Khi biết đến câu chuyện người mẹ kế hiến thận để giữ lại mạng sống cho con chồng, ngay cả bác sĩ phẫu thuật cũng ngạc nhiên. Bởi họ nói không thể tin có trường hợp “mẹ ghẻ” lại thương con chồng đến thế.
Thương con chồng bị suy thận nặng, chị Lý đã tình nguyện hiến một bên thận của mình để cứu sống con bất chấp những ảnh hưởng về sức khỏe sau này. Tấm lòng của chị Lý đã xóa đi quan niệm cổ hủ “mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”, để lại sự cảm phục, trân trọng, hãnh diện không chỉ trong lòng 3 bố con anh Ước (chồng của chị) mà còn với tất cả những ai biết về nghĩa cử cao đẹp của chị.
Biến cố ập đến
Chú Ước, chồng của cô Lý, đã lập gia đình với người phụ nữ đầu tiên sau khi trở về từ chiến trận. Hai vợ chồng chú sinh được hai người con trai khỏe mạnh, khôi ngô. Một người được ông đặt tên Lượng, một người được đặt tên Lân.
Tưởng chừng như hạnh phúc đã tròn đầy khi hai người con lớn lên khỏe mạnh, ngoan ngoãn, nhưng rồi vợ chú lại không may mắc phải căn bệnh thận quái ác nên đã sớm trở về cõi vĩnh hằng, để lại chú cùng hai con. Thương hai đứa trẻ, chú Ước không nghĩ tới chuyện đi bước nữa mà chấp nhận cảnh gà trống nuôi con để toàn tâm, toàn ý mà dạy dỗ các con nên người.
Thời gian thấm thoắt trôi, cũng tới ngày anh Lượng và anh Lân trưởng thành. Họ noi gương cha, đi thực hiện nghĩa vụ của một bậc làm trai, làm tròn trách nhiệm với đất nước. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, họ trở về trở nên chín chắn và dày dạn kinh nghiệm hơn trước. Hai anh mong muốn có thể tự xây dựng được cuộc sống bằng chính sự lao động chân chính của mình. Vì thế, hai người quyết định đi học nghề: Một người học nghề điện, một người học nghề lái xe.
Lượng và Lân tính tình đều hiền lành, chăm chỉ. Họ sống cũng rất tình cảm, thương cha, thương yêu lẫn nhau. Chứng kiến cảnh cha một mình làm lụng vất vả bấy nhiêu năm chỉ để lo cho hai anh em khôn lớn, Lượng và Lân rất thương cha, hai người vẫn mong mỏi cha gặp được một người nào đó, có thể yêu thương và bầu bạn với cha lúc tuổi già.
Mang mong ước ấy trong thâm tâm, Lân, anh con trai thứ hai của chú, đã gặp được cô Lý, dì của một người bạn cùng chơi với anh. Thấy cô tần tảo, luống tuổi rồi mà vẫn chưa chồng, chưa con, lại nghĩ tới cha mình, Lân mạnh dạn ngỏ ý với cô Lý, để cha anh được qua lại tìm hiểu cô.
Tấm lòng chan chứa đầy niệm lành của Lân dường như chính là sợi chỉ đỏ, nối mối duyên lành cho cha anh. Cô Lý vốn ở cùng làng với ba cha con, nên cũng biết cảnh nhà Lân, ba người nương nhau mà sống. Nhưng cô cũng chỉ dám cất mối thương cảm ấy ở trong lòng, suốt nhiều năm qua. Vậy là từ đó, câu chuyện con trai đi làm mối, tìm vợ cho bố đã thành một câu chuyện rất hay được kể trong làng.
Từ ngày về với ba cha con, cô Lý hòa nhập rất nhanh vào cuộc sống gia đình. Dường như cô đã chờ đợi rất lâu để có thể trao đi những yêu thương và sự chăm sóc vốn là bản năng của mỗi người phụ nữ. Không chỉ bầu bạn với chú Ước, cô Lý còn rất quan tâm Lượng và Lân. Cô coi hai anh như con của mình, nên không quản ngại khó khăn, nhọc nhằn, cùng chú Ước làm lụng chăm chỉ. Từ ngày cô Lý về, cuộc sống của ba cha con càng thêm đầm ấm, an vui.
(Nguồn ảnh: The Asianparent)
Nhưng tại họa lại một lần nữa xảy đến với gia đình nhỏ, khi anh Lượng được chẩn đoán là mắc căn bệnh quái ác giống mẹ anh. Từ một chàng trai khỏe mạnh, anh đã phải nghỉ học, trở về nhà dưỡng bệnh, đến kỳ lại lên bệnh viện lọc máu. Những cơn đau, những lúc khó thở cũng từ đó mà xuất hiện nhiều hơn trong đêm.
Tình yêu thương bao la của người “mẹ kế” cảm hóa gia đình
Đúng là khi hoạn nạn ta mới càng có thể nhìn thấu những tấm lòng. Mẹ Lý khi nhìn thấy con bị bệnh mà lòng đau như cắt, mặc dù cô không phải là người đã trực tiếp mang nặng, đẻ đau ra anh. Hằng đêm, sau một ngày vất vả khó nhọc để kiếm thêm tiền lo viện phí cho con, cô Lý lại túc trực bên anh Lượng, dùng sự dịu dàng của một người mẹ, những mong giúp anh vượt qua sự hành hạ của cơn đau. Cô xoa lưng, đấm bóp cho anh cả đêm, và trong nhiều đêm liền như vậy.
