Trẻ con rất hiếu động, hồn nhiên, vô tư. Chúng nghịch ngợm bất cứ thời điểm nào, bất cứ nơi nào mà chúng cảm thấy điều đó là thú vị. Nhiều khi chúng hành động chỉ vì sở thích mà không biết rằng điều đó là sai trái và sẽ gây rắc rối cho người khác.
Chắc hẳn các bậc phụ huynh sẽ có những lần cảm thấy xấu hổ vì con mình quá nghịch ngợm. Nuôi dạy con cái có rất nhiều khó khăn, nhiều khi trẻ quá nghịch ngợm, phá phách khiến cha mẹ phải mệt mỏi để dọn dẹp đống hỗn độn do trẻ bày ra. Cha mẹ nên làm gì khi con mình làm điều gì đó sai trái? Có thể bạn sẽ có xu hướng quát mắng bọn trẻ theo cảm xúc, nhưng điều đó có thể sẽ không mang lại hiệu quả bằng việc bình tĩnh và hiểu được điều gì đang sảy ra. Đôi khi vì nóng tính mà làm tổn thương đứa trẻ.
Trên trang Giáo dục Mầm non của Hoa Kỳ, đã đăng tải câu chuyện thực tế về một cậu bé nghịch ngợm trong cửa tiệm McDonald’s và cách xử lý của bà mẹ trong tình huống đó.
Tại lối vào tiệm McDonald’s, người mẹ nói với cậu con trai: “Mẹ đã tự ý uống sữa chua của con, con có cảm thấy khó chịu không?”. Cậu bé gật đầu trong nước mắt.
Lần này, giọng người mẹ nghiêm khắc hơn nói: “Con lấy toàn bộ giấy vệ sinh trong nhà vệ sinh đem ra ngoài nghịch như ban nãy, cô dọn dẹp vệ sinh sẽ phải chịu trách nhiệm về việc đó. Con nghĩ rằng cô ấy có vất vả không và có cảm thấy khó chịu không?”. Cậu bé đỏ bừng mặt và gật đầu.
Sau đó, người mẹ đưa hộp sữa chua giấu phía sau lưng ra cho cậu bé: “Về hộp sữa chua, mẹ đã xấu tính nhỉ? Đã tự ý uống của con. Mẹ trả lại cho con. Nhưng việc của cô dọn dẹp vệ sinh thì nên làm thế nào bây giờ?”. Cậu bé bối rối trả lời: “Con không biết”.
Người mẹ động viên cậu bé: “Con hãy thử nghĩ xem. Chắc chắn con sẽ tìm ra cách mà”.
Sau một lúc suy nghĩ cậu bé hớn hở nói với mẹ: “Con có thể cho cô dọn dẹp loại kẹo mà con yêu thích không?” Và ngay lập tức đi mua kẹo, cậu bé quyết định tự mình đưa nó cho người phụ nữ quét dọn.
Khi cậu bé bước vào cửa hàng McDonald’s, quản lý cửa hàng đang đứng chào. Cậu bé nói với người quản lý rằng, cậu thấy thích thú với việc nghịch giấy vệ sinh nên đã tự ý mang hết giấy vệ sinh trong nhà vệ sinh ra ngoài chơi, vì vậy mà cậu muốn xin lỗi người phụ nữ quét dọn, và rằng cậu muốn cho cô ấy loại kẹo mà cậu thích nhất.
Người quản lý cửa hàng nhận thấy người mẹ đang đợi bên ngoài, khi nhận được kẹo và lời xin lỗi từ cậu bé, cô ấy mỉm cười và đáp lại: “Cô cảm ơn”. Cậu bé cười thật tươi và hớn hở chạy đến bên mẹ.
Người mẹ đã không lập tức la mắng con, mà bằng cách lấy hộp sữa của cậu bé, từ đó cho cậu biết rằng cậu sẽ làm người khác khó chịu và gây rắc rối cho họ với những trò nghịch ngợm của mình. Người mẹ cũng đã dạy cậu khi mắc lỗi cần phải thành thật nhận lỗi và sửa sai.
Đó là câu chuyện của một người mẹ đã khuyến khích con mình tự giải quyết vấn đề mà không đi xin lỗi thay cho con mình. Dù chỉ là một câu chuyện nhỏ nhặt, nhưng đối với cậu bé này, trải nghiệm này chắc chắn sẽ hữu ích cho cuộc đời cậu sau này.
Mỗi bậc cha mẹ sẽ có hướng dạy con cái khác nhau, nhưng dù thế nào thì con cũng chỉ là một đứa trẻ và con đang học cách để làm người, việc giáo dục con trong ôn hoà sẽ có tác dụng lớn hơn cả.
Sự giáo dục của gia đình rất quan trọng trong việc xây dựng nhân cách cho trẻ. Cuộc sống của con là chiếc xe mà cha mẹ là người hướng dẫn con lái chiếc xe đó. Tính cách mỗi đứa trẻ là khác nhau. Nên trên thực tế không có phương pháp kỷ luật chung nào có thể áp dụng cho tất cả. Việc bạn cần lắng nghe và hiểu thực sự con bạn cần gì luôn là điều cần thiết trong quá trình nuôi dạy trẻ, điều đó sẽ giúp bạn tìm ra cách dạy con đúng đắn và phù hợp nhất.
Nguồn: epochtimes.jp
MH biên tập