Nguồn ảnh: Internet

Khám Phá

Bí ẩn: Ngôi Làng “Bát trận đồ” vào thì dễ ra thì khó

By Đăng Dũng

March 21, 2021

Những ai yêu thích nhân vật Khổng Minh trong “Tam Quốc diễn nghĩa” chắc hẳn đều biết tới “Bát trận đồ” – đỉnh cao nghệ thuật quân sự do Khổng Minh sáng tạo ra, tuy nhiên chúng ta ngoài việc thấy được hiệu quả kỳ diệu của trận đồ này thì hầu như chưa hiểu gì về nó, có một ngôi làng bí ẩn tại Trung Quốc sẽ mô tả phần nào sự huyền diệu của “Bát trận đồ” này

Bát Quái Gia Cát (tên cũ là Cao Long) được lập nên từ năm 1340, thuộc địa phận thành phố Lan Khê, tỉnh Chiết Giang. Ngôi làng này còn được gọi với cái tên “Trung Quốc đệ nhất kỳ thôn” và được xây dựng theo “Bát Trận đồ” của Khổng Minh. Ngôi làng này có lịch sử hơn 660 năm, là quê hương của hậu thế Gia Cát Lượng, chính trị gia, chỉ huy quân sự, Thừa tướng nhà Thục Hán thời Tam Quốc (năm 220-265). Hầu hết dân làng ở đây đều mang họ Gia Cát.

Nếu du khách không phải là người có trí nhớ tốt hoặc thông thuộc đường ra lối vào của làng thì chắc chắn sẽ bị lạc bởi cấu trúc các ngõ ngách ở đây giống hệt mê cung.

Theo lời kể, xưa kia, Gia Cát Đại Sư, cháu đời thứ 28 của Gia Cát Lượng đã chọn đây làm nơi an cư lạc nghiệp. Ông đã thiết kế nên ngôi làng dựa trên ý tưởng cửu cung bát quái đầy sáng tạo và phong thủy. Hồ Chuông nằm ở trung tâm, mang hình ảnh thái cực với hai nửa âm dương rõ rệt, nối với 8 con ngõ nhỏ hướng ra bên ngoài tạo thành 8 cung Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài, Càn tương ứng. Cấu trúc của làng được khắc họa rõ nhất khi nhìn từ trên cao. Du khách sẽ thấy giống hệt một mô hình bát quái tinh xảo.

Làng Bát Quái Gia Cát không chỉ mang cấu trúc độc đáo mà còn là một phòng tuyến quân sự vững chắc. Vào thời kỳ chiến tranh bắc phạt năm 1925, quân đội của Tiêu Kính Quang và Tôn Truyền Phương đánh nhau ác liệt liên tục suốt ba ngày đêm ở gần thôn Bát Quái. Vậy mà không một viên đạn nào lọt được vào bên trong, toàn bộ ngôi làng được bảo toàn nguyên vẹn.

Trong giai đoạn kháng chiến, một nhóm quân đội Nhật càn quét qua ngọn đồi Cao Long bên ngoài thôn. Thế nhưng điều kỳ lạ là nhóm quân đội này không hề phát hiện ra ngôi làng vì thế người dân nơi đây không bị một chút tổn thất nào. Lại có một câu chuyện khác, xưa kia có một nhóm đạo tặc xông vào làng tấn công, nhưng cuối cùng do không tìm được lối ra nên đành phải đầu hàng, giơ tay chịu trói. Đó chính nhờ kiến trúc có một không hai của “đệ nhất kỳ thôn” này.

Nguyên nhân gây mê của thôn Mê Hồn Trận là do bố cục kiến trúc của nó, lấy ví dụ về tiểu Mê Hồn Trận. Thôn tạo thành do hai bộ phận: đông mê hồn trận (tiền mê hồn trận), tây mê hồn trận (hậu mê hồn trận). Bố cục thôn theo hình bát quái, hai phần đông và tây giống như hai cực âm và dương của hình bát quái, còn giữa phần đông và tây là con đường uốn cong.

Đường hẻm trong thôn đan xen thành nhiều hình chữ “đinh” (丁), không biết đâu là đầu hay cuối, còn nhà đương nhiên men theo đường, do biến hóa không rõ ràng khiến người ta luôn có ảo giác khi định hướng và thấy nhà nào cũng theo hướng bắc. Không chỉ thế, bố cục bờ thửa hoa màu bên đường ngoài thôn cũng không rõ hướng đông tây nam bắc mà theo hình răng so le lộn xộn, rất khó phân biệt.

