Ảnh: dkn.tv

Khám Phá

7 bước đi hoa sen của Đức Phật mang ý nghĩa gì?

By Đăng Dũng

September 13, 2021

Đức Phật sinh vào khoảng năm 623 trước công nguyên, tên thật là Tất Đạt Đa, thuộc dòng họ Thích Ca, con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Maya. Khác với những đứa trẻ bình thường chỉ trong thai mẹ 9 tháng 10 ngày, nhưng riêng Người ở trong bụng mẹ đúng 10 tháng mới ra đời.

Đến gần ngày sinh, Hoàng hậu Ma-da theo phong tục xưa trở về quê ngoại để sinh nở. Đến vườn Lâm Tỳ Ni, Hoàng hậu xuống xe dạo chơi trong khu vườn xinh đẹp. Thấy cành hoa vô ưu ngàn năm mới nở, Hoàng hậu vịn tay níu lấy cành hoa, đất trời chuyển động 6 cách. Từ trên không trung, muôn ngàn ánh sáng rực rỡ, tiếng nhạc trời vang dội khắp nơi, những đóa hoa trời rải xuống như mưa. Hoàng Hậu như chìm sâu trong tĩnh lặng, cũng là lúc Đức Phật ra đời.

7 bước chân của Đức Phật có ý nghĩa gì?

Lịch sử Phật giáo ghi: “Vừa sinh ra, Thái tử đã đi 7 bước chân, dưới mỗi bước chân nở một đóa sen nâng gót. Đến bước cuối cùng, tay chỉ trời, tay chỉ đất, Ngài dõng dạc cất cao tiếng: Trên trời dưới trời, Ta là bậc tôn quý hơn cả…”

Ý nghĩa 7 bước đi hoa sen của Ngài. Bảy bước, con số chỉ vũ trụ (thời gian phân 3 cộng với không gian có 4 chiều). Ngoài ra còn là con số biểu tượng trình tự tu chứng, là bảy cấp tiến đến giác ngộ:

1. Bước thứ nhất: Đức Phật nhìn về Phương Đông và bảo rằng: “Phương Đông ấy chính là ngọn đuốc soi đường tối thượng cho chúng sinh trong mọi lĩnh vực”. Đức Phật lấy phương mặt trời mọc để chỉ cho sự phát huy trí tuệ.

2. Bước thứ hai: Đức Phật nhìn về phương Nam và bảo rằng: “Phương Nam ấy chính là ruộng phước an lành cho chúng sinh gieo gặt”. (Thị Nam phương vị chúng sinh lương phước điền cố). Đức Phật lấy phương Nam để chỉ cho chúng sinh nhờ phát huy trí tuệ, biết quán chiếu vào sâu trong lòng thực tại nên biết quy hướng về những nghiệp nhân tốt lành.

3. Bước thứ ba:  Đức Phật nhìn về phương Tây và bảo rằng: “Phương Tây ấy chỉ cho chúng sinh hóa giải động cơ sinh tử, chấm dứt sanh thân cuối cùng”. (Thị Tây phương vị chúng sanh dĩ tối hậu thân cố). Phương Tây là phương mặt trời lặn, để chỉ cho sự an nghỉ tuyệt đối của tâm thức.

4. Bước thứ tư: Đức Phật nhìn về phương Bắc và bảo rằng: “Phương Bắc ấy chỉ cho chúng sanh là ta đã được đạo quả vô thượng chánh đẳng chánh giác”. (Thị Bắc phương vị chúng sanh ngã đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề). Đến đây, đức Phật bắt đầu vận chuyển bánh xe pháp. Ngài như vị lương y biết bệnh tâm của chúng sinh, ai bị bệnh nặng thì được Ngài cứu trước. Vì vậy, Ngài chuyển qua bước thứ năm tiếp cận với cuộc đời để tùy duyên mà hóa độ.

5. Bước thứ năm: Đức Phật nhìn xuống phương dưới và bảo rằng: “Phương dưới ấy ta sẽ giúp cho chúng sanh chinh phục ma lực để vượt thoát khổ đau” (Thị Hạ phương vị chúng sanh dị dục hàng ma cố). Vì lòng thương tưởng đến nhân sinh đang có nhiều đau khổ do cố chấp, tham lam, sân hận… gây ra, nên Ngài tùy duyên tuyên thuyết chân lý để cho mọi người lần lượt từ bỏ những tham chấp ấy.

6. Bước thứ sáu: Đức Phật chỉ lên phương trên và bảo rằng: “Phương trên ấy là chỉ cho chúng sanh đang sống đúng với năm nhân cách và tu tập mười thiện nghiệp” (Thị Thượng phương vị chúng sanh quy y thiên nhân cố). Đây là những thiện nghiệp cần hướng tới thực tập để thoát khỏi khổ đau.

7. Bước thứ bảy: Đức Phật một tay chỉ lên, một tay chỉ xuống và bảo rằng: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn. Vô lượng sinh tử, ư kim hỷ tận”. Ta bị trôi lăn trong ba cõi sáu đường đều do ngã chấp chi phối, và đến kiếp này là sinh thân cuối cùng của ta vậy.

Tại sao 7 bước chân của Đức Phật lại gắn liền với hoa sen?

Tại sao 7 bước chân của Đức Phật lại gắn liền với hoa sen của nhà Phật, sở dĩ hoa sen được như vậy là nhờ 8 đặc tính tốt đẹp sau đây: 1-Vô nhiễm, 2-Trừng thanh, 3-Kiên nhẫn, 4-Viên dung, 5-Thanh lương, 6-Ngẩu không, 7-Bồng thực.

