Vận động viên Nishijima chia sẻ sau cuộc đua: “Nếu bạn có một ước mơ, hãy giữ lấy nó. Ngay cả khi bạn không đạt được nó khi còn trẻ, thì khi bạn già đi, nó vẫn sẽ đơm hoa kết trái. Đó cũng là cách mà tôi muốn tiếp tục sống”.
Bà Mihoko Nishijima (66 tuổi), bẩm sinh đã gặp vấn đề về thị lực, đã sống một nửa cuộc đời bình dị với công việc nhân viên massage bán thời gian. Tuy nhiên, sau khi kết hôn, cuộc đời bà đã có những biến chuyển lớn. Người chồng của Nishijima – một vận động viên chạy marathon nghiệp dư – đã truyền cho bà cảm hứng chạy marathon. Và 40 tuổi, bà bắt đầu những bước chạy đầu tiên.
Ban đầu, bà chỉ chạy thử, chạy cho vui. Tuy nhiên, bà tiến bộ rất nhanh. Năm 2003, ở tuổi 47, Nishijima tham dự Osaka International Women’s Marathon với tư cách một chân chạy chuyên nghiệp. Lần đầu tiên ấy là lần đáng ghi nhớ nhất trong sự nghiệp chạy chuyên nghiệp của bà. Đó là lần đầu tiên bà có người dẫn đường đua marathon vì khi ấy mắt đã mờ. Đó cũng là lần đầu tiên bà đạt thông số 3:11:33 – thông số tốt nhất trong sự nghiệp của Nishijima đến tận bây giờ.
Năm 2013, bà chính thức trở thành tuyển thủ quốc gia khi Hiệp hội Marathon dành cho người khiếm thị Nhật Bản tìm kiếm vận động viên tham dự Paralympic Rio 2016 ở Brazil. Tuy nhiên, khi ấy, thời tiết ở Brazil rất nóng, Nishijima mới chạy được chút ít đã cảm thấy chóng mặt nên đã bỏ cuộc. Từ đó, bà thầm nhủ mình phải hoàn thành chặng đua ở kì thi Paralympic tới.
Năm 2021, bà tiếp tục chạy ở nội dung marathon nữ T12 (42km) dành cho vận động viên khiếm thị thuộc thế vận hội Paralympic Tokyo 2020 vừa kết thúc gần đây. Bà cán đích ở vị trí thứ 8 trong 3 giờ 29 phút 12 giây. Với thông số 3:29:12, bà đã lọt vào nhóm 25 người phụ nữ lứa tuổi 65-69 chạy marathon nhanh nhất thế giới.
Ngày đua ở Paralympic Tokyo, thời tiết không thuận lợi, mưa lớn. Nửa chặng đầu, vận động viên Nishijima nằm trong top 9 người dẫn đầu rồi tiếp tục vươn tới vị trí thứ 7 trong hơn 10 km tiếp theo. Tuy nhiên, càng về cuối, khi số người bỏ cuộc không ít, bà lão 66 tuổi cảm thấy chân mình có dấu hiệu bị co cứng và có dấu hiệu chuột rút, buộc bà phải giảm tốc độ và để người khác vượt qua mình.
Nhờ có lời của hướng dẫn viên động viên, khích lệ: “Tôi chỉ nói với bà ấy, dù có chuyện gì xảy ra, đừng buông dây buộc, cố gắng giữ tỉnh táo vì vẫn trong top 8 và có thể phá vỡ mốc 3 giờ 30 phút” , bà Nishijima đã đạt được giấc mơ của mình. Trong quãng đường ấy, nhiều lúc bà Nishijima đã phải đi bộ, thậm chí gần như gục ngã ở 5km cuối.
Vận động viên Nishijima chia sẻ sau cuộc đua: “Nếu bạn có một ước mơ, hãy giữ lấy nó. Ngay cả khi bạn không đạt được nó khi còn trẻ, thì khi bạn già đi, nó vẫn sẽ đơm hoa kết trái. Đó là cách tôi muốn tiếp tục sống”.
Quả thật, chẳng có gì là không thể. Chỉ cần không buông bỏ mục tiêu thì dù khó khăn, thử thách đến mấy, bạn hay bất cứ ai cũng có thể làm nên kì tích. Bà lão 66 tuổi Mihoko Nishijima chẳng ngại mình là một người khuyết tật, vẫn nỗ lực tập chạy hằng ngày để rồi đạt được những điều phi thường nhiều người hằng mơ. Vậy, cớ sao bạn không thể đạt được ước mơ của chính mình?
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị