Đặng Thiết Đào là một danh y nổi tiếng, một giáo sư và cố vấn tiến sĩ tại Đại học Y khoa Quảng Châu, Trung Quốc. Ông được vinh danh là “Bậc thầy về y học quốc gia” của Trung Quốc năm 2009.
Dưỡng sinh, đầu tiên là “dưỡng đức”, ‘đức” ở đây là đạo đức
Các học giả cổ đại từng đề xuất lý luận dưỡng sinh “nhân giả thọ” (người nhân đức, nhân ái ắt sẽ sống lâu). Xét về mối quan hệ giữa tu dưỡng đạo đức và chăm sóc sức khỏe, nhiều nhà tư tưởng và các dưỡng sinh gia trong lịch sử Trung Quốc đã đặt “dưỡng tính” và “dưỡng đức” vào một vị trí quan trọng trong “dưỡng sinh” và thậm chí coi đó là “gốc rễ của dưỡng sinh”.
Trong cuốn “Thiên kim yêu phương” của Tôn Tư Mạc, thầy thuốc nổi tiếng của triều đại nhà Tùy-Đường có nhấn mạnh: “Tính ký tự thiện, nội ngoại bách bệnh tất bất tự sinh, họa loạn tai hại diệc vô do tác, thử dưỡng tính chi tại kinh dã”, “bách hành cố bị, tuy tuyệt dược nhị, túc dĩ hạ niên; đức hành bất khắc, túng phục ngọc dịch kim đan vị năng diên niên” (ý muốn nói người có thể giữ được tâm tính lương thiện sẽ không dễ sinh bệnh, cũng không dễ bị ảnh hưởng bởi tai ương, vì vậy, tu dưỡng đạo đức mới là cái gốc của dưỡng sinh. Còn người có đức hạnh không tốt thì dù có dùng kim đan hay thuốc trường sinh cũng không thể kéo dài được tuổi thọ.)
Một trong những nội dung chính mới của Tổ chức Y tế Thế giới về sức khỏe đó là thúc đẩy đưa “tu dưỡng” vào phạm vi của chăm sóc sức khỏe. Bởi vì sức khỏe liên quan đến cả khía cạnh thể chất và tinh thần, tu dưỡng đạo đức là nội hàm của sức khỏe tinh thần. Nhấn mạnh những người khỏe mạnh, hoặc những người muốn khỏe mạnh cần chú ý đến việc tu dưỡng đạo đức. Tính cách lương thiện và một tâm lý thoải mái, không tính toán hay tranh giành có lợi cho việc duy trì một tâm thái tốt, duy trì sự cân bằng tâm lý, khỏe mạnh và trưởng thọ.
Thứ hai là “dưỡng thần”, “thần” chỉ tinh thần
“Tâm” chứa “thần”, là “chủ” của cơ thể. Cuốn “Hoàng đế nội kinh – tố vấn” chỉ ra: “Chủ minh tăc hạ an, dĩ thử dưỡng sinh tắc thọ, một thế bất đãi, dĩ vị thiên hạ tắc đại xương; chủ bất minh tắc thập nhị quan nguy, sử đạo bế tắc nhĩ bất thông, hình nãi đại thương, dĩ thử dưỡng sinh tắc ương, dĩ vị thiên hạ giả, kì tông đại nguy.” (đại ý muốn nói “chủ minh” thì “hạ an”, “chủ” ở đây chính là “thần”, tinh thần sáng suốt, khỏe mạnh thì “hạ”, tức toàn bộ cơ thể sẽ khỏe mạnh, đây là phương thức dưỡng sinh giúp trường thọ, còn “chủ” tức “thần” không sáng suốt, không khỏe mạnh sẽ gây ảnh hưởng xấu tới “thập nhị quan”, tức 12 cơ quan nội tạng trong cơ thể người, khiến các cơ quan “tắc bất nhĩ thông”, khó khai thông, hình thành nên “nội thương”, đi ngược lại với dưỡng sinh), vì vậy, “dưỡng thần” là điều cốt yếu trong “dưỡng sinh”.
