Văn Hóa

Bí ẩn trong bức họa “Aurora rời khỏi Tithonus”

By Đăng Dũng

March 22, 2021

Bức tranh này có thể gợi ý về mối quan hệ giữa chúng ta với Thần chăng? Liệu sự hiểu biết sâu sắc của chúng ta về chân lý thiêng liêng và tình yêu vĩ đại có giúp phơi bày những góc tối trong trái tim mà chúng ta không thể nhìn thấy trước đây?

Câu chuyện Aurora rời khỏi Tithonus

Nữ Thần Aurora là hóa thân của bình minh trong thần thoại Greco-La Mã. Nàng là con gái của vị Thần Titan vĩ đại và là một trong 12 vị chính Thần đầu tiên trên đỉnh Olympia. Nàng là em gái của hai vị Thần Mặt trời và Mặt trăng, là mẹ của Thần Gió và các vì sao.

Trong bài thánh ca Homeric cho Aphrodite, nữ Thần Aurora (còn gọi là Eos) đã phải lòng Tithonus là một người phàm, nàng bị quyến rũ bởi vẻ ngoài tuấn tú của Tithonus. Một ngày nọ, Aurora bắt cóc Tithonus trên một chiếc xe ngựa và giữ chàng bên cạnh mình kể từ đó. Vì Aurora thực sự yêu Tithonus, nàng đã thỉnh cầu Thần Zeus ban cho Tithonus đặc ân trở thành một vị Thần bất tử, và Thần Zeus đã đồng ý lời thỉnh cầu ấy.

Năm tháng đằng đẵng trôi qua, Tithonus bắt đầu già đi. Tóc chàng bắt đầu bạc trắng, điều này đủ để Aurora và Tithonus sinh ra khoảng cách với nhau. Lúc này Aurona mới nhớ ra rằng khi xưa nàng chỉ thỉnh cầu Thần Zeus ban cho Tithonus cuộc sống vĩnh hằng, nhưng không thỉnh cầu để chàng được mãi thanh xuân. Vì vậy, Tithonus có thể bất tử nhưng diện mạo của chàng thì không ngừng lão hóa.

Khi Tithonus trở nên ngày càng già nua, thì cũng là lúc Aurora không còn yêu chàng như khi còn trẻ nữa. Tuy nhiên, nàng vẫn muốn chăm sóc Tithonus, vì vậy nàng đã để chàng sống trong cung điện của mình, một nơi mà Tithonus có thể cảm thấy thoải mái.

Cuối cùng, thời gian đã hoàn toàn nuốt chửng Tithonus, chàng trở nên quá già để di chuyển hay làm bất cứ điều gì. Aurora đưa Tithonus đến căn phòng tỏa sáng của mình, nơi Tithonus không ngừng la hét. Một số ghi chép nói rằng cuối cùng Aurora đã biến Tithonus thành một con châu chấu, mỗi khi nó cất tiếng kêu riu ríu nhắc Aurora nhớ về chàng Tithonus năm nào.

Vẻ đẹp vĩnh hằng của Chân lý và Tình yêu

Họa sĩ Solimena sử dụng hình ảnh nữ Thần Aurora làm tâm điểm của phần trên bên phải của bức tranh. Aurora ngồi trên mây, ngụ ý rằng nàng ấy là một vị Thần. Các Thiên Thần chăm sóc xung quanh Thần Bình minh, đội một chiếc vương miện hoa cho nàng, và nâng một ngọn đuốc, nữ Thần Aurora sử dụng ngọn đuốc ấy để chiếu sáng bối cảnh u ám.

Tithonus xuất hiện ở nửa dưới bên trái của góc chéo bức ảnh. Hình tượng già nua của Tithonus đối lập với dung mạo thanh xuân lý tưởng và hoàn hảo của Aurora. Tithonus nằm trên giường, phủ nhẹ chăn, đưa tay trái lên che mắt, dường như không thể chịu được ánh sáng mạnh mẽ từ ngọn đuốc của nữ Thần Aurora.

Đối với tôi, câu chuyện của Aurora và Tithonus không chỉ đơn thuần là một câu chuyện về việc theo đuổi tình yêu hay tuổi già. Vậy, bức tranh về thần thoại Hy Lạp gợi mở cho chúng ta điều gì?

Tôi nghĩ Aurora vừa hay là nữ Thần của bình minh, điều này rất thú vị. Bình minh là gì? Và để làm gì? Bình minh là thời điểm khi đêm chuyển thành ngày, khi những tia nắng mặt trời đầu tiên chiếu sáng Trái đất vốn dĩ tối tăm.

