Thay vì chờ đủ tuổi lĩnh lương hưu, nhiều người lao động hiện nay lại đăng ký nhận bảo hiểm xã hội 1 lần. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ về loại hình bảo hiểm này.
1.Bảo hiểm xã hội 1 lần là gì?
Theo quy định tại Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, bảo hiểm xã hội là sự bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết.
Trên cơ sở này, trong một số trường hợp, những người tham gia BHXH khi có yêu cầu sẽ được giải quyết bảo hiểm xã hội 1 lần.
2. Điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần
Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nêu rõ 06 trường hợp người tham gia BHXH được nhận BHXH 1 lần, cụ thể:
– Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH;
– Đủ 55 tuổi mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện (đối với lao động nữ hoạt động ở xã, phường, thị trấn);
– Ra nước ngoài để định cư;
– Người đang bị mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
– Công an, bộ đội khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu;
– Người tham gia BHXH bắt buộc sau 01 năm nghỉ việc hoặc tham gia BHXH tự nguyện sau 01 năm không tiếp tục đóng mà chưa đủ 20 năm đóng (Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13).
3. Cách tính bảo hiểm xã hội 1 lần
Theo Điều 19 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, bảo hiểm xã hội 1 lần được chi trả dựa trên thời gian người lao động tham gia BHXH và mức bình quân tiền lương (Mbqtl) tháng đóng BHXH.
Cứ mỗi năm, người lao động được:
– 1,5 tháng bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014;
– 02 tháng bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
– 22% các mức tiền lương tháng đã đóng BHXH, tối đa 02 tháng bình quân tiền lương tháng đóng BHXH nếu đóng chưa đủ 01 năm.
Lưu ý: Mức hưởng BHXH 1 lần không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, trừ trường hợp người lao động mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Cụ thể: Mức hưởng = (1,5 x Mbqtl x thời gian tham gia BHXH trước năm 2014) + (2 x Mbqtl x thời gian tham gia BHXH từ năm 2014)
Trong đó:
– Về thời gian tham gia BHXH:
Thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì từ 01 – 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 – 11 tháng được tính là một năm.
Trường hợp tính đến trước ngày 01/01/2014, nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng BHXH từ ngày 01/01/2014 trở đi để làm căn cứ tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
– Về mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH:
Mbqtl = (Số tháng đóng BHXH x Mức đóng BHXH x Mức điều chỉnh hàng năm) : Tổng số tháng đóng BHXH
Lưu ý, theo Thông tư số 35/2019/TT-BLĐTBXH:
– Mức điều chỉnh thu nhập tháng đóng BHXH của người tham gia BHXH bắt buộc:
Năm | Trước 1995 | 1995 | 1996 | 1997 | 1998 | 1999 | 2000 | 2001 | 2002 | 2003 | 2004 | 2005 | 2006 | 2007 |
Mức điều chỉnh | 4,85 | 4,12 | 3,89 | 3,77 | 3,50 | 3,35 | 3,41 | 3,42 | 3,29 | 3,19 | 2,96 | 2,73 | 2,54 | 2,35 |
Năm | 2008 | 2009 | 2010 | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | |
Mức điều chỉnh | 1,91 | 1,79 | 1,64 | 1,38 | 1,26 | 1,18 | 1,14 | 1,13 | 1,10 | 1,06 | 1,03 | 1,00 | 1,00 |
– Mức điều chỉnh thu nhập tháng đóng BHXH của người tham gia BHXH tự nguyện:
Năm | 2008 | 2009 | 2010 | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 |
Mức điều chỉnh | 1,91 | 1,79 | 1,64 | 1,38 | 1,26 | 1,18 | 1,14 |
Năm | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | |
Mức điều chỉnh | 1,13 | 1,10 | 1,06 | 1,03 | 1,00 | 1,00 |
Ví dụ:
Bà A 38 tuổi có thời gian tham gia BHXH từ tháng 10/2017 đến tháng 04/2019 như sau:
Từ tháng 10/2017 – 12/2017: Mức lương 4.000.000 đồng/tháng.
Từ tháng 01/2018 – 03/2019: Mức lương 4.500.000 đồng/tháng.
Tháng 04/2019: Mức lương 5.278.000 đồng/tháng.
Bà A có thời gian tham gia BHXH là 1 năm 06 tháng, chưa đủ tuổi hưởng lương hưu và có nguyện vọng hưởng trợ cấp BHXH 1 lần. Thời gian đủ điều kiện nộp hồ sơ hưởng BHXH 1 lần từ tháng 03/2020.
Mức hưởng BHXH 1 lần như sau:
Thời gian tham gia BHXH của bà A sau ngày 01/01/2014 và có thời gian đóng BHXH là 1 năm 06 tháng (1,5 năm).
Mức lương bình quân = {(2 x 4.000.000 x 1,06) + (12 x 4.500.000 x 1,03) + (3 x 4.500.000 x 1) + (1 x 5.278.000 x 1)} : 18 = 4.604.333 đồng/tháng.
Mức trợ cấp BHXH 1 lần = 2 x 4.604.333 x 1,5 = 13.812.999 đồng.
Cách tính, mức hưởng, thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần (Ảnh minh họa)
4. Hồ sơ hưởng BHXH 1 lần
Theo Điều 109 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, hồ sơ rút BHXH 1 lần bao gồm:
– Sổ bảo hiểm xã hội
– Đơn đề nghị hưởng BHXH 1 lần
– Đối với người ra nước ngoài định cư, phải có thêm bản sao được công chứng, chứng thực một trong các giấy tờ sau:
+ Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam;
+ Hộ chiếu do nước ngoài cấp;
+ Thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp có xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư ở nước ngoài;
+ Giấy tờ xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài;
+ Giấy tờ xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn từ 05 năm trở lên của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp.
(Các giấy tờ tiếng nước ngoài phải được dịch sang tiếng Việt và có công chứng, chứng thực)
– Đối với người đang mắc bệnh nguy hiểm tới tính mạng phải có thêm trích sao hồ sơ bệnh án. 5. Thời gian giải quyết hồ sơ BHXH 1 lần
Điều 110 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nêu rõ, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của người đủ điều kiện hưởng, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ giải quyết và tổ chức chi trả bảo hiểm cho người lao động.
6.Nơi lĩnh BHXH 1 lần
Theo khoản 2 Điều 2 Quyết định 166/QĐ-BHXH, để được hưởng BHXH 1 lần, người có nhu cầu nộp hồ sơ tại cơ quan BHXH quận/huyện hoặc cơ quan BHXH tỉnh (trong trường hợp BHXH được phân cấp giải quyết hưởng BHXH 1 lần) tại nơi cư trú (nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú).
Bảo hiểm xã hội là một trong những chính sách an sinh xã hội lâu dài, chính vì vậy, trừ trường hợp bất khả kháng, người tham gia nên cân nhắc việc nhận BHXH 1 lần để đảm bảo cuộc sống về sau.
Biên tập Lan Hương
Nguồn:luatvietnam.vn