Tử), là cuốn sách mà ông để lại, được xem là thiên cổ kỳ thư của nhân loại. Nó cũng được các giới học giả đánh giá là “Thi trung chi bảo”, là cuốn kỳ thư đặt định ra nền văn hóa, đạo đức cho nhân loại.

Lão Tử ngay từ thuở thiếu thời đã tỏ rõ là một người thông minh, đức hạnh, tài trí hơn người. Đương thời, nước Sở đang đánh nước Tống, uy thế lớn mạnh, Lão Tử lại nói: “Đây không nhất định đã là việc tốt, trước đây nước Sở nhỏ yếu cho nên không có người chú ý, nhờ vậy mà có thời gian nghỉ ngơi dưỡng khí, phát triển lớn mạnh. Bây giờ lớn mạnh, thắng trận thì cũng là lúc cây lớn đón gió to, từ nay trở đi sẽ bất an rồi”.

Quả nhiên đúng như những gì Lão Tử nói, một năm sau hai nước Sở – Tấn xảy ra trận giao tranh, nước Sở quả nhiên bại trận. Lúc này mọi người mới nhớ đến lời của Lão Tử, đều cho rằng ông có thần lực, bốc quẻ đoán trúng được sự việc. Chu Tương Vương muốn Lão Tử truyền thụ lại bản lĩnh bốc quẻ tiên đoán sự việc cho mình.

Lão Tử bèn nói: “Tôi không phải có bản lĩnh bốc quẻ tiên đoán sự việc gì cả, thế gian vạn vật đều có quy luật bên trong của nó, tất cả vạn sự vạn vật đều là tương phụ tương thành, có thể chuyển hóa lẫn nhau, phúc và họa luôn luôn tồn tại cùng biến hóa lẫn nhau, chính là đạo lý này”. Chu Tương Vương nghe xong rất bội phục nên giữ Lão Tử trong triều làm quan.

Lão Tử được người đời mệnh danh là một trong ba đại Thánh nhân của phương Đông, được thời báo New York nhận định là người đứng đầu trong 10 đại tác gia thiên cổ. Khổng Tử cùng đã từng phải bái kiến ông để học về Lễ, cầu về Đạo, tự cổ đã có danh xưng “Lão Tử thiên hạ đệ nhất”.

Về phương diện tu thân cầu Đạo, Lão Tử chính là thủy tổ sáng lập môn tu luyện tính mệnh song tu của Đạo giáo, nghiên cứu khiêm tốn thành thật, kiên định tu trì, không tranh luận hơn thua với người khác. Trên phương diện chính trị, chủ trương của Lão Tử là lấy vô vi mà trị, giáo dục không cần lời nói. Còn về phương diện quyền thuật, ông nghiên cứu nguyên lý “vật cực tất phản”.

Trong Đạo giáo ông được mệnh danh là thủy tổ. Lão Tử cùng với một hậu bối là Trang Tử chính là những nhân vật nổi bật nhất của Đạo giáo đến nỗi đôi khi người ta gọi là đây là đạo “Lão Trang”. Vì Lão Tử là người sáng lập Đạo giáo nên người ta cho rằng ông chính là hóa thân của “Thái Thượng Lão Quân” dưới trần gian, là bậc thần tiên giáng phàm, truyền dạy đạo đức cho con người.

2. Cam La

Cam La, cháu trai của Cam Mậu, một danh thần nổi tiếng của nước Tần thời chiến quốc, được mệnh danh là bậc thần đồng chính trị khi mới 12 tuổi. Cam La từ nhỏ đã thể hiện tư chất thông minh hơn người, khi còn nhỏ đã kết giao với Lã Bất Vi, thừa tướng nước Tần.

Trong một lần Lã Bất Vi gặp chuyện buồn bực vì không thuyết phục được Trương Đường đi sứ nước Yên. Cam La biết chuyện nên muốn thay Lã Bất Vi đến thuyết phục Trương Đường. Lã Bất Vi cho rằng Cam La chỉ là một cậu nhóc 12 tuổi mà ngông cuồng vọng ngữ, không biết tự lượng sức mình, nói: “Bản thân ta là Thừa tướng còn không thuyết phục được nói chi đến một đứa trẻ như ngươi?“.

Cam La mới đáp rằng: “Hạng Thác 7 tuổi đã làm thầy Khổng Tử, vậy tại sao cháu lại không đủ tài trí cơ chứ?“. Lã Bất Vi thấy lời lẽ của cậu mạch lạc, dứt khoát, vẻ mặt lại tự tin không một chút do dự nên đồng ý để Cam La đến phủ Trương Đường làm thuyết khách.