Người bản địa có câu ca dao: “Tiến liễu Mê Hồn Trận/ trạng nguyên dã nan nhận; Đông tây nam bắc trung/ đáo xử thị hồ đồng; Hảo tượng bả ma thôi/ lão lộ chuyển đáo hắc”

Tạm dịch:

Lọt vào mê hồn trận Trạng nguyên cũng khó nhận; Đông tây nam bắc trung Nơi nơi đều rối tung; Dường như có ma đưa Đường cũ đi sáng trưa.

Khi bạn đi vào thôn Mê Hồn Trận bạn sẽ bị rơi vào ảo giác, khi đứng ở đông Mê Hồn Trận, bạn sẽ cảm thấy như mình đứng ở mặt nam của phía tây Mê Hồn Trận, khi ở tây Mê Hồn Trận, bạn lại cảm thấy như mình đứng ở mặt nam của đông Mê Hồn Trận. Nếu cứ đi men theo con đường, bạn sẽ cảm thấy phương hướng từng giây từng khắc luôn luôn thay đổi, và nếu không chú ý bạn sẽ lại quay lại chỗ cũ. Vì thế tuy Mê Hồn Trận chỉ là cái thôn nhỏ, nhưng người lạ đi vào khó tránh bị lạc đường.

Các hậu thế của Khổng Minh Gia Cát Lượng sống tập trung tại Gia Cát trấn. Trải qua thời gian, cộng đồng dân cư này cũng hình thành một lối sống rất độc đáo, khác biệt với thế giới bên ngoài. Đó là lối sống giản dị, chân thật nhưng cũng đầy thú vị. Khi đi thăm thú nơi đây, nếu để ý kỹ một chút có thể thấy rằng trong những con ngõ nhỏ, các ngôi nhà không được xây đối diện nhau mà tất cả đều được đan xen so le theo lối “môn không đăng, hộ không đối”.

Điều này được lý giải bởi theo quan niệm của người dân làng Bát Quái, nếu hai nhà “cổng đối cổng”, ngày ngày mọi người trong gia đình ra vào, qua lại nhiều quá sẽ dễ dẫn đến mâu thuẫn không đáng có. Vì vậy, nếu xây nhà theo lối đan xen thì vấn đề sẽ được giải quyết.

Ngoài ra, người dân ở Gia Cát trấn chủ yếu áp dụng phương thức tứ hợp viện để xây dựng nhà cửa, tức là bốn mặt nhà đóng kín, chỉ để ở giữa một khoảng sân lớn. Mặt trước của ngôi nhà thường cao hơn các mặt khác, mỗi khi trời mưa nước tập trung hết ở khoảng sân ở giữa. Người làng Bát Quái gọi đây là “phì thủy bất ngoại lưu” (dòng nước trong lành, tươi tốt không chảy ra ngoài), sẽ mang đến may mắn và thịnh vượng cho gia đình.

Cuộc sống ở Bát Quái Gia Cát rất yên ả và thanh bình. Không khí tại làng cổ này cũng vô cùng trong lành và xanh mát. Đây chính là không gian lý tưởng để du khách nghỉ dưỡng sau những ngày làm việc căng thẳng. Mỗi năm dân số và nhà cửa ở làng Bát Quái Gia Cát đều tăng nhưng không hề làm mất đi cấu trúc độc đáo của nó. Đã có rất nhiều khách du lịch nước ngoài tìm đến đây để được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên và tự trải nghiệm cấu trúc tinh tế của ngôi làng.

Như vậy, chúng ta có thể thấy được rằng nền khoa học Trung Quốc thời xưa có một trình độ phát triển siêu việt so với hiện nay của chúng ta, tuy nhiên con đường đi của hai loại khoa học là tương phản nhau, vậy nên chúng ta hôm nay nếu đứng trên nhận thức của khoa học hiện đại mà lý giải khoa học cổ đại thì không cách nào lý giải nổi, nó vĩnh viễn vẫn là chỗ mê của nhân loại, khoa học Trung Quốc cổ đại là nhắm thẳng vào bên trong bản chất sinh mệnh con người và vũ trụ theo cách nhìn nhận của triết học Đạo gia, những người có thể vận dụng loại khoa học này phải có sự tu dưỡng tâm tính và phong thái hơn người mới ngộ được nội hàm thật sự bên trong của nó.

Quốc An