Những năm gần đây, thiên tai luôn diễn biến bất thường, lũ lụt xảy ra ở nhiều nơi. Ở Việt Nam chỉ riêng từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11 năm 2020, bão, lũ xảy ra liên tiếp tại khu vực miền Trung với cường độ rất mạnh, trên phạm vi rộng đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.
Trận lũ lụt Trịnh Châu vừa qua của nước láng giềng Trung Quốc đã gây biết bao thương vong nặng nề và thiệt hại lớn về tài sản. Nhiều người đang chờ đợi sự giúp đỡ, trong khi “Hội chữ thập đỏ” ở Trung Quốc từ lâu đã khét tiếng bê bối, việc ‘biển thủ’ tiền quyên góp đã trở thành một hiện tượng phổ biến. Như có câu: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”, những kẻ biển thủ tiền quyên góp từ thiện chắc chắn sẽ phải trả giá tương xứng.
Trong “Dung nhàn trai bút ký”, Trần Kỳ Nguyên có ghi chép ở chương “Báo cáo biển thủ tiền cứu trợ”, mô tả thời nhà Thanh có một quan viên cố ý chiếm dụng tiền cứu trợ đã hôn mê bất tỉnh gần như chết liên tiếp hai lần, nhưng sau đó tỉnh lại. Vì sao vậy? Anh ta được sống lại là vì anh ta cần hoàn thành lời ủy thác của Diêm Vương.
Lư Chỉ Tuyền, quê ở Kim Lăng (nay là Nam Kinh, Giang Tô), là người có học thức cao rộng, phẩm hạnh vô cùng ngay chính. Ông từng thi đỗ vào Quốc Tử Giám, nhưng không biết vì lý do gì, ông không theo học mà quay về quê nhà.
Lư Chỉ Tuyền có một người con trai nhậm chức quan Giáo dụ ở huyện Sơn Dương. Vào thời điểm đó xảy ra lũ lụt trong huyện, Lư Giáo dụ đã giúp giải quyết các vấn đề cứu trợ thiên tai, đồng thời lợi dụng quyền lực của mình để biển thủ 400 lượng bạc cứu trợ và gửi về quê. Thấy con trai gửi nhiều tiền về như vậy, trong lòng Lư Chỉ Tuyền cảm thấy hoài nghi, liền viết thư hỏi con trai số tiền đó ở đâu ra? Lư Giáo dụ viết lại rằng số tiền này do bạn bè tốt bụng của anh ta quyên góp và ủng hộ mình.
Không lâu sau, những người hầu nhà họ Lư đột nhiên nhìn thấy một số quan sai trông có vẻ dữ tợn xông vào cổng nhà họ Lư, sau khi đi vào thì biến mất trong nháy mắt. Đúng lúc này, Lư Giáo dụ đột nhiên ngất đi, qua nửa ngày mới tỉnh lại. Hóa ra Lư Giáo dụ biển thủ tiền cứu trợ thiên tai nên bị quỷ đói đến buộc tội, Thần Thành Hoàng tạm thời thả anh ta về dương thế nên anh ta mới tỉnh lại.
Mấy ngày sau, những người hầu này lại thấy những quan sai đó đến. Giống như lần trước, Lư Giáo dụ lại ngất đi, trông thì có vẻ như đã chết, nhưng anh ta vẫn còn một chút hơi thở, nhưng không thể tỉnh dậy trong nhiều ngày.
Con trai của Lư Giáo dụ rất có hiếu, cậu ấy đã quỳ trước tượng Thần cầu xin cho cha, khẩn thiết van nài. Để cha sớm tỉnh lại, cậu ấy lặng lẽ đốt một ngón tay của mình để tỏ lòng thành kính, nhà họ Lư không hề hay biết chuyện này.
Một ngày nọ, Lư Giáo dụ bỗng nhiên tỉnh lại và tự mình ngồi dậy, gia đình rất ngạc nhiên vui mừng. Chỉ thấy Lư Giáo dụ xua xua tay, nói: “Đừng vội mừng. Mấy hôm trước, quỷ đói buộc tội ta biển thủ tiền cứu trợ, sau khi Thần Thành Hoàng xét xử, thì chúng quỷ đói không phục, chúng chuyển sang kiện với Diêm Vương.