1. Vô nhiễm – Hoa Sen dù mọc lên từ bùn nhưng không mang mùi hôi của bùn

Loài sen thường mọc ở những nơi ẩm ướt và có nước như đầm, ao, sông, ao, hồ… nhưng thân hoa không hề bị vướng bẩn bởi những thứ dơ bẩn của môi trường xung quanh. Bùn là tượng trưng cho phiền não nhiễm ô, còn hoa sen là tiêu biểu cho thanh tịnh. Ca dao Việt Nam từ xưa đã biết đặc tính đáng quý này:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng, bông trắng, lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.”

Trong mỗi người chúng ta đều sẵn có đặc tính bất cấu nhiễm này. Hoa sen là để tiêu biểu ẩn dụ cho mỗi người chúng ta ai ai cũng sẵn có Phật tánh. Nó giống như người tu hành sống giữa trần tục phù du với biết bao nỗi khổ trên đời nhưng vẫn luôn giữ vững cái tâm trong sáng, vô thường vô ngã. Cư trần bất nhiễm trần.

2. Trừng thanh (Lóng trong) – Chỗ nào có hoa Sen mọc thì chỗ đó nước được làm trong

Điểm đặc biệt là chỗ nào có hoa sen mọc, thì chỗ đó nước được làm trong. Do đó, khi chúng ta hái hoa sen, thì đôi khi khỏi cần phải rửa, bởi hoa sen không dính bùn nhơ. Bởi vì bản chất của nó mang sẵn tính trừng thanh. Điều này để nói lên cái ý nghĩa biểu trưng rằng, nơi nào có Phật Pháp, có người tu Phật, thì nơi đó sẽ đem lại cho chúng sanh có sự an lành, là miền đất tịnh thổ.

3. Kiên nhẫn – Rễ củ của Sen kiên nhẫn nằm trong bùn thật lâu, chờ đợi khi hội tụ đầy đủ nhân duyên sẽ vươn lên mạnh mẽ.

Hoa sen là loại túc căn thảo, tức một loại có nảy mầm từ rễ củ của năm trước. Rễ củ của nó nằm trong bùn thật lâu để chờ đợi khi hội tụ đầy đủ nhân duyên là nó sẽ nảy mầm ngay. Sự chờ đợi đó, tức là đức tính kiên nhẫn rất là kỳ thú. Đức tính này, rất cần thiết trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Người nào có đức tính kiên nhẫn này, thì người đó khi ra làm việc gì chắc chắn sẽ dễ đạt được thành công. Bằng ngược lại, thì khó mong đạt được.

Có nhiều khi, vì một việc rất nhỏ nhặt nào đó xảy ra mà chúng ta cũng không đủ sức kiên nhẫn để vượt qua, thì đừng nói chi đến việc trọng đại. Cho nên, đức tính kiên nhẫn là một đức tính tối thiết yếu trong đời sống hướng thượng thăng hoa, khác nào hoa sen đã kiên nhẫn vươn lên tìm sự sống cao đẹp vậy.

Nó cũng phần nào tượng trưng hình ảnh những người có tâm hướng Đạo, đối diện với đấu tranh, mâu thuẫn sẵn sàng nhường một bước, chờ thời cơ thuận lợi để vươn lên, chứ không nhất thiết phải bon chen: LÙI MỘT BƯỚC, BIỂN RỘNG TRỜI CAO. Đó cũng là một quan niệm sống tốt đẹp của nhà Phật.

4. Viên dung – Hoa Sen có những cánh hoa bao bọc gương sen tròn trịa – đây là tiêu biểu cho tính viên giác của mỗi chúng sinh sẵn có

Đức tính nầy, đặc biệt chỉ có hoa sen mới có. Vì hoa sen có những cánh hoa bao bọc gương sen tròn trịa. Đây là tiêu biểu cho tánh viên giác của mỗi chúng sanh sẵn có. Tánh viên giác vượt ngoài phạm trù nhân duyên đối đãi.

5. Thanh lương – Có hương sắc nhưng không ngào ngạt kiêu sa

Hoa sen vừa có hương lại vừa có sắc. Tuy nhiên hương sen thường thoang thoảng, dịu dàng chứ không nồng nặc, tạo cho con người có cảm giác an lành khi được thưởng thức và ngắm loài hoa này.

6. Ngẩu không –  Trong ruột thân Sen trống rỗng, tượng cho tính “không” của Phật gia

Hoa Sen tuy thân ngay thẳng nhưng trong ruột thì trống rỗng. Điểm đặc biệt này để nói lên một ý nghĩa rất thâm trầm là người tu hành cần có tính không, phải hỷ xả buông bỏ tham chấp dụng vọng.

7. Bồng thực: Hoa Sen nở ra đã có gương, có hạt sẵn rồi. Đó là nhân quả đồng thời.

Các loài hoa khác, khi bông tàn mới kết nụ thành trái và có hạt. Ngược lại, hoa sen thì không như thế. Hoa sen nở ra thì đã có gương có hạt sẵn rồi. Đó là nhân quả đồng thời. Điều này nói lên một triết lý sống; nhân quả không bao giờ sai khác. Nhân quả như hình với bóng, hình thế nào thì bóng như thế đó, gieo nhân nào thì gặt quả đó.

Nguồn: dkn.tv Quang Minh tổng hợp