Nguồn ảnh: Sống đẹp

Cảm Ngộ Nhân Sinh

Bài học nhân sinh sâu sắc cả đời không quên từ “lão ăn mày”

By Lan Hòa

September 23, 2021

Con người không ai “thập toàn, thập mỹ”, không ai hoàn hảo, mỗi người đều có những “lỗ hổng” của riêng mình. Thành kiến, đố kỵ, nghi ngờ, nóng vội, hèn nhát, thù hận,… cũng đều là những lỗ hổng trong tâm hồn. Nhưng ở mỗi người, lỗ hổng đó lại khác nhau. Nếu một người có tất cả những lỗ hổng này, thì thực sự rất đáng thương.

Tuy vậy, tâm hồn có lỗ hổng không đáng sợ, điều đáng sợ là biết rõ mình có nhưng không tìm cách “vá” những lỗ hổng ấy lại.

Cuộc gặp gỡ giữa chàng trai tìm lý tưởng sống và ông lão ăn mày

Nhiều năm về trước, có chàng thanh niên đi tìm lý tưởng sống. Để tìm ra chân lý của cuộc đời, người thanh niên không quản ngại khó khăn vất vả, quanh năm suốt tháng, trèo đèo lội suối đi kiếm tìm các bậc cao nhân, để có được câu trả lời.

Thời gian ngày ngày trôi qua, anh ta đã thỉnh giáo rất nhiều người, nhưng vẫn cảm thấy bản thân không lĩnh hội được điều mình muốn. Điều này khiến anh ta rất thất vọng. Anh ta suy đi ngẫm lại, cuối cùng cũng không tìm ra được căn nguyên.

Sau đó, anh ta nghe một lão sư chia sẻ, ở Nam Sơn cách quê nhà anh ta không xa, có vị cao tăng đắc Đạo, có thể giải đáp mọi câu hỏi hóc búa về nhân sinh. Thế là, anh ta lặn lội đường xa, vừa đi vừa hỏi thăm chỗ ở và tung tích của vị cao tăng kia.

Một hôm, anh ta tới được chân núi Nam Sơn, nhìn thấy 1 tiều phu gánh củi từ trên núi xuống, bèn chạy lại hỏi: “Anh ơi, chắc anh biết vị cao tăng trên núi Nam Sơn ở đâu, tướng mạo thế nào phải không?”

Người tiều phu lặng yên giây lát rồi nói: “Trên núi quả là có vị cao tăng đắc Đạo, nhưng không biết ở chỗ nào, bởi vì ông ấy thường đi chu du khắp nơi, tùy duyên chỉ đường dẫn lối cho người đời.

Còn về tướng mạo, có người nói rằng ông ấy Phật quang phổ chiếu, tướng mạo thanh tân; cũng có có người nói ông ấy đầu tóc rối bù, lôi thôi lếch thếch. Chẳng ai có thể nói chính xác.”

Sau khi cảm ơn người tiều phu, người thanh niên mang theo lòng quyết tâm, bất chấp mọi thứ, tiến sâu vào trong núi. Sau đó, anh ta lại gặp người nông dân, thợ săn, mục đồng, người hái thuốc…nhưng mãi không tìm thấy vị cao tăng có thể chỉ dẫn lẽ sống cho mình.

Anh ta tuyệt vọng, quay đầu xuống núi, trên đường gặp một lão ăn mày tay cầm chiếc bát vỡ, xin anh ta nước uống. Anh thanh niên bèn lấy túi nước của mình rót chút nước vào bát.

Lão ăn mày chưa kịp uống thì nước đã chảy hết sạch, không còn cách nào khác, người thanh niên lại rót nước vào bát, giục lão ăn mày mau mau uống. Nhưng cứ hễ lão ăn mày đưa bát lên miệng, nước lại chảy hết luôn.

Người thanh niên mất kiên nhẫn, phàn nàn: “Ông cầm cái bát vỡ thì sao có thể đựng nước được? Làm sao có thể dùng nó để giải cơn khát đây?”

“Chàng trai đáng thương, cậu đi khắp nơi thỉnh giáo Đạo lý nhân sinh, bề ngoài khiêm tốn nhưng trong lòng cậu lại đánh giá lời người khác nói có hợp ý cậu hay không, cậu không thể tiếp thu những lời nói không hợp ý cậu.

Chính những định kiến này đã tạo nên những “lỗ hổng” lớn trong lòng cậu, giống như cái bát vỡ này, nước vào đến đâu chảy ra đến đó, khiến cậu vĩnh viễn không thể có được thứ mình đang cần tìm.”

Người thanh niên vừa nghe xong liền tỉnh ngộ, vội vàng chắp tay thi lễ: “Đại sư chính là vị cao tăng mà tôi cần tìm kiếm?”

Cậu ta hỏi liền mấy câu nhưng không nghe thấy tiếng trả lời, ngẩng lên, tìm kiếm lão ăn mày thì đã không thấy đâu cả. Kể từ đó, cậu ta luôn ghi nhớ lời giáo huấn của vị cao tăng đó, tích cực thay đổi và hoàn thiện bản thân, không ngừng bồi đắp những “lỗ hổng” của chính mình.

Lời bình

Thành kiến, đố kỵ, nghi ngờ, nóng vội, hèn nhát, thù hận,… cũng đều là những “lỗ hổng” trong tâm hồn. Nhưng ở mỗi người, lỗ hổng đó lại khác nhau. Nếu một người có tất cả những lỗ hổng này, e rằng người này sẽ không thuốc nào cứu chữa được.

Kì thực, tâm hồn có lỗ hổng không đáng sợ, điều đáng sợ là biết rõ mình có nhưng không tìm cách “vá” những lỗ hổng ấy lại. Như vậy, lỗ hổng càng rò rỉ càng lớn, cuối cùng là tự hủy hoại cuộc đời của chính mình.

Còn những người có lỗ hổng, biết tích cực “vá” nó lại là việc làm đáng quý. “Chắp vá” tâm hồn cũng cần có trạng thái tâm lý tốt, theo đó là một tâm hồn khát khao không ngừng tìm tòi, học hỏi. Tư duy nhiều hơn, bớt bốc đồng, điềm đạm hơn, an hòa hơn, khoan dung hơn, bớt nóng nảy, bớt đố kỵ, yêu thương hơn, bớt hận thù… Chỉ có như vậy, cuộc đời mới trở nên đẹp đẽ hơn, cuộc sống cũng từ đó mà trở nên tròn đầy.

 

 

Lan Hòa sưu tầm/biên tập