Tần Vương vô cùng khâm phục tài trí của Cam La, phong Cam La làm Thượng khanh, đồng thời đem toàn bộ đất đai mà trước đây thu hồi của Cam Mậu trao trả lại cho cậu. Đương thời, Thượng khanh là chức quan tương đương với Thừa tướng, đây quả thực là “tài không đợi tuổi”.

3. Tư Mã Quang

Tư Mã Quang, tự là Quân Thực, là chính trị gia, lịch sử gia, văn học gia nổi tiếng thời Bắc Tống. Khi mới sinh ra Tư Mã Quang, cha ông lúc đó là Tư Mã Trì đang làm chức huyện lệnh tại Quang Sơn, Quang Châu nên đặt tên cho ông là Quang.

Năm lên 7, Tư Mã Quang đã thông đọc “Lã Thị Xuân Thu”, không những vậy mà còn hiểu được nội hàm thâm sâu trong đó. Cũng từ đó, Tư Mã Quang tay không rời sách, có lúc quên đói quên khát, chăm chú đọc sách không ngừng.

Điển tích xưa còn lưu truyền một câu chuyện rất nổi tiếng là “Tư Mã Quang đập vại”. Chuyện xảy ra vào năm Tư Mã Quang mới lên 7 tuổi. Một hôm, trong đám trẻ con đang chơi đùa với nhau thì một em nhỏ tuổi nhất sơ ý ngã nhào vào vại nước to khi đang ngồi chơi trên miệng vại.

Lũ trẻ nhớn nhác tìm cách cứu đứa bé nhưng mãi vẫn loay hoay không sao làm gì được. Lúc đó Tư Mã Quang không hề tỏ ra hốt hoảng, điềm tĩnh suy nghĩ một chút, rồi nhanh ý lấy một tảng đá đập bể vại cho nước thoát ra ngoài. Cũng nhờ vậy mà đứa bé được cứu sống.

Khi người lớn đến nơi thì mọi chuyện đã được xử lý xong, ai cũng khen Tư Mã Quang tư chất thông minh, lanh lợi. Ngay từ khi còn nhỏ, gặp chuyện nguy nan Tư Mã Quang đã rất trầm tĩnh, thông minh xử lý vấn đề, để lại một giai thoại ngàn năm thiên cổ.

Sau này khi trưởng thành, Tư Mã Quang quả nhiên lập được công danh hiển hách. Có một điều đặc biệt là dù nắm giữ rất nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình nhưng ông sống rất khiêm nhường, giản dị, liêm khiết, đúng chất của một bậc nho sĩ. Ông để lại cho đời tác phẩm đồ sộ: “Tư trị thông giám” với hơn 3 triệu chữ, được cho là sánh ngang với “Sử ký” của Tư Mã Thiên, để lại tiếng vang muôn đời.

4. Hạng Thác

Hạng Thác là một thần đồng của nước Cử thời Xuân Thu, một lần nọ, Khổng Tử gặp Hạng Thác đàng ngồi chơi giữa đường, cản lối xe của mình đi nên xuống ngữa hỏi han lí do. Không ngời Hạng Thác đáp lại rằng: “Từ xưa đến nay, chỉ nghe nói xe phải tránh thành chứ không hề có chuyện ngược lại bao giờ”.

Khổng Tử hỏi thành ở đâu, Hạng Thác chỉ tay phía trước mắt, quả nhiên nhìn thấy một thành trì trên mặt đất mà cậu đang chơi. Khổng Tử cảm thấy cậu rất thông minh nên đưa ra một loạt câu hỏi thử trí thông minh của cậu:

Lửa nào không khói?/ Nước nào không cá?/Núi nào không đá? Cây gì không cành?/Người nào không vợ? Ai kẻ không chồng?/Trâu nào không nghé? Ngựa nào không con?/Trống nào không mái? Mái nào không trống?/Ai là quân tử? Ai người tiểu nhân?/Vật gì không đủ? Vật gì có thừa?/Thành nào không chợ? Người nào không con?”

