Tục ngữ có câu: “Người tham lam sẽ muốn ngày càng nhiều, giống như con rắn muốn nuốt lấy cả con voi”. Một cá nhân nếu không biết bằng lòng thì sẽ chỉ cảm thấy đủ khi đã có một tài sản khổng lồ. Như vậy người ấy sẽ không bao giờ hạnh phúc thật sự bởi vì tài nguyên vật chất trên thế gian là hữu hạn, nhưng ham muốn giàu có của con người lại là vô hạn.
Do vậy để thực sự hạnh phúc và vui vẻ, người ta phải biết kiềm chế dục vọng của bản thân, đồng thời bảo trì thiện niệm trong tâm.
Nhiều người ghen tỵ với các tỷ phú và ao ước trở thành tỷ phú, nhưng ít người biết rằng nếu không có thiện tâm, thì một tỷ phú cũng không thể hạnh phúc hay vui vẻ thật sự, mặc dù ông giàu hơn nhiều người khác.
Một người bạn của tôi là y tá tại một bệnh viện ở Singapore. Cô ấy kể với tôi rằng một trong những người giàu nhất Indonesia đến nằm tại bệnh viện nơi cô làm hàng năm. Ông ấy giàu có như một vị vua, nhưng việc nhập viện liên tục của ông lại không liên quan gì đến tình trạng sức khỏe của ông.
Ông vào viện là để trốn các bà vợ và con cái ông, những người luôn vòi tiền từ ông. Theo người đàn ông này, ông có sáu bà vợ lớn nhỏ, nhưng không ai trong số họ yêu ông, ngoại trừ người vợ thứ hai là một tín đồ Cơ Đốc giáo. Tất cả những bà vợ khác chỉ thích tiền và tài sản của ông. Ông muốn sống với người vợ thứ hai, nhưng người vợ cả lại không cho phép điều đó.
Ông có tổng cộng hơn 80 người con và cháu. Khi ông nhập viện, con cháu ông đã đổ xô tới bệnh viện và xếp hàng để thăm ông. Nhưng ông thất vọng khi biết rằng tất cả họ tới chỉ là để phân chia tài sản của ông. Không ai trong số họ quan tâm tới sức khỏe của ông cả. Do đó ông thường dùng thuốc ngủ để tự an ủi mình. Ông là một người đàn ông rất cô độc, và không hạnh phúc chút nào.
Một cuộc sống vật chất sung túc mang đến cho chúng ta hạnh phúc tạm thời, nhưng một trái tim lương thiện lại mang đến cho chúng ta hạnh phúc trong cả một đời. Không ai hiểu được giá trị chân thực của cuộc sống không phải nằm ở nhận, mà nằm ở cho.
Trong kiếp nhân sinh, danh lợi, tiền tài, vàng bạc, châu báu,… đều là vật ngoại thân, và chúng không thể thỏa mãn một người luôn truy cầu vào mọi lúc. Còn thiện tâm là sự giàu có trong tâm hồn. Nó giống như một tia sáng mặt trời tỏa sáng thế giới của chúng ta, cùng những người xung quanh chúng ta.
Thiện tâm là lòng tốt, là tình yêu thương và là cảm xúc tốt đẹp nhất của nhân loại. Thiện tâm sẽ cho chúng ta một cuộc sống hạnh phúc nhất. Thiện tâm cũng giống như nước vậy. Nó làm tươi mát nơi khô cằn và thỏa mãn cơn khát của nội tâm.
Một người thiện tâm sẽ không đối xử với mọi người như kẻ thù. Anh ta luôn biết hài lòng với bản thân mình. Anh ta sẽ không bị làm phiền hay xáo động bởi đủ loại rắc rối và mâu thuẫn trong cuộc sống. Hạnh phúc và vui vẻ thật sự nằm sẵn trong tâm anh ta.
Lão Tử, nhà tư tưởng Trung Quốc cổ đại nói như sau trong cuốn “Đạo Đức Kinh”: “Tri túc chi túc, hằng túc hĩ”. Nghĩa là biết thế nào là đủ thì sẽ vĩnh viễn không thiếu gì. Một người thiện tâm có thể không có nhiều của cải, tài sản, xe hơi hay tiền tiết kiệm, nhưng anh ta biết thế nào là đủ và vui hưởng một cuộc sống hạnh phúc.
‘Biết đủ’ là một loại cảnh giới. Người biết đủ sẽ luôn mỉm cười đối mặt với cuộc sống. Trong mắt của người biết đủ sẽ không có điều gì là không thể giải quyết được trên thế gian này.
Dục vọng của con người là vô biên nên con người luôn không biết đủ. Kỳ thực, “không biết đủ” là một loại tâm lý tối nguyên thủy của con người, còn biết đủ là một loại lạc quan và cách ‘giải vây’ của tư duy lý tính.
“Biết đủ” và “không đủ” kỳ thực là một quá trình lượng hóa. Ở vào những niên đại khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, giai tầng khác nhau, độ tuổi khác nhau, kinh nghiệm cuộc sống khác nhau, thì “biết đủ” và “không đủ” luôn có sự chuyển hóa lẫn nhau.
“Biết đủ” khiến con người bình tĩnh hơn, an tường, lạc quan và siêu thoát hơn. Ngược lại, không biết đủ sẽ khiến con người rối loạn. Người biết đủ sẽ phân biệt được rõ điều gì nên làm thì làm, điều gì không nên làm thì dừng lại. Sự khác biệt giữa họ chính là hạn độ. Hạn độ chính là sự đúng mực, là trí tuệ, là một loại trình độ. Người biết đủ luôn có một hạn độ nên họ không dễ phạm phải lỗi lầm và đánh mất lương tâm.
Nguồn: Chanhkien
Gia An biên tập