Giữ được bí mật của người khác chính là giữ được danh dự cho họ, là giữ được nhân phẩm cho mình, cũng chính là giữ được tình cảm và quan hệ tốt đẹp với nhau…
Mỗi người đều có chuyện đời tư
Trương Sưởng, quan lớn đời Tây Hán, là một người si tình, vô cùng yêu thương vợ. Hàng ngày ông đều vui lòng hạ mình, chẳng nghĩ đến địa vị tôn quý của ông để vẽ lông mày cho vợ.
Kỹ thuật vẽ lông mày của ông rất điêu luyện, bởi thế bộ lông mày mà ông vẽ cho vợ trông như rặng núi xanh nối tiếp, yêu kiều thướt tha.
Nhưng cũng có người thấy chướng mắt với hành vi của ông, cảm thấy ông vẽ lông mày cho vợ là làm hỏng thuần phong mỹ tục, do đó đã tố cáo với Hán Tuyên Đế, muốn hoàng thượng lột cái mũ ô sa của ông, để “khuông chính thế phong” (quy chính phong tục thế gian).
Một hôm, Hán Tuyên Đế thiết triều, trước mặt quần thần, ông hỏi Trương Sưởng về việc này.
Không ngờ, Trương Sưởng không hề kinh sợ, điềm nhiên ung dung tự tại trả lời rằng: “Niềm vui khuê phòng, có người còn ham hơn cả vẽ lông mày”.
Hán Tuyên Đế không có lời nào để đối đáp, đành bỏ qua.
Chỉ một câu nói nhẹ nhàng là đã vượt qua được Hán Tuyên Đế. Sau này câu chuyện “Trương Sưởng vẽ lông mày” được lưu truyền thành giai thoại thiên cổ, bản thân Trương Sưởng cũng được ban tặng nhã hiệu “Thái thú vẽ lông mày”.
Trương Sưởng nói đúng, trong khuê phòng còn có những chuyện thân mật hơn vẽ lông mày. Ông là bề tôi, chỉ cần tận trung giữ đúng chức phận là được rồi, còn chuyện niềm vui khuê phòng của ông và vợ hoàn toàn là chuyện đời tư, không phải báo cáo với bất kỳ người nào, dẫu thiên tử cũng không quản được.
Đúng như Romain Rolland, nhà văn Pháp, người từng được giải Nobel, nói rằng: “Trong đáy lòng mỗi người đều có một đảo nhỏ chôn vùi ký ức, vĩnh viễn không mở ra cho người khác thấy”.
Con người ai cũng có chuyện riêng tư, đã là riêng tư thì có nghĩa là không muốn người ngoài biết. Do đó, người biết tôn trọng người khác không tùy ý hỏi han chuyện đời tư người khác. Đồng thời, khi có người đem chuyện riêng tư ra nói với họ thì họ sẽ biết giữ mồm giữ miệng, bảo vệ chuyện riêng tư của người khác.
Khi người khác tín nhiệm bạn, bạn càng nên có nghĩa vụ giữ miệng
Học giả Tư Mã Quang đời Bắc Tống chính là người như thế. Đương thời, trong triều có một đại thần tên là Hàn Khắc, là quan đồng triều với Tư Mã Quang, hai người kết giao thân thiết.
Một lần, Hàn Khắc phát hiện ra con trai ông lấy trộm bạc ở nhà đi đánh bạc, ông rất tức giận, nắm lấy con, vừa đánh vừa mắng. Hàn Khắc vốn cho rằng, sau khi đánh mắng xong thì con trai lầm đường biết quay đầu. Nhưng người con đánh bạc đã thành nghiện, không chịu nghe theo cha quản giáo. Vì vậy Hàn Khắc cảm thấy rất phiền muội. Ông đem chuyện phiền lòng này ra nói với Tư Mã Quang, hy vọng bạn sẽ bày mưu tính kế giúp, để đưa con trai quay về con đường chính.
Tư Mã Quang nhẫn nại lắng nghe, rồi nảy ra một kế. Hàn Khắc nghe xong, cảm thấy cách này vô cùng hay, bỗng nở nụ cười tươi như hoa.
Nhưng sau đó Hàn Khắc nghĩ lại, chuyện xấu trong gia đình đã bị người ngoài là Tư Mã Quang biết, ngộ nhỡ Tư Mã Quang lan truyền ra thì mình không biết giấu mặt vào đâu. Vì vậy, Hàn Khắc một mặt cảm ơn Tư Mã Quang trợ giúp, mặt khắc lại rất lo lắng Tư Mã Quang sẽ lan truyền chuyện xấu gia đình mình, làm bại hoại thanh danh của ông.
Nhưng thời gian rất lâu sau, Hàn Khắc không thấy bất kỳ vị đại thần nào trong triều bàn tán về chuyện con trai ông. Lúc này ông mới thấy rõ ông đã lấy bụng tiểu nhân để đo lòng người quân tử.
Giữ bí mật cho người khác chính là giữ nhân phẩm cho mình
Nếu bạn không quản được cái miệng mình, đem bí mật người khác nói ra, thì bạn đang chà đạp nên sự tôn trọng và tín nhiệm của người đó, khiến bạn trở thành kẻ xa lạ đáng ghét.
Khi có người đem chuyện tâm sự của họ thổ lộ cùng bạn, có nghĩa là họ coi bạn thực sự là người tri kỷ, sẽ giữ bí mật cho bạn. Giữ bí mật cho người khác chính là giữ thanh danh cho họ, là giữ nhân phẩm cho mình. Và quan trọng hơn là giữ được mối quan hệ tốt đẹp giữa hai người
Hoàng Mai/NTD.com/Dịch Nguồn cmoney