Hạng Thác không chút do dự đáp ngay:

Lửa đom đóm không khói. Nước giếng không cá/Núi đất không đá. Cây khô không cành/Tiên Ông không vợ. Ngọc Nữ không chồng/Trâu đất không nghé. Ngựa gỗ không con/Trống độc không mái. Mái độc không trống/Hiền là quân tử/Người dại tiểu nhân/Ngày Đông không đủ. Ngày Hạ có thừa/Hoàng thành không chợ/ Đứa trẻ không con”.

Khổng Tử thấy cậu tư chất quá đỗi thông minh nên nói: “Trong xe ta có sẵn bộ Song Lục Cục, cậu có muốn chơi cùng ta không?“.

Ai ngờ Hạng Thác đáp: “Nông phu mê chơi, bỏ bê mùa vụ, nho sĩ mê chơi, bỏ bê đèn sách, chư hầu mê chơi, chính sự bất an, việc này vô bổ nên cháu không màng“.

Khổng Tử nghe xong rất lấy làm phục nên hỏi tiếp: “Ta muốn cùng cậu đàm luận việc bình trị thiên hạ, cậu có bằng lòng không?”.

Hạng Thác lại trả lời: “Chuyện thiên hạ khỏi phải bình, vì hoặc như núi cao, hoặc như sông hồ, hoặc như vương hầu, hoặc như nô tì. Nếu san bằng núi thì chim chóc không nơi trú ngụ, lấp bằng sông hồ thì cá nhờ đâu bơi lội, bỏ chức vương hầu thì dân không người trị, bỏ nô tì thì chủ nhân không có người để sai khiến, thế nên cháu không bình luận việc thiên hạ”.

Đến lượt Hạng Thác hỏi Khổng Tử 3 câu hỏi, Khổng Tử đều không thể trả lời:

Hạng Thác hỏi: “Trên Trời lấp lánh những vì sao, vậy thưa Ngài hỏi sao có bao nhiêu?“

Khổng Tử đáp: “Chuyện dưới đất không thiếu gì, cớ sao lại hỏi chuyện trên Trời”.

Hạng Thác lại hỏi: “Vậy dưới đất có bao nhiêu ngôi nhà?”.

Đức Khổng Tử lại đáp rằng: “Hỏi chuyện trước mắt chẳng phải là thực tế hơn không? Cần gì nói chuyện Trời Đất xa xôi“.

Hạng Thác liền thưa: “Vậy thưa ngài nếu bàn chuyện trước mắt thì ngài có biết lông mày có bao nhiêu sợi hay không?”.

Khổng Tử không trả lời, chỉ biết cười mà thôi. Ông quay lại nói với các học trò rằng: “Hậu sinh khả úy”. Nguồn gốc của câu “Hậu sinh khả úy” chính là ra đời từ đây. Nghe nói Khổng Tử vì vô cùng khâm phục Hạng Thác nên đã tôn cậu làm thầy của mình.

Việc Khổng Tử tôn Hạng Thác làm thầy cũng bởi ông muốn đề cao đức khiêm tốn, làm người cần phải biết học hỏi người khác. Còn câu “Hậu sinh khả úy” ngày nay được dùng để khen ngợi lớp người trẻ có thể vượt xa cha ông, đáng được tôn trọng.

5. Tào Xung

Tào Xung, tự là Thương Thư, là thần đồng thời Đông Hán, là con trai của Tào Tháo, được mệnh danh là thần đồng vì từ nhỏ đã có tố chất thông minh hơn người, là người mà Tào Tháo hết mực yêu thương muốn nhường giang sơn đại nghiệp. Trong “Ngụy Thư” có chép một việc thể hiện trí tuệ của Tào Xung.

Đương thời đại quân Tào Tháo chinh chiến thiên hạ, luật lệnh nghiêm ngặt nên thường có án oan phát sinh. Có lần, một chiếc yên ngựa của Tào Tháo để trong nhà kho bị chuột cắn hỏng, binh sĩ quản kho vô cùng lo sợ, e rằng bản thân khó thoát khỏi cái chết. Tào Xung biết chuyện liền lấy dao cắt rách áo mình ra làm bộ như bị chuột cắn hỏng, mặt mày buồn rũ. Tào Tháo thấy con trai có vẻ buồn rầu, hỏi cớ làm sao? Tào Xung trả lời: “Nghe mọi người nói áo bị chuột cắn hỏng thì chủ nhân sẽ gặp chuyện không may“.

Tào Tháo cười nói: “Làm gì có chuyện đó, con đừng nghe mấy lời nói bậy bạ như vậy“. Sau đó người binh sĩ quản kho kia cũng thành thật bẩm báo chuyện chiếc yên ngựa bị hỏng lên Tào Tháo. Tào Tháo lúc này mới minh bạch ra dụng ý của Tào Xung nên cười bỏ qua chuyện chiếc yên.