Khi họa sĩ Solimena vẽ nữ Thần Aurora, ông ấy đặc biệt vẽ nàng trên những đám mây với một ngọn đuốc trên tay. Nền của bức tranh là màu xanh đen, và Aurora đang chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ của mình là chiếu sáng trái đất.

Bức tranh này có thể gợi ý về mối quan hệ giữa chúng ta với Thần chăng? Liệu sự hiểu biết sâu sắc của chúng ta về chân lý thiêng liêng và tình yêu vĩ đại có giúp phơi bày những góc tối trong trái tim mà chúng ta không thể nhìn thấy trước đây?

Trong tranh, nữ Thần Aurora đội một vòng hoa trên đầu. Thiên thần nhỏ ở bên cạnh đang bê một đĩa hoa, tay trái của Aurora cũng cầm một cành hoa nhỏ, và hoa là biểu tượng của sắc đẹp. Các Thiên Thần dành tặng vẻ đẹp cho Aurora, có nghĩa là với tư cách là một nữ Thần, Aurora hiển nhiên có được sự diễm lệ của một vị Thần.

Nếu Aurora có thể giữ được dung mạo vĩnh hằng của một nữ Thần, vì sao cô ấy lại bị quyến rũ bởi vẻ đẹp của người phàm kia?

Ngọn đuốc trong tay Aurora có thể mang đến cho chúng ta một chút gợi mở. Vẻ đẹp, ít nhất là vẻ đẹp thị giác, chỉ có thể được nhìn thấy khi nó được chiếu sáng.

Còn dưới ánh sáng của chân lý thiêng liêng và tình yêu vô bờ bến, thì tâm hồn chúng ta cũng tỏa sáng; đây là dùng ánh sáng của Thần để lấp đầy những khoảng tối trong tâm hồn chúng ta, làm cho cho nó lấp lánh và tươi đẹp.

Vậy, vẻ đẹp ban đầu của Tithonus cũng là sự kết hợp giữa vẻ đẹp hình thể và vẻ đẹp tâm hồn, vốn là sự theo đuổi chân lý và tình yêu thiêng liêng hay sao? Nếu vậy, có lẽ sự lão hóa của Tithonus là do bản thân dần dần từ bỏ nguyện vọng Thần thánh kia chăng.

Khi họa sĩ Solimena vẽ Tithonus, Tithonus đưa tay lên đặt trước khuôn mặt già nua để chặn ánh sáng từ Aurora. Tithonus dùng tay tạo ra bóng râm để ánh sáng của Thần không thể chiếu qua.

Nếu ngọn đuốc của nữ Thần Aurora tượng trưng cho chân lý và tình yêu thiêng liêng, thì bàn tay của Tithonus có nghĩa đối kháng phải không? Điều thú vị là Tithonus đã dùng bàn tay tượng trưng cho một trong năm giác quan, nâng nó lên để che bốn giác quan còn lại – mắt, tai, mũi, miệng – tất cả các giác quan mà chàng sử dụng để nhận thức thế giới.

Phải chăng Tithonus cố che đậy năm giác quan, để chúng trong bóng tối và từ chối chân lý và tình yêu của Thần không? Hay do Tithonus không ngừng già đi, khiến Aurora không còn cảm thấy Tithonus thú vị nữa? Thiết nghĩ, lẽ nào có chuyện ấy, bởi tình yêu của Thần là vĩnh cửu, Thần nhìn rõ nhân tâm, soi rõ thế gian, nhìn đến tận gốc rễ tối tăm nhất trong tâm hồn của mỗi con người.

Trong mắt của nữ Thần Aurora, có lẽ tâm hồn và những khát vọng cao thượng của Tithonus đã cằn cỗi và héo dần theo năm tháng. Khoảng cách giữa hai tâm hồn cách biệt quá xa, Tithonus đã dùng tư duy của một người phàm để nhìn nhận thế giới, có phải khi tâm hồn không thể tiếp nhận được ánh sáng của chân lý thì thể hiện ra bên ngoài chính là sự già nua của từng tế bào xác thịt kia chăng. Tình yêu tự thân nó vốn không tồn tại mãi mãi, chỉ khi nó được ánh sáng chân lý chiếu rọi thì tình yêu mới trở thành vĩnh cửu. Mà Tithonus lại từ chối đón nhận ánh sáng chân lý của Thần khiến cho tình yêu của mình bị tàn lụi. Và liệu đây có phải là nguyên do mà nữ Thần Bình minh Aurora rời khỏi Tithonus?

 

Theo nguồn The Epoch Times