Nói đến Thái cực quyền thì mọi người nghĩ ngay đến Thái cực Trương Tam Phong, còn gọi là Thái cực nội gia quyền, do bậc kỳ tài Trương Tam Phong sáng lập. Thái cực quyền là tinh hoa võ thuật dùng nhu khắc cương, có thể “bốn lạng địch ngàn cân” nổi tiếng võ lâm…
Trương Tam Phong bỏ quan tu Đạo
Nói về Thái cực Trương Tam Phong phái Võ Đang thì người ta có cảm giác cao thâm khôn lường. Không biết là sự thần bí của võ lâm đã tăng thêm vẻ cao thâm khôn lường của Trương Tam Phong, hay là cả đời truyền kỳ của Trương Tam Phong khiến võ lâm tăng thêm vẻ thần bí.
Thái cực quyền cương nhu song song tồn tại, bốn lạng địch ngàn cân. Cảnh tượng một cụ già có thể nhẹ nhàng đánh ngã hơn chục thanh niên trai tráng dũng mãnh như beo như cọp lập tức hiện lên trong đầu – trong phim ảnh chính là diễn như thế.
Trương Tam Phong – người sáng lập Thái cực quyền, có Tiên phong Đạo cốt, Đại Đạo vô địch. Lên 5 tuổi, ông bị mù hai mắt, và vào cửa Đạo. Năm 30 tuổi, ông xuất gia tầm Tiên phỏng Đạo, 67 tuổi gặp chân sư, đến năm 130 tuổi ông mới triệt ngộ đắc Đạo. Những trải nghiệm cả cuộc đời Trương Tam Phong còn truyền kỳ và đặc sắc hơn những hư cấu trong các tiểu thuyết võ hiệp.
Sách “Minh sử” viết rằng: Trương Tam Phong là người Liêu Đông, người to lớn khôi ngô, thân hình giống rùa, lưng giống hạc, tai lớn mắt tròn, râu dài như gươm giáo. Bất kể mùa đông hay mùa hè, Trương Tam Phong chỉ mặc một chiếc Đạo bào, một chiếc áo tơi. Về ăn uống, bất kể là một thăng (1 lít) hay một đấu (10 thăng), ông đều có thể ăn hết trong một bữa. Có khi mấy ngày ông chỉ ăn một bữa, cũng có lúc hai, ba tháng ông mới ăn một bữa. Ông còn có hai tuyệt chiêu: nhìn qua là ghi nhớ không quên, và ngày đi vạn dặm.
Nhưng rất ít người biết Trương Tam Phong – người được mọi người coi là ‘Thần Tiên sống’, vì để tìm cầu được Đại Đạo chân chính mà đã phải trải qua những gian khổ khốc liệt ra sao. Theo tư liệu chính sử – “Tam Phong tiên sinh bản truyện” có ghi chép rằng:
Trương Tam Phong sinh ra trong một gia đình bình thường vào những năm cuối đời Nam Tống. Lúc 5 tuổi, ông bị bệnh về mắt, hai mắt hầu như mù. Một Đạo nhân tự xưng là Trương Vân Am nói với cha mẹ Trương Tam Phong rằng: ‘Đứa trẻ này có căn cơ phi phàm, ắt phải tu hành thì mới có thể thoát khỏi khổ nạn trần thế’.
Thế là Trương Tam Phong bèn theo Trương Vân Am tu Đạo trong cung Bích Lạc. Sau nửa năm, hai mắt của ông đã sáng trở lại, nhưng ông vẫn không vội trở về nhà mà ở lại kiên trì tu hành. Trương Tam Phong có thiên tư thông minh đĩnh ngộ, học tập Đạo kinh, chỉ xem qua liền thuộc. Ông còn xem các điển tịch Nho gia và Phật gia, thông hiểu ý nghĩa lớn trong đó. Năm 12 tuổi, Trương Tam Phong được Đạo trưởng đưa trở về nhà.
Sau đó, Trương Tam Phong phụng sự mẹ cha, thi khoa cử làm quan. Đến triều Nguyên, ông được tiến cử làm tú tài, đảm nhiệm chức quan huyện lệnh, kết giao với các đại thần trong triều, tiền đồ rộng mở. Nhưng công danh lợi lộc thế tục chỉ khiến ông cảm thấy mệt mỏi. Trương Tam Phong đã từng nói: “Xưa nay danh lợi chỉ là cát bụi”. Ông khát khao sự thanh tịnh và tự tại siêu phàm thoát tục.
Năm Trương Tam Phong 30 tuổi thì cha mẹ qua đời, sau thời gian thủ hiếu chịu tang, lại có một Đạo nhân thần bí họ Khâu đến thăm, cùng ông say sưa đàm đạo về Đạo Pháp. Lúc này Trương Tam Phong duyên trần đã hết, không còn chút vướng bận gì nữa. Sau cuộc đàm đạo, ông từ giã gia đình, quan chức và tất cả gia sản rồi bước lên con đường tầm Tiên tu Đạo. Khởi đầu Trương Tam Phong đeo kiếm xách đàn lên núi Thái Hàng, phía Tây Hằng Sơn, sau đó chuyển sang núi Lao Sơn, Thái Sơn phía Đông, rồi lại ngao du núi Tung Sơn, Vương Ốc phía Nam, không quản gian lao, cứ thế đi lại giữa những chùa cổ ở các danh sơn.
