Khám Phá

8 cách bố thí không tốn một đồng nhưng đem lại may mắn

By Đăng Dũng

April 27, 2021

Bố thí là xuất phát từ thiện tâm của con người, từ lòng hảo tâm mà đem vật chất, tinh thần hay trí tuệ mà mình có được đến với mọi người. Bố thí không lệ thuộc vào số lượng của cho mà được tính ở tâm người lúc bố thí, người không có tiền vẫn có thể bố thí…

Ở một thôn trang nọ, có một người đàn ông làm gì cũng thất bại, mặc dù tay nghề làm không thua kém gì người khác, đến cày cấy, trồng trọt cũng làm giỏi như người khác, nhưng cứ đến mùa thì người đàn ông này lại thu hoạch không bằng người khác, sản lượng bao giờ cũng thấp hơn.

Cảm thấy cuộc đời quá bất công đối với mình, người đàn ông quyết định lên đường tìm vào một ngôi chùa trong núi, tìm gặp một vị cao tăng để giải đáp vấn đề của mình. Vị hòa thượng trụ trì quyết định ra gặp người đàn ông đó. Khi vừa gặp vị hòa thượng người đàn ông vừa khóc vừa kể lể: “Thưa trụ trì, vì sao con làm việc gì cũng đều không thành công?”.

Vị hòa thượng trả lời anh ta rằng: “Điều này là bởi vì ngươi không học được cách bố thí!”

Người đàn ông lại nói: “Nhưng con chỉ là một người nghèo thôi ạ!”

Vị hòa thượng nghe xong lại nói với anh ta rằng: “Cũng không phải là như vậy! Một người cho dù là không có tiền cũng vẫn có thể cho người khác 8 thứ:

  1. Bố thí bằng vẻ mặt: Ngươi có thể cho người khác vẻ mặt tươi cười niềm nở.
  2. Bố thí bằng lời nói: Ngươi có thể cho người khác những lời cổ vũ khích lệ, lời an ủi, lời khen ngợi, lời khiêm tốn và lời nói ấm áp.
  3. Bố thí bằng tấm lòng: Ngươi có thể mở rộng tấm lòng và đối xử chân thành với người khác.
  4. Bố thí bằng ánh mắt: Ngươi hãy dùng ánh mắt thiện ý để nhìn người khác.
  5. Bố thí bằng hành động: Người cũng có thể dùng hành động để đi giúp đỡ người khác.
  6. Bố thí bằng chỗ ngồi: Khi đi xe hay thuyền, ngươi có thể đem chỗ ngồi của mình tặng cho người khác.
  7. Bố thì bằng nơi ở: Ngươi đem nơi ở trống không sử dụng của mình cho người khác nghỉ ngơi.
  8. Bố thí bằng cách hoằng dương Phật Pháp: Ngươi đem sự thành kính đối với Thần Phật truyền cho người khác, nếu một người đang sắp đi vào đường xấu nhờ vậy mà trở lại thành tốt, đây là việc làm có công đức vô lượng.

Trước khi đi vào, vị hòa thượng quay lại nói: “Vô luận là ai, chỉ cần dưỡng thành 8 thói quen này thì vận may sẽ đến với người đó, số phận cũng sẽ được thay đổi”.

Có nhiều người tưởng rằng đem nhiều tiền công đức cho chùa, hoặc cho người khác là bố thí, đấy cũng là một cách nhưng còn phải xét nhiều khía cạnh. Người xưa cũng nói: Phật nhìn tâm con người. Nếu người ấy đem tiền đi bố thí với mục đích để nổi danh, thì có bố thí cũng như không, tiền bố thí ấy không được tính vào công đức, vì mục đích là để đổi lấy danh rồi.

Có câu chuyện về về bố thí ở thời chúa Giê-Su truyền đạo. Hôm đó có rất nhiều người đem tiền đến bố thí, trong đó có một bà lão nghèo khổ trong túi chỉ còn hai xu. Khi đến lượt. bà bước đến và dâng hai xu lên, nhiều người ở đó cười nhạo. Còn chúa Giê-Su nói: -Bà lão là người bố thí nhiều nhất trong tất cả số người ở đây, bởi vì bà đã bố thí tất cả của cải mà mình có được cho Thiên Chúa.

Thời Phật Thích Ca truyền Pháp, có một cặp vợ chồng rất nghèo khổ, họ chỉ có duy nhất một bộ quần áo cũ còn lành lặn, khi đi ra ngoài thì họ thay nhau mặc. Hôm đó Phật Thích Ca đi qua nơi họ sống, tìm khắp nhà không có gì để bố thí, chỉ còn duy nhất bộ quần áo, họ gửi đệ tử của đức Phật đem đến cho Ngài.

Nhiều đệ tử nhìn bộ quần áo cũ không vừa ý, nhưng đức Phật bảo họ hãy đem ra bờ sống giặt đi. Hai vị đệ tử đem ra giặt, bỗng dưng thấy mặt sông dậy sóng, hai vị đệ tử giật mình kinh sợ, chạy về báo với đức Phật. Đức Phật bảo đem một hạt gạo ném xuống sông sẽ hết sóng, hai đệ tử làm theo thì quả nhiên dòng sông trở lại yên bình.

Khi quay lại hai đệ tử hỏi đức Phật vì sao lại như thế, Ngài giải thích cho hai đệ tử mới biết rằng bộ quần áo bố thí kia mặc dù đã cũ nhưng lại chứa cả tấm lòng thành kính của hai vợ chồng, cũng là tài sản quý nhất của họ, nên công đức là vô lượng, khi đem ra bờ sông giặt lượng công đức ấy kinh động đến cả Long Vương sông đó.

Thời đó, người ta rất quý hạt gạo, còn gọi gạo là “ngọc thực”, công sức từ lúc cày bừa cho đến lúc gặt hái và làm ra hạt gạo ấy cũng là thấm đẫm mồ hôi, đem hạt gạo ấy đi bố thí cũng là công đức vô lượng. Ném hạt gạo xuống dòng sông thì Long Vương lập tức thấu hiểu điều đó nên không cựa mình gây dậy sóng nữa.

Như vậy, Thần Phật nhìn sự bố thí của một người là ở tấm lòng thành kính, sự trân quý của đồ bố thí không phải ở giá trị của cải, mà ở quý ở chỗ công sức con người làm ra, chính là quá trình chịu khổ, và sự buông bỏ của con người đối với vật chất. Nếu một người giàu có đem tất cả của cải của mình đi bố thí, vậy không khác gì dám buông bỏ cả sinh tử của mình rồi, vì bố thí hết rồi thì quãng đời phía sau sống thế nào đây?

Chúa Giê-Su giảng rằng người giàu vào được thiên quốc giống như lạc đà chui qua lỗ kim, vì người giàu rất khó buông bỏ vào lợi ích, còn người nghèo dễ buông bỏ hơn. Nhưng nếu người giàu có thể làm được vậy thì sao? Chẳng phải còn xuất sắc hơn cả người nghèo buông bỏ chấp chước vào lợi ích.

Bố thí có thể còn rất nhiều cách nữa chứ không dừng lại ở 8 cách ở trên, cơ điểm của bố thí là từ thiện tâm, xuất phát điểm vì giúp đỡ người khác thì đều sẽ đem lại những phúc báo và may mắn ở tương lai.

 

Biên tập Thông Lộ