Nguồn ảnh: Dântri.com

Đời Sống

Bị ngăn lại vì không biết bơi, người đàn ông dân tộc vẫn liều mình xuống sông cứu người

By Đăng Dũng

March 26, 2021

Nghe tiếng kêu cứu, mặc cho có người cản lại vì không biết bơi nhưng người đàn ông dân tộc Khmer vẫn dũng cảm lao xuống sông cứu sống nạn nhân lên bờ, còn anh mãi mãi nằm lại nơi đó, bỏ lại vợ con nheo nhóc trong khó khăn và những ước mơ dang dở.

Nhiều tháng trôi qua nhưng trong căn nhà chị Kim Hol (người dân tộc Khmer, ngụ ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), vẫn mang một không khí đượm buồn bi thương nhưng đầy dũng cảm của người chồng làm nghề bán cá.

Anh Châu Khêl (SN 1984), người đàn ông dân tộc Khmer, đã quá quen thuộc đối với các tiểu thương ở chợ nông sản (phường 3, TP Bạc Liêu). Hôm đó, như thường lệ, anh Khêl vẫn đi bán cá cách nhà hơn 10km.

Theo lời chị Hol kể lại, sau khi bán cá xong, anh Khêl thu xếp đồ đạc lên xe chuẩn bị về nhà thì bất ngờ có tiếng người kêu cứu ở dưới cống thoát nước trong chợ. Anh Khêl liền buông xe lao về phía có tiếng người kêu cứu. Lúc này có một cánh tay đưa ra nắm tay anh ngăn lại vì anh không biết bơi.

“Nhưng rồi chồng em thấy người kêu cứu nguy nan đã bất chấp lao xuống cứu. Khi đưa được người bị nạn lên, còn chồng em mãi mãi nằm lại nơi đó”, chị Hol nghẹn ngào.

Anh Khêl ra đi trong sự tiếc thương của nhiều bà con hàng xóm và các tiểu thương trong chợ, hàng ngày vẫn cung cấp cá cho anh mang bán kiếm lời, để nuôi các con nhỏ. Giờ mất đi người đàn ông trụ cột trong gia đình, người vợ không nghề nghiệp và 3 đứa con thơ (đứa lớn nhất 13 tuổi, nhỏ nhất 6 tuổi), đang độ tuổi ăn học, cuộc sống gia đình chị Kim Hol vốn cơ cực thì giờ càng thêm khốn cùng.

Ông La Văn Thuận (ngụ khóm 3, phường 3, TP Bạc Liêu), người được anh Khêl cứu sống nhớ lại: “Khi tôi đang kiểm tra dưới cống nước thải thì bị co giật, kêu cứu nhưng không ai dám xuống. Khi đó anh Khêl đã nhảy xuống cứu tôi. Vì tôi mà anh ấy đã quên đi tính mạng của mình. Hành động của anh quá dũng cảm, cả cuộc đời này tôi luôn mãi ghi nhớ ơn cứu mạng của anh”.

Theo chị Kim Hol, lúc còn sống anh mong muốn có cuộc sống tốt hơn cho vợ con. Anh Khêl tham gia nuôi tôm, nhưng chẳng may thất bát liên tục nên đành bỏ cuộc vì nợ nần.

Để trang trải, hơn một năm qua, anh trở lại nghề thu mua cá trong dân rồi mang ra chợ bán. Ngày nào bán được thì thu nhập hơn 200.000 đồng, ngày nào bán ít thì chỉ chừng hơn 100.000 đồng. Với số tiền này để lo cơm gạo nuôi cả gia đình 5 người, rồi học hành của các con, tiền thuốc men cho vợ chẳng thấm tháp vào đâu.

Chưa hết, chị Kim Hol 2 năm qua còn mắc phải bệnh tim, không làm được việc gì nặng nhọc, đẩy gia đình vào cảnh khốn cùng. Giờ anh Khêl mất đi, vợ đau, con nhỏ, cùng với số tiền nợ cả trăm triệu đồng chưa biết khi nào trả được.

Chị Hol kể, 13 năm qua vợ chồng cùng 3 đứa con tá túc nhà ông bà ngoại. Trước khi mất, lúc nào anh cũng mơ ước có một căn nhà riêng làm chỗ sinh hoạt cho cả gia đình và mở cửa hàng tạp hóa cho vợ bán kiếm thêm thu nhập, vậy mà… chị Hol bỏ lửng lời kể và quay mặt đi len lén giấu những giọt nước mắt đang lăn dài trên đôi gò má.

Nói đến ước mơ của con rể, bà Lâm Thị Sen (66 tuổi, mẹ vợ anh Khêl), lại sụt sùi nước mắt. Đến giờ bà vẫn không tin chàng rể hiền lành, hay giúp đỡ người khác lại ra đi sớm như vậy.

“Ở bên vợ, nó hì hụp, vất vả tối ngày để lo cho vợ, cho con có cái ăn, cái mặc. Con cái học giỏi nó cưng lắm. Mỗi sáng đi làm, thấy con ngủ chưa thức là bỏ vài ngàn đồng trên đầu giường mỗi đứa để đi học ăn bánh, ăn kẹo…”, bà Sen kể.

Bà cũng cho biết, có miếng đất dành cho vợ chồng anh Khêl ở kế bên, chỉ còn chờ khi nào có tiền là làm nhà ổn định.

“Nó cũng nói cố gắng làm để cất nhà sớm, vậy mà chưa gì đã bỏ vợ con mà đi. Để nuôi 3 đứa con, vợ nó đành cất tạm trái nhà lá có chỗ bày tạp hóa nhỏ, mỗi ngày bán được chừng vài chục ngàn đồng thì lấy gì mà sống nổi”, bà Sen ngậm ngùi.

Nhìn đứa cháu gái út anh đang ngồi buồn thiu ở góc giường, nước mắt bà lại trào ra. “Lúc cha cháu còn sống, mỗi khi cha về là nó chạy ra ôm hôn thắm thiết, còn giờ đây cái ôm của người cha đã mãi không còn nữa. Ngày nào cháu nó cũng ngồi ở cửa để đợi cha đi làm về. Lúc nhớ cha, nó cứ khóc hoài”, bà Sen nấc nghẹn nói đến đứa cháu ngoại 6 tuổi của mình.

Nguồn: Dantri.com

Kiên Chân