AQ là một nhân vật có trong AQ Chính truyện của Lỗ Tấn, đại diện cho khái niệm “Phép thắng lợi tinh thần”, một sự tự an ủi, tự huyễn hoặc để giúp bản thân dễ dàng chấp nhận, bỏ qua cái thất bại để có thể mỉm cười sống tiếp.
Nói cách khác, đó là trạng thái tâm lý của những kẻ thất bại song không chịu thừa nhận thất bại, hơn thế còn tìm cách trốn tránh vào ảo giác thắng lợi. Nhưng AQ tôi muốn đề cập ở đây với ý nghĩa hoàn toàn khác, thậm chí trái ngược. AQ là viết tắt của Adversity Quotient (chỉ số biểu thị khả năng vượt qua nghịch cảnh, bất hạnh, lao đao… gọi tắt là chỉ số vượt khó).
Tại sao một số người trở nên xuất chúng, rất thành công, trong khi những người khác lại nản lòng, thất bại cho dù họ có thừa thông minh hoặc tư cách tốt? Điểm khác nhau giữa họ chính là sự chênh lệch về AQ.
Theo Paul Stoltz (người tìm ra chỉ số này), chỉ số AQ có thể đo mức độ hoài bão, nỗ lực, sự sáng tạo, năng lượng, sức khoẻ lý tính, xúc cảm và hạnh phúc của một người.
AQ bao gồm bốn yếu tố chính:
- Sự kiểm soát (Control) là mức độ nhận thức của mỗi người về khả năng tiếp tục thực hiện một việc dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, từ đó xây dựng nên các yếu tố sức khỏe, sự bền bỉ, khả năng phục hồi;
- Sự làm chủ (Ownership) là mức độ hành động của mỗi người, xử lý vấn đề, từ đó hình thành tinh thần chịu trách nhiệm, tính cam kết và sẵn sàng hành động;
- Vượt lên nghịch cảnh (Reach) là mức độ nhận thức khó khăn là điều không thể tránh, hiểu được họ sẽ gặp khó khăn như thế nào và hành động để ứng phó.
- Sức bền (Endurance) là mức độ nhận thức về thời gian kéo dài nghịch cảnh và sẵn sàng chịu đựng trong thời gian đó, từ đó tạo ra suy nghĩ tích cực, lạc quan và niềm hy vọng về tương lai.
Với người có AQ thấp, họ có khuynh hướng buông xuôi theo sự thay đổi bên ngoài vì nghĩ rằng vấn đề luôn vượt quá tầm kiểm soát, họ thường bị áp đảo và bất lực trước những khó khăn và không nhìn thấy trách nhiệm cần phải cải thiện nằm ở mình, hầu hết chỉ hay đổ lỗi cho nghịch cảnh và người khác. Những người có chỉ số AQ thấp thường có sức khỏe thể chất lẫn tinh thần yếu ớt và thường trong tình trạng thiếu hụt năng lượng.
Ngược lại, những người có chỉ số AQ cao được thể hiện qua thái độ sẵn sàng đón nhận sự thay đổi một cách tích cực, bền bỉ trong hành trình tiến về phía trước. Ngay cả khi phải đối mặt với khó khăn và thất bại, họ vẫn xem nghịch cảnh như cơ hội giúp họ củng cố quyết tâm và mục đích trước đó để đi đến thành công.
Điều may mắn là chỉ số AQ hoàn toàn có khả năng thay đổi theo thời gian nếu chúng ta chủ động xây dựng lại tư duy và không ngừng tạo ra các thói quen mới để nâng cao năng lực vượt khó. Nâng cao năng lực vận động thô (các vận động liên quan đến cơ bắp) và năng lực vận động tinh (các vận động liên quan đến sự khéo léo của ngón tay, của vị giác, xúc giác, khứu giác…) có ảnh hưởng mạnh mẽ đến chỉ số vượt khó AQ.
Tôi có quen một bạn trẻ tay trắng khởi nghiệp ngay đối diện nhà tôi,cậu ấy nói với tôi rằng trước những thách thức, người khác trong công ty cảm thấy vô cùng khó khăn nhưng cậu ấy không hề cảm thấy đó là trở ngại. Cậu ấy lập kế hoạch, chia kế hoạch kế hoạch ra từng bước nhỏ và thực hiện hàng ngày. Tôi liền hỏi: hàng ngày em có luyện tập thể thao không? Cậu ấy trả lời có, em thường xuyên luyện tập thể thao. Đây là một yếu tố quan trọng khiến chỉ số vượt khó của cậu ấy tăng lên đáng kể. Nếu không có một sức khỏe tốt, bền bỉ thì không thể nói tới việc chịu được áp lực và kiên trì theo đuổi mục tiêu tới cùng được.
Ngoài ra, việc thấu hiểu bản thân cũng rất quan trọng, giúp chúng ta thiết lập các nguồn lực hỗ trợ hiệu quả, chẳng hạn như một sự động viên, một người bạn đồng hành, tự tạo động lực hay tham gia vào các hội nhóm lành mạnh. Thực tế, một số người thay đổi vì yêu thương bản thân, số khác có khuynh hướng thay đổi vì những người xung quanh.
Vì vậy, việc thấu hiểu bản thân để tìm thấy động lực là khởi đầu cực kỳ quan trọng trong việc cải thiện năng lực vượt khó. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về chỉ số này có thể tìm đọc cuốn sách AQ – Chỉ số vượt khó của Paul G. Stoltz.
Thanh Tú biên tập