Diêm Vương thẩm tra xong thì nói tội ‘biển thủ tiền cứu trợ thiên tai’ của ta rành rành không chối cãi, lập tức phán xử hạ vạc dầu. Khi vừa chuẩn bị cởi y phục chịu tội hình, thì Diêm Vương bỗng gọi ta lại, nói rằng ‘con trai của ngươi ở dương thế, vì ngươi mà tự đốt ngón tay, lòng thành hiếu thảo cảm động Trời Thần, nên lúc này miễn tội hạ vạc dầu nhưng tội chết thì không thể thoát được. Lần này bổn Vương cho phép ngươi hồi dương, muốn ngươi quay về nói với thế nhân rằng, tiền cứu trợ thiên tai nhất định không thể biển thủ được’.
Sau khi Lư Giáo dụ nói xong những lời này trước mặt mọi người thì lập tức qua đời. Ai cũng không ngờ con trai nhà họ Lư lại hiếu thảo với cha mình như vậy, để xác minh tính chân thực, liền bảo cậu ấy đưa ngón tay ra xem sao, quả nhiên thấy gần hết ngón tay của cậu đã bị đốt bỏng. Mọi người thương xót tấm lòng hiếu thảo của con trai nhà họ Lư mà cảm thấy chán ghét sự tham lam của Lư Giáo dụ. Vào thời điểm đó ở Kim Lăng, nhiều người đã biết giai thoại này. Cha của Lư Giáo dụ, là Lư Chỉ Tuyền cũng nói với mọi người về chuyện này mà không hề che giấu.
Khi thiên tai xảy ra, những người dân thường đói khổ chạy vạy khắp nơi để sinh tồn và chờ đợi sự giúp đỡ. Mong muốn may mắn được cứu trợ là vấn đề sinh tử của từng hộ gia đình, vì vậy những quan chức làm nhiệm vụ cứu trợ thiên tai nên ra sức thực hiện nhiệm vụ cứu trợ bằng cả trái tim. Một khi biển thủ tiền cứu trợ thiên tai khiến cho vô số bách tính vô tội chết vì đói, thì dã tâm này so với cầm thú có khác biệt gì không? Mặc dù chưa lập tức bị quỷ đói buộc tội bắt đi nhưng Thiên lý bất dung, bởi người làm Trời thấy!
Trong “Dung nhàn trai bút ký”, tác giả Trần Kỳ Nguyên cũng cảm khái nói rằng: “Câu chuyện của Lư Giáo dụ rành rành như thế, sao thế nhân còn chưa cảnh tỉnh?”
Vào thời nhà Thanh, Trần Kỳ Nguyên quản lý ‘kho phòng bị’, khi các tư lại (quan nhỏ) đến xin kinh phí, Trần Kỳ Nguyên nói với họ rằng: “Số tiền nhỏ các ngươi muốn nhận, có thể được dùng để giúp đỡ người nghèo đổi lấy lương thực trong những năm đói kém. Hôm nay các ngươi may mắn được ăn no và mặc ấm, sao có thể nhẫn tâm đoạt lấy thức ăn trên miệng của dân chúng đói khổ trong tương lai?”
Sau khi nghe xong, các quan ấy xấu hổ, và lần lượt từ bỏ việc xin kinh phí. Về sau lại có quan khác đến yêu cầu kinh phí nhà cửa, Trần Kỳ Nguyên cũng đều kiên trì không cấp, khiến họ cũng bó tay đành chịu.
Ghi chú:
Kho phòng bị: Thời đó, mỗi làng trong mỗi thị trấn của tỉnh và huyện đều lập một kho lúa, sau khi thu hoạch vụ mùa sẽ được người dân quyên góp và cất vào kho. Nếu năm đó gặp thiên tai sẽ sử dụng các loại ngũ cốc tích lũy được trong kho lương địa phương để phân phát cho dân chúng nơi ấy. Kho được gọi là “phòng bị”, vì nó là thặng dư trong những năm dư dả, dùng để bù cho thiếu hụt trong những năm đói kém.
Thiên Hà biên tập
Nguồn: ntdvn