Ghép từ ảnh NTDVN

Đời Sống

Bác sĩ Mỹ vượt nửa vòng trái đất trả “kỷ vật” cho cựu binh Việt sau 46 năm cất giữ

By Đăng Dũng

November 17, 2021

Đó là câu chuyện có thật về một cựu binh Việt bị thương ở tay đã được một bác sĩ đồng thời là cựu binh Mỹ cứu sống thời chiến năm 1966.

Hơn 46 năm sau, người ân nhân ấy lại bay nửa vòng trái đất đến Việt Nam – để tìm và trả lại cho người lính Việt xương cánh tay – mà ông đã cất giữ suốt bao nhiêu năm qua.

Có những sự việc thật kỳ lạ trong chiến tranh, đôi khi kẻ bên kia chiến tuyến lại trở thành ân nhân!

Người lính Việt bị thương nặng

Năm 1964, như nhiều thanh niên Việt Nam thời bấy giờ, ông Nguyễn Quang Hùng (sinh năm 1939, quê Nam Định) cũng trở thành một người lính trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Tháng 8/1966, ông được cử làm Tiểu đội trưởng Đơn vị trinh sát tại huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định).

Vào một buổi tối, trong lúc đang làm nhiệm vụ đột nhập đồn Mỹ ở Cát Sơn, huyện Phù Cát để dò xét tình hình, tổ trinh sát của ông vô tình rơi vào ổ phục kích của Mỹ. Trong lúc tìm cách thoát thân, ông Hùng không may bị trúng đạn ở cánh tay phải.

Ông cùng một đồng đội chạy đến nhà dân ở Cát Sơn để lánh nạn. Tuy nhiên, nhà cửa của người dân đều bị đốt sạch.

Bác sĩ Sam Axelrad cầm đoạn xương tay đã cắt bên cạnh anh lính Nguyễn Quang Hùng – Bức ảnh được chụp năm 1967

Không còn cách nào khác, ông Hùng phải ôm cánh tay bị thương đứng giữa ngôi làng tang hoang trong tuyệt vọng. Vài người dân đã cho ông ít thuốc men và lương thực nhưng không thể giúp ông thoát khỏi sự bao vây của quân địch. Cuối cùng, ông Hùng cùng đồng đội tìm đến một kho lúa bỏ hoang ven suối ẩn náu.

Những ngày ẩn náu ở ven suối, vết thương của ông Hùng bị nhiễm trùng nghiêm trọng, từng mảng thịt bong ra. Ông bắt đầu sốt cao và gần như không thể qua khỏi do vết thương bị nhiễm trùng mạnh.

Lòng nhân đạo của binh lính Mỹ

Đến ngày 26/10/1966, trong cơn mê man do sốt cao, ông Hùng nghe thấy có tiếng súng đạn của quân địch. Ông bèn bảo đồng đội chạy trốn. Sức khỏe kiệt quệ, ông không còn sức để chạy trốn. Người đồng đội đành phải để lại ông cùng túi thuốc để tìm đường ẩn náu.

Trưa ngày 26/10/1966, do vết thương quá nặng, ông Hùng không thể cùng đồng đội trốn chạy và trở nên ngất lịm. Khi tỉnh dậy, ông thấy mình đang nằm trong băng ca trên chiếc trực thăng của Mỹ chở đến căn cứ chính ở Hòn Một, Phù Cát.

Dù cánh tay không còn, nhưng ông Hùng lại cảm thấy dễ chịu hơn nhiều. Và đặc biệt, ông may mắn được bác sĩ và binh lính Mỹ ở đó đối xử rất tốt.

Hóa ra khi phát hiện ông Hùng nằm ở khe suối, lính Mỹ đã đưa ông lên trực thăng chở đến quân y viên ở An Túc – Bình Định, nay là An Khê, Gia Lai để cứu chữa.

Duyên nợ với bác sĩ quân đội Hoa Kỳ

Tại đây, ông đã gặp bác sĩ Sam Axelrad – an nhân cứu mạng của đời mình. Bác sĩ Sam Axelrad đã tiến hành phẫu thuật bỏ cánh tay và giúp ông Hùng giữ được sinh mệnh.

Trong thời gian điều trị tại bệnh viện của quân đội Mỹ, ông Hùng không bị ngược đãi. Nhiều người lính Mỹ còn thường xuyên mang bánh mì đến cho ông ăn.

Tuy nhiên, ông Hùng vẫn cảm thấy sợ vì bây giờ chả khác nào ông đang bị quân địch giam giữ. Đến khi vết thương lành lặn, do không biết đi đâu về đâu, ông chỉ quanh quẩn trong bệnh xá. Trong thời gian điều trị, ông và bác sĩ Sam dần dần trở nên thân thiết với nhau.

Khoảng 2 tháng sau, sức khỏe ông Hùng bình phục, bác sĩ Sam nhận được lệnh phải đưa ông Hùng đi khỏi căn cứ. Biết tin, trong đầu ông Hùng đinh ninh rằng mình sẽ bị đày ra Côn Đảo.

Cuộc gặp gỡ duyên phận sau 47 năm tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai

Nhưng thật bất ngờ, ông được vị bác sĩ tốt bụng chuyển đến một trạm y tế của quân Mỹ ở An Túc (nay là thị xã An Khê, Gia Lai), để phục vụ phát thuốc cho các quân nhân Mỹ.