Núi Võ Đang Trương Tam Phong đắc Đạo, sáng tạo Thái cực quyền
Trải qua trên 30 năm miệt mài tìm kiếm rồi lại kiếm tìm, cuối cùng khi đã ở tuổi cao niên [67 tuổi – năm 1314], Trương Tam Phong leo lên ngọn núi Chung Nam và tại đây ông đã gặp Hỏa Long Chân Nhân – người từng chờ đợi ông đã lâu.
Đạo nhân thần bí dùng thời gian 4 năm để truyền thụ Chân Pháp tu luyện và bí quyết luyện đan cho Trương Tam Phong. Sau đó ông xuất sơn đi vân du tu luyện, đến năm 1324 ông lại leo lên núi Võ Đang dài 800 dặm.
Từ khi Huyền Vũ Đại Đế tu Đạo phi thăng (thành Tiên bay lên rời đi), trải qua các triều đại, núi Võ Đang đều xuất hiện những người tu Đạo nổi tiếng như Doãn Hỉ triều Chu, Đới Mạnh triều Hán, Tạ Duẫn triều Ngụy Tấn, Lã Động Tân triều Đường, Trần Đoàn thời Ngũ Đại, Hồ Đạo Huyền triều Tống… Trong ngọn núi lớn chứa đầy linh khí tu Đạo và huyền bí này, Trương Tam Phong đã diện bích – quay mặt vào vách đá tĩnh tọa – 9 năm, đến năm Trương Tam Phong 130 tuổi thì triệt ngộ đắc Đạo.
Ở trong núi, Trương Tam Phong truyền bá Đạo Pháp, dẫn dắt đệ tử sửa chữa Đạo quán bị hư hỏng sau chiến loạn, đồng thời mở ra con đường huy hoàng chưa từng có cho Võ Đang. Tên ông cùng với Võ Đang đã gắn liền với nhau kể từ dạo từ đó.
Trương Tam Phong còn để lại tuyệt học võ thuật – Thái cực quyền. Thời cổ đại, các Đạo sĩ tu Đạo có truyền thống luyện võ, tức nội ngoại kiêm tu. Theo ghi chép ở “Vương Trưng Nam mộ chí minh” của nội gia quyền thì khi Trương Tam Phong 70 tuổi tu Đạo ở núi Võ Đang, ông mộng thấy Huyền Vũ Đại Đế – Chủ Thần tọa trấn Võ Đang đã đích thân truyền thụ quyền pháp thượng thừa cho ông.
Hôm sau, Trương Tam Phong gặp trên trăm tên cướp bao vây tấn công. Ông ra quyền xuất chưởng vô cùng nhẹ nhàng mềm mại, nhưng lại đánh bại được cả trên trăm người, đại hiển thân thủ. Một ông già tay không lại đánh bại trên trăm trai tráng khỏe mạnh – uy lực của nội gia quyền có thể nói là xuất quỷ nhập Thần. Hoàng Bách Gia – truyền nhân Thái cực quyền đã viết trong “Nội gia quyền pháp” rằng:
Thái cực quyền dung hợp tinh hoa võ thuật của 2 gia phái Phật và Đạo, có thể lấy tĩnh khắc động, lấy nhu khắc cương, trở thành một môn võ thuật độc nhất thiên hạ.
Thái cực quyền uy lực vô cùng luyện thế nào mà có được? Người luyện Thái cực quyền trước tiên phải là người tu luyện – tu thân dưỡng tính. Trong trước tác của mình, Trương Tam Phong đã giải thích rằng: luyện Thái cực quyền thì trước tiên cần phải hiểu rõ huyền cơ Thái cực, sức mạnh của nó không phải ở chỗ xuất thủ nhanh hay chậm, dùng lực lớn hay nhỏ, mà là cần phải tu luyện ra công năng của Thái cực ở không gian khác. Khi xuất thủ thì ý đi trước quyền, dùng ý niệm phát huy công lực quyền pháp, khiến đổi thủ tự ngã, đạt được cảnh giới “bốn lạng địch ngàn cân”.
Thái cực quyền vốn là Thần công siêu phàm nhập Thánh mà Thần truyền cho con người. Bởi vị Đạo gia tu hành chủ yếu là đơn truyền, khẩu truyền tâm thụ, những huyền diệu và bí mật của nó xưa nay người ta khó mà biết được.
Sử sách ghi chép, khi Thái cực quyền truyền đến Vương Trưng Nam, ông chỉ truyền thụ võ công của mình cho Hoàng Bách Gia. Đến cuối đời, họ Hoàng vẫn không tìm được truyền nhân thích hợp, chỉ có thể nuối tiếc cho rằng Thái cực quyền trở thành “tuyệt kỹ” nhưng đành để thất truyền giống như khúc “Quảng lăng tán” mà thôi.
Thái cực quyền ngày nay chỉ để lại chiêu thức mà không có tâm pháp, vì vậy nó không thể hiện ra được uy lực kỳ diệu giống thuở ban đầu nữa. Nhưng vào thời huy hoàng, Thái cực quyền đã khiến con người khắc sâu ghi nhớ rằng: trên đời này, có một truyền kỳ mà Thần đã từng lưu lại cho nhân thế.
Nguồn Soundofhope
Đường Vân