Như để thử thách sự nhẫn nại của cả gia đình, một thời gian ngắn sau ngày anh Lượng phát hiện ra căn bệnh, anh Lân cũng phải nhập viện. Câu trả lời của các bác sĩ khiến cả gia đình như chìm sâu hơn vào bóng tối của sự sợ hãi, lo lắng.
Thận của Lân cũng đang mất dần đi chức năng vốn có. Vậy là bây giờ, những lần chạy thận, không chỉ có anh Lượng và mẹ Lý. Hành trình gian khổ ấy lại có thêm Lân, nỗi buồn lo cũng theo đó mà thêm nặng trong tâm mỗi người.
Bốn năm là khoảng thời gian điều trị không hề ngắn, đặc biệt là với chặng đường dài mà ba mẹ con phải qua, nhưng cô Lý không hề buông một lời phàn nàn, một lời than thân trách phận. Có lẽ cô Lý biết, giờ đây cô chính là chỗ dựa của hai con, là nơi nương tựa tinh thần của hai người trẻ đang bị căn bệnh đáng sợ rút dần hi vọng.
Cái nhẫn nại của cô Lý có lẽ đã xóa mờ đi tính từ mà người ta hay dùng mỗi khi nhắc tới người vợ tiếp theo của cha. Tình thương, suy nghĩ cho cảm xúc, tinh thần và an nguy của các con đã biến cô trở thành người một người mẹ thực sự đối với các anh.
Đỉnh điểm của mọi đau khổ đè nặng lên tâm hồn cả gia đình là khi bác sĩ thông báo, bệnh của Lân đang ở vào giai đoạn cuối. Nếu không thể ghép thận, anh sẽ không còn nhiều thời gian nữa. Đứng trước thông báo ấy, chú Ước và cô Lý chỉ biết nén nỗi buồn, đến bệnh viện để xét nghiệm với lời nguyện cầu một trong hai người có thể hiến thận cho Lân.
Khi nhận được kết quả xét nghiệm, cô Lý như gỡ được một tảng đá lớn trong lòng, đã có một tia hy vọng dành cho Lân. Thận phù hợp, và cô sẵn sàng cho con một phần thân thể của mình, nhưng vẫn còn đó nỗi lo khác mà cô Lý phải chung vai gánh vác với chồng: số tiền 300 triệu đồng để giúp con có thể tiến hành phẫu thuật. Người mẹ ấy, sau nhiều trăn trở, suy nghĩ đã dũng cảm bàn với chồng, bán hết những tài sản có giá trị trong gia đình, rồi vay mượn mọi nơi có thể để có tiền giữ lấy cơ hội sống cuối cùng của con.
Cuối cùng, gia đình chú Ước, cô Lý cũng lo đủ tiền cho Lân làm phẫu thuật. Sau ca cấy ghép, hai mẹ con đều đã bình phục trở lại. Người ta lại nhìn thấy sức sống trên gương mặt tuấn tú, hiền lành của Lân. Còn trong ánh mắt của người phụ nữ nhỏ bé nhưng có tấm lòng nhân hậu và một trái tim thương con rộng lớn đang ngồi bên anh, người ta tìm thấy niềm vui và nỗi buồn đan xen.
Làm sao không vui cho được khi nhìn thấy người mà từ lâu cô đã coi là con trai từ cõi chết trở về. Nhưng niềm vui ấy vẫn chưa trọn vẹn, khi nghĩ tới Lượng, có lẽ cô Lý vẫn sẽ không cầm được nước mắt. Bởi anh vẫn chưa có may mắn của Lân, vẫn cần phải tiếp tục cuộc hành trình gian khổ Hà Nội – Thái Bình để tiếp tục được sống bên bố mẹ và em trai. Và đã không ít lần, người phụ nữ ấy ước ao rằng: Giá mà cô có thêm một quả thận nữa để tặng cho anh, để anh Lượng cũng được trở lại với cuộc sống bình thường, được đi học, được xây dựng tổ ấm của riêng mình.
Ước mơ không tưởng của người mẹ kế ấy có lẽ đã trở thành một niềm an ủi lớn, một nguồn động lực lớn để anh Lượng và cả gia đình tiếp tục cố gắng. Tuy chưa tìm được thận phù hợp, nhưng anh Lượng chắc cũng cảm nhận được thật rõ ràng cái ấm áp của lòng mẹ, cảm nhận được rằng vẫn có một người hàng ngày đang cầu nguyện cho điều kì diệu sẽ tới với anh.
Có lẽ, mỗi người đến với cuộc đời ta đều không phải ngẫu nhiên. Họ đều tới và mang theo một nhân duyên nào đó. Điều duy nhất mà mỗi người có thể làm là trân quý nhân duyên ấy, dùng thiện tâm để đối đãi với tất cả. Mẹ kế – con chồng cũng là mối nhân duyên như thế. Đối đãi người khác với một trái tim chứa chan sự thấu hiểu và nhẫn nại như của cô Lý, chúng ta chắc chắn sẽ nhận được trái thơm, quả ngọt như lòng kính trọng và tình thương mà hai anh em Lượng, Lân dành cho cô Lý.
Khi được hỏi về tình cảm của anh Lượng đối với mẹ kế, anh đã chia sẻ rất nhiều, nhưng có một điều có lẽ sẽ còn đọng lại mãi trong trái tim cô: “Mẹ Lý thật sự là một người mẹ quá tuyệt vời. Em chỉ mong mình có cơ hội được bù đắp lại cho mẹ”.
Nguồn: DKN
Lan Hòa biên tập