Nguồn ảnh: Internet

Văn Hóa

Biết thủ tĩnh là giữ được chí hướng, tâm trí và khí tiết của mình

By Đăng Dũng

February 20, 2021

Người xưa nói: “Nước càng sâu thì chảy càng chậm, người càng trí huệ thì tâm càng tĩnh. Cuộc sống dẫu có lúc áp lực đè nặng lên thân thể và tinh thần, không dễ khiến họ bực dọc, nóng nảy, gấp gáp, lo âu…  đó là thể hiện của người có tu dưỡng.

“Động” và “tĩnh”, “nhanh” và “chậm” là thuộc về lý tương sinh tương khắc. “Động, tĩnh, nhanh, chậm”, trời đất vì có chúng mà trở nên cân bằng. “Động” sẽ khiến tiêu vong xảy ra nhanh hơn, “tĩnh” mới có thể lâu dài, cho nên người xưa mới giảng rằng “tĩnh lặng mới có thể đi xa”.

Một người trí huệ cao, người có hàm dưỡng đạo đức thì trong thái độ xử thế luôn chứa đựng sự từ bi. Họ có thể nhường nhịn, có thể chịu thiệt. Một khi gặp chuyện, họ có thể trầm tĩnh, tâm lượng mở ra rộng lớn hơn và dung nạp được nhiều hơn.

Tu thiện tích đức

Hành thiện không cầu báo đáp, phúc đức tự khắc nảy mầm. Người lương thiện sẽ luôn được may mắn, bởi họ phù hợp với “tính bản thiện” của tạo hóa. Trên đời này có một thứ quý giá hơn hết thảy, chính là bản tính thiện lương. Thông minh là thiên bẩm mà lương thiện lại là lựa chọn sống. Thiện lương có thể không đem lại cho bạn tất cả những gì bạn muốn nhưng lại có thể giúp bạn chia sẻ hạnh phúc với rất nhiều người. 

Nếu như luôn giữ được một trái tim yêu thương thì nhất ngôn nhất hành, mỗi từng cử chỉ của bạn đều thể hiện ra tình yêu và sự ấm áp. Tâm người chứa điều gì, cuộc đời họ cũng sẽ phản ánh điều ấy. Ở đời, ai cũng có lúc không thuận lợi, cũng có khi gặp việc không như ý, cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm. Thế nhưng muốn thành đại sự thì phải biết dưỡng thành đại khí. Rốt cuộc thì chính là nhẫn dưỡng phúc, từ bi dưỡng tâm và khoan dung dưỡng khí.

Làm chủ trí huệ

Năng lực của một người thường tỷ lệ nghịch với tính nóng nảy, nghĩa là khả năng càng lớn thì kiểm soát bản thân càng tốt, khi một người trở nên tức giận, đó là do cảm giác bất lực với chính mình gây ra.

Trong thư gửi cho con trai, Gia Cát Lượng có viết rằng: “Nết người quân tử, tĩnh để tu thân, kiệm dùng dưỡng đức. Không đạm bạc chí chẳng sáng soi, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi. Học cần tâm tĩnh, tài cần phải học. Không học, tài chẳng mở mang, không chí, chẳng thành nghiệp học. Biếng nhác ắt chẳng thể tinh thông, nóng nảy sao tu thành tâm tính. Tháng ngày vùn vụt, ý chí qua đi, thân đã già nua, chưa hiểu sự đời. Nhà rách sầu bi, hối thì đã muộn”.

Những người chú trọng tu thân dưỡng đức họ sẽ không theo đuổi những thứ tiền tài danh lợi… giữ vững một loại tâm bình thản, đó là một loại chí khí, một loại cảnh giới cao. Biết thủ tĩnh chính là giữ được chí hướng, giữ được tâm trí và khí tiết của mình. 

Làm người, thắng là do biết giữ ôn hòa, thua là do tính tình nóng nảy, hãy biết kiềm chế bản thân. Con người trong lúc nóng giận sẽ không còn lý trí, chỉ sau khi bình tĩnh trở lại mới thấy chuyện chẳng có gì và bản thân sao lại khó hiểu đến vậy. Có lẽ trong một số hoàn cảnh, người ta hơn nhau là ở chỗ biết kiềm chế bản thân, dùng lời ăn tiếng nói làm tổn thương người khác là một hành vi nông cạn.

Ước thúc bản thân

Người xưa có câu: “Thư kiến hiền học cung hành, quan ái dân nghiệp chủng đức”, ý nói: Người đọc sách mà không tu dưỡng đức, thì chỉ là nô lệ của chữ. Làm quan mà không thương yêu che chở dân thì chỉ là cường đạo mặc áo mũ chỉnh tề. Dạy tri thức mà không tán thành thực hành thì chỉ như hòa thượng thuận miệng tụng kinh mà không ngộ Pháp. Người tạo dựng sự nghiệp mà không chú trọng tu dưỡng phẩm hạnh đạo đức thì cũng chỉ như đóa hoa nở, trong nháy mắt sẽ héo tàn.

Tự mình biết ràng buộc, hạn chế, ước thúc bản thân chính là trân quý bản thân mình một cách thực sự, là một loại đạo đức cao thượng. Người tự ước thúc được bản thân sẽ “không ngông cuồng dựa vào thế lực, không bị cám dỗ bởi sự tình bên ngoài”. Trong một thế giới có quá nhiều sự huyễn hoặc, họ chọn cho mình cách sống với nội tâm yên tĩnh.

Thời Xuân Thu có Lão Tử viết cuốn “Đạo Đức Kinh”, chính là tinh hoa đạo học của mình lưu lại hậu thế. Đây cũng là một trong những cuốn sách được xuất bản nhiều nhất trên thế giới với nội dung bác đại tinh thâm. Lão Tử khuyên người ta phải biết tu thân dưỡng tính, sống thuận theo tự nhiên, chất phác, không tranh giành, vạn sự tùy kỳ tự nhiên.

Tu dưỡng thân tâm, buông bỏ dục vọng, theo Lão Tử chính là cách để đạt đến cảnh giới cao thượng trong Đạo.Vì vậy, khi gặp những chuyện không như ý, chúng ta nên bình tĩnh và tự nhủ: “Không sao cả, mọi chuyện rồi sẽ qua.” Hãy sống vui vẻ mỗi ngày, chúng ta sẽ thấy cuộc sống này thật đáng giá.

Một người nếu trong tâm không tĩnh thì thực sự rất khó để suy nghĩ được vấn đề, làm việc cũng nhất định sẽ ngạo mạn, kiêu căng, xốc nổi. Người có tĩnh khí sẽ cẩn thận quan sát nhận định tình hình, xem xét thời thế, càng dễ dàng suy nghĩ được sâu xa mà tìm được ra biện pháp giải quyết vấn đề, hiểu được đạo lý nhân sinh.

Hằng Tâm