6. Gia Cát Lượng

Gia Cát Lượng, tự là Khổng Minh, hiệu là Ngọa Long tiên sinh, người thời Tam Quốc, là Thừa Tướng nhà Thục Hán. Ông là chính trị gia, nhà ngoại giao, nhà văn, nhà thư pháp, cũng là nhà phát minh kiệt xuất trong thiên hạ.

Khi còn nhỏ, Gia Cát Lượng từng bái Thủy Kính tiên sinh làm thầy. Sau 3 năm, Thủy Kính Tiên sinh nói với các đệ tử: “Thời hạn 3 năm đã hết, mấy ngày sau ta sẽ thi khảo các con, ai không thi được thì sau này tuyệt đối không được nói là học trò của ta”. Mọi người ai nấy đều chuẩn bị bài vở trong sách, chỉ có Gia Cát Lượng cả ngày quanh quẩn bên thầy.

Một buổi sáng, Thủy Kính tiên sinh nói với đệ tử: “Ta sẽ ra một đề, từ bây giờ tới giờ Ngọ ba khắc, ai có thể khiến ta cho phép rời khỏi Thủy Kính Trang thì người đó được xuất sư“. Mọi người vội vàng nghĩ cách, có người hô lớn “Bên ngoài có cháy“, người thì kêu gia đình có người chết phải về gấp.

Thủy Kính tiên sinh đều không thèm bận tâm. Bàng Thống nói: “Thưa thầy, để được thầy cho con rời khỏi đây, con e rằng mình không có cách nào. Nhưng mà con có cách ra ngoài rồi sẽ lại được thầy cho phép quay lại”. Thủy Kính tiên sinh nói: “Bàng Thống thông minh vặt kiểu con trẻ, đứng qua một bên“.

Từ Thứ giả viết một bức thư người nhà, cầm thư khóc: “Mẫu thân ở nhà mang trọng bệnh, xin thầy cho phép con về nhà chăm sóc mẫu thân“. Thủy Kính tiên sinh nói: “Sau giờ Ngọ ba khắc tùy ý ra về“. Chỉ có Gia Cát Lượng bình thản nằm ngủ ở bàn học, tiếng ngáy to tới mức khiến mọi người khó chịu. Thủy Kính tiên sinh nghe thấy cũng vô cùng tức giận.

Sắp tới giờ Ngọ ba khắc, Gia Cát Lượng tỉnh ngủ, nghe mọi người nói thầy ra đề như vậy liền túm áo thầy mà nói: “Thầy đã xảo trá ra đề kiểu này để hại chúng con, đã thế con không làm đệ tử của thầy nữa, thầy mau mau trả lại tiền học phí ba năm cho con để con ra về“.

Thủy Kính tiên sinh vốn là bậc tôn sư trong thiên hạ, người người kính phục nay lại bị học trò nói những lời bất kính như thế nên tức giận đến run hết cả người, không nghĩ gì được nhiều nên đuổi Gia Cát Lượng ra khỏi Thủy Kính Trang. Gia Cát Lượng không chịu rời đi, Thủy Kính tiên sinh lệnh cho Bàng Thống, Từ Thứ tống Gia Cát Lượng ra ngoài.

Gia Cát Lượng vừa ra khỏi trang liền cười lớn, khiến cho Bàng Thống và Từ Thứ ngẩn người. Gia Cát Lượng liền tiện tay nhặt một cây gậy bên đường quay lại Thủy Kính Trang quỳ dưới mặt thầy, hai tay dâng gậy lên đưa thầy nói: “Vừa rồi là để ứng phó đề thi, vạn bất đắc dĩ mạo phạm ân sư, đệ tử nguyện ý chịu sự trừng phạt của thầy“.

Thủy Kính bừng ngộ chuyển giận thành vui, đỡ Gia Cát Lượng lên nói: “Xem ra con thật là tài giỏi hơn ta rồi, con có thể xuất sư rồi“. Gia Cát Lượng nói: “Bàng Thống và Từ Thứ cũng ra khỏi trang, theo lý mà nói, cũng nên được xuất sư, xin thầy cho phép”. Thủy Kính tiên sinh nghĩ một hồi sau cũng đồng ý.

 

Nguồn: Sound of hope

Lan Hòa biên tập