Muốn “dưỡng thần” trước tiên chúng ta phải chú ý đến việc điều chỉnh “thất tình” (thất tình trong “thất tình lục dục”, bao gồm hỉ (vui vẻ), nộ (phẫn nộ), ưu (lo lắng), tư (suy nghĩ), bi (bi thương), khủng (sợ hãi), kinh (bất ngờ)), có vậy ta mới có thể cân bằng được âm dương của toàn bộ cơ thể và đạt đến cảnh giới của “chính khí tồn nội, tà bất khả can” (chính khí chỉ khả năng kháng lại các loại bệnh, ý muốn nói cơ thể khỏe mạnh từ bên trong, không “tà” tức bệnh tật nào có thể xâm chiếm vào cơ thể). Đây là tiền đề của dưỡng sinh và phòng bệnh.
Y học cổ truyền Trung Quốc nhấn mạnh rằng “thất tình nội thương” là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh tật. Chẳng hạn, nếu bạn tức giận, gan sẽ bị tổn thương, mất cân bằng cảm xúc, tâm trạng không thoải mái, tức giận và căng thẳng đều sẽ làm tổn thương gan. Nếu gan liên tiếp bị tổn thương trong một thời gian dài, có thể xuất hiện chứng đột quỵ (tai biến mạch máu não). Quá lo lắng, ưu tư có thể làm tổn thương lá lách và tim, nếu cứ kéo dài trong một thời gian dài, chúng sẽ gây ra rối loạn, khí huyết không ổn định và có thể dẫn đến bệnh tim mạch vành.
Thứ ba là bảo vệ tỳ vị (lá lách, dạ dày), ăn uống điều độ, có chừng mực
Chất béo và vị ngọt thường là nguồn gốc của bệnh tật, rất dễ làm tổn thương đến tỳ vị. Khi tỳ vị bị tổn thương, các bệnh sẽ “ào ào kéo tới”. Y học cổ truyền Trung Quốc nói rằng tỳ vị là “cái vốn của ngày sau”, vì vậy chúng ta nhất định phải chú ý đến chế độ ăn uống để bảo vệ lá lách và dạ dày. Khi bị bệnh, chúng ta nên thực hiện chế độ ăn kiêng.
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh, ăn kiêng hơn dùng thuốc”, thói quen ăn uống của nhiều người cao tuổi đã chứng minh được rằng chế độ ăn thanh đạm là một yếu tố vô cùng quan trọng. Hiện nay, việc phòng ngừa và điều trị bệnh tim mạch rất chú trọng đến việc hạn chế ăn những thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao để tránh gây ra chứng xơ cứng động mạch, điều này là hợp lý, nhưng cũng không thể nhìn nhận một cách máy móc. Nhiều người cố gắng ăn ít hoặc không ăn loại thực phẩm nhất định, nhưng lượng cholesterol vẫn cao, vì vậy, chỉ kiêng hay ăn ít thôi vẫn chưa đủ, cần phải kết hợp với việc tập thể dục, vận động một cách hợp lý để giải quyết vấn đề.
Thứ tư là chú ý vận động, nhưng cũng đừng quá lạm dụng
Vận động thể thao để tăng cường thể lực là một phương pháp đã tổn tại cả hàng nghìn năm. Vào thời nhà Hán của Trung Quốc, thần y Hoa Đà đã chỉ ra: “Nhân thể dục đắc lao động, đãn bất đương sử cực nhĩ, động diêu tắc cốc khí đắc tiêu, huyết mạch lưu thông, bệnh bất đắc sinh” (ý muốn nói cơ thể cần được lao động, vận động, nhưng không được quá độ, trong quá trình lao động và tập thể dục vừa phải, những tinh hoa của thức ăn mà cơ thể hấp thu sẽ được hấp thụ và tiêu hóa, máu lưu thông trơn tru, không dễ sinh bệnh).
Dù nói rằng “vận động là chìa khóa khỏe mạnh” nhưng “không được quá độ” cũng vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với những người có thể trạng yếu.
Có nhiều loại hình thể thao, nhưng có thể chia thành hai loại là “ngoại công” và “nội công”. Thể dục dụng cụ, chạy bộ, quyền anh… những hoạt động sử dụng sức mạnh bên ngoài là “ngoại công”; ngũ cầm hí, thái cực quyền là “nội công”. Nếu mục đích là để tăng cường sức khỏe, vậy thì có thể xem xét kết hợp hài hòa cả “ngoại công” và “nội công”, còn đứng từ góc độ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là đối với người cao tuổi, tốt hơn nên luyện tập nội công.
Thảo Nguyên tổng hợp Theo trí thức trẻ/cafebiz