Đạo của người quân tử là bắt đầu từ đạo vợ chồng. Vợ chồng cần “tương kính như tân”, yêu thương và kính trọng lẫn nhau, làm tròn bổn phận của mình, không làm việc trái luân lý đạo đức, có việc thì cùng bàn bạc để làm. Làm được như thế thì gia đình sẽ thuận hòa, xã hội sẽ an định. Mối quan hệ vợ chồng vì thế mà trở thành đạo nghĩa.
Vào triều Chu, có một nông dân tên là Khích Khuyết sống ở nước Tấn. Khích Khuyết chung sống với vợ rất hòa thuận, họ tôn trọng lẫn nhau như hồi mới quen biết. Một ngày nọ, vợ của Khích Khuyết mang thức ăn ra cánh đồng nơi chồng đang làm việc. Người vợ lễ phép đưa thức ăn cho anh bằng cả hai tay, Khích Khuyết cũng đầy phần cung kính, chìa hai tay ra nhận thức ăn.
Ngay lúc đó, một vị quan triều đình tên Cửu Quý đi ngang qua và rất cảm phục khi nhìn thấy cảnh tượng ấy. Cửu Quý liền bái kiến vua nước Tấn là Tấn Văn Công và hết lời khen ngợi Khích Khuyết trước mặt nhà vua, ông còn tiến cử Khích Khuyết làm đại tướng quân thống lĩnh toàn bộ quân đội của quốc gia. Khi Tấn Văn Công hỏi nguyên do, Cửu Quý đáp: “Tâu Bệ Hạ, Khích Khuyết rất mực tôn trọng người khác, kể cả vợ của mình. Biết tôn kính người khác là biểu hiện quan trọng nhất của một người đoan chính; chúng ta nhất định phải trọng dụng người này.”
Những diễn biến sau đó đã chứng minh Cửu Quý nói đúng. Sau khi Khích Khuyết được phong chức vị đứng đầu đại quân nước Tấn, anh đã qua tác phong chính trực mà thu phục được lòng người; Khích Khuyết còn chứng tỏ bản thân là một nhà chiến lược quân sự tài ba, và cũng là một chiến binh dũng cảm phi thường. Trong trận chiến chống lại ngoại bang ở gần nơi gọi là Ký Châu, Khích Khuyết đã lãnh đạo quân sĩ bắt sống vua của ngoại bang và lập công lớn với triều đình.
Kết quả là Khích Khuyết được ban thưởng hậu hĩnh, anh được cấp cho rất nhiều đất đai ở quanh Ký Châu.
Lữ Khôn, học giả trứ danh ở triều Minh, thuyết rằng: “Một cặp vợ chồng nhìn thấy nhau mỗi ngày và hiểu quá rõ về nhau. Thế nhưng vợ chồng Khích Khuyết vẫn đối đãi với nhau bằng sự tôn kính chân thành ngay cả khi họ cùng ăn với nhau ba bữa một ngày. Một danh nhân xưa đã từng nói ‘Hôn nhân sẽ chẳng đi đến đâu nếu không có sự tôn trọng dành cho nhau.’ Khi gia đình xảy ra bất hòa, nguyên nhân luôn bắt nguồn từ việc không tuân theo lời răn dạy của cổ nhân, rằng vợ chồng phải tôn trọng lẫn nhau.”
Cổ nhân tin rằng, duyên vợ chồng là nhờ có sự ban ơn của Trời cao, là duyên phận từ tiền kiếp. Vì vậy, khi đến với nhau, có “ái” (tình cảm) thì phải có “ân”, biết ơn Trời Đất và dưỡng dục của cha mẹ. Giữa vợ chồng, thì “ân” được coi là nền tảng, hơn nữa trong “ái” (yêu) cũng có lý tính, vì thế mà mới có thể chung sống hòa hợp cùng nhau đến bách niên giai lão, cuộc sống hôn nhân mới có thể hạnh phúc viên mãn.
Trong “Trung Dung” có câu rằng: “Quân tử chi đạo, tạo đoan hồ phu phụ. Cập kì chí dã, sát hồ thiên địa”, ý nói rằng, đạo của người quân tử là bắt đầu từ đạo vợ chồng, phát triển tới cảnh giới cao thâm thì có thể quan sát hiểu rõ ràng tường tận cái đạo của tất cả mọi sự vật trong trời đất. Cổ nhân xem thiên địa, âm dương là nền tảng nguyên thủy nhất của tự nhiên và vợ chồng là nền tảng nguyên thủy nhất của xã hội.
Cho nên, vợ chồng cần yêu thương và kính trọng lẫn nhau, làm tròn bổn phận của mình, không làm việc trái luân lý đạo đức, “tương kính như tân”, có việc thì cùng bàn bạc để làm. Làm được như thế thì gia đình sẽ thuận hòa, xã hội sẽ an định, văn minh.
Nguồn: Zhengjian
Lan Hòa biên tập