Đến năm 1967, bác sĩ Sam phải trở về Mỹ công tác, và ông đã mang theo cả bộ xương cánh tay phải của ông Hùng trong lúc thu dọn hành lý.

Cũng từ đây, ông không còn được gặp lại bác sĩ Sam và cũng không biết bất cứ tin tức gì về ông nữa.

Về phần ông Hùng, trong khoảng thời gian sống ở bệnh xá An Túc, một số y tá, y sĩ người Việt thấy ông hiền lành nên có cảm tình, giúp ông tìm công việc như phát thuốc cho người dân. Sau này ông cưới vợ và lập nghiệp tại An Khê.

Thời gian cứ thế trôi qua, cứ ngỡ mọi chuyện đã kết thúc. Nhưng đến một ngày, bác sĩ Sam Axelrad đột nhiên nghĩ về người lính Việt mà mình từng cứu sống. Lúc này Sam đã là một ông lão trên 70 tuổi.

Hành trình tìm lại chủ nhân của bộ xương cánh tay

Hơn 46 năm trôi qua, bộ xương cánh tay của ông Hùng luôn được bác sĩ Sam cất giữ cẩn thận như một kỷ vật của một thời quân ngũ.

Có lúc, ông mang nó ra đặt ngay ngắn trên tủ phòng khách. Ông mong rằng trước khi mình mất, sẽ có cơ hội trả bộ xương này lại cho chủ nhân thật sự của nó.

Đến năm 2012, gia đình ông Sam quyết định du lịch đến Việt Nam để ông hoàn thành tâm nguyện của mình. Ông đã đến TP. Hồ Chí Minh, rồi lên tỉnh Gia Lai, xuống Bình Định, ra Huế và sau đó về quê hương của ông Hùng ở Nam Định. Nhưng vẫn không tìm được chút manh mối nào về người lính năm xưa.

Bác sĩ Sam cất giữ cẩn thận như một kỷ vật của một thời quân ngũ

Rong ruổi một thời gian dài trong vô vọng, ông Sam gặp được một cộng tác viên của báo Thanh Niên và kể lại câu chuyện cho người này nghe.

Tháng 11/2012, câu chuyện của ông Sam đi tìm chủ nhân cánh tay được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Một độc giả đã nhận ra nhân vật ông Sam đang tìm chính là ông Hùng mà mình quen biết, nên đã kết nối họ với nhau.

Biết tin người lính Việt năm xưa còn sống, ông Sam rất đỗi vui mừng. Và một lần nữa, ông cùng con cháu lại vượt nửa vòng trái đất đến Việt Nam.

Người bên kia chiến tuyến trở thành ân nhân – chiến tranh vốn là phi nghĩa

Gặp lại ân nhân từ bên kia chiến tuyến và một phần cơ thể đã mất từ lâu của mình, ông Hùng nghẹn ngào không nói nên lời, trong lòng lâng lâng hạnh phúc.

Ông không ngờ rằng, đến lúc gần đất xa trời lại được gặp vị ân nhân cứu mình, càng không ngờ rằng ông Sam đã cất công tìm kiếm mình để trả lại xương cánh tay – vốn được ông Sam cất giữ giúp bao năm.

Không giấu nổi xúc động, với cánh tay còn lại, ông Hùng cứ ôm chặt người bạn Mỹ, hỏi rằng: “Lúc tôi đã bình phục, sao ông không giao tôi cho quân đội Việt Nam cộng hòa, mà lại đưa tôi lên An Khê?”.

Người bên kia chiến tuyến trở thành ân nhân – chiến tranh vốn là phi nghĩa

Ông Sam chia sẻ: “Không hiểu sao, sau khi cưa cánh tay của ông, nhìn thấy ông, tôi thương quá, lương tâm mách bảo tôi phải làm như vậy. Lúc về nước, tôi cũng chẳng hiểu sao mình lại nhặt cánh tay của ông bỏ vào hành lý. Tới tận bây giờ, tôi cũng không hiểu lúc đó tôi giữ nó để làm gì”.

Nhưng có lẽ, việc giữ lại này đã giúp cả hai viết nên một câu chuyện đẹp về sự cao thượng dù trong bất kể hoàn cảnh nào.

Ông Hùng nghẹn ngào chia sẻ: “Chẳng bao giờ tôi nghĩ có người sẽ giữ bộ xương cánh tay bên mình. Lòng nhân đạo của bác sĩ Sam quá cao đẹp. Lúc chia tay, lời cảm ơn chân thành nhất tôi gửi đến ông đó là chúc gia đình vị bác sĩ tài đức luôn tràn ngập hạnh phúc”.

Khi được hỏi: “Nếu là ông, khi có được cơ hội giữ cánh tay đã cắt ra từ cơ thể mình, ông có làm việc này không?”

“Dù là xương máu của mình, nhưng tôi cũng chẳng bao giờ làm việc đó. Do đó, tôi thấy việc làm của ông Sam quá đỗi nhân đạo. Chiến tranh thật kỳ lạ, đôi khi kẻ bên kia chiến tuyến lại trở thành ân nhân”, ông trả lời.

Cuộc sống tuy vất vả nhưng câu chuyện có thật này đã giúp ta thêm ấm lòng và tin rằng: lòng tốt vẫn luôn hiện hữu, và chiến tranh vẫn vốn là phi nghĩa.

Nguồn: tinhhoa

Thái An biên tập