Khi mâu thuẫn xảy đến, thay vì cảm thấy tức giận và đáp trả đối phương bằng những phản ứng gay gắt, bạn hãy thử áp dụng một phương thức “độc đáo” như cách mà bộ lạc Babemba tại Nam Phi đã dùng để chữa lành cho mọi nỗi đau: đó gọi là thấu hiểu, tha thứ và yêu thương.
Mẹ Teresa từng nói: “Như một quy luật, khi chúng ta đau khổ, chúng ta quá tập trung vào bản thân, chúng ta không có thời gian cho người khác”.
Do đó, chúng ta không biết rằng, đôi khi người gây ra bất công, người tranh cãi với bạn lại chính là người mang nỗi đau bên trong, là người cần được thông cảm và quan tâm.
Diễn giả nổi tiếng Wayne Dyer từng kể một câu chuyện rất ý nghĩa về bộ lạc Babemba tại Nam Phi. Ở nơi đây, mọi người đối xử với những người phạm sai lầm theo một cách “kỳ lạ” rất đáng chú ý. Thay vì phán xét và trừng phạt, bộ lạc này đối xử với người phạm tội bằng tình yêu thương và sự đánh giá cao.
Nếu một thành viên của bộ lạc Babemba hành động vô trách nhiệm hoặc sai trái, người này sẽ được yêu cầu đến vị trí trung tâm của ngôi làng, và ở đó một mình. Tất cả các công việc khác trong bộ lạc sẽ được tạm dừng lại, toàn bộ người dân tập hợp thành một vòng tròn lớn xung quanh người vi phạm. Sau đó, mỗi người trong bộ lạc, từng người một bất kể tuổi tác, sẽ nói chuyện với “bị cáo”, họ sẽ nhớ lại tất cả những điều tốt đẹp mà người ở trung tâm vòng tròn đã làm trong cuộc đời mình.
Mọi sự việc, mọi trải nghiệm tốt đẹp sẽ được gợi lại một cách chi tiết và chính xác. Tất cả các đặc điểm tích cực, từng hành động tốt, sự quan tâm, tử tế được đưa ra một cách cụ thể, cẩn thận. Không ai được phép bịa đặt, phóng đại hoặc tỏ ra thô lỗ về những thành tựu hay các khía cạnh tích cực của người này.
Nghi lễ thường kéo dài trong vài ngày và sẽ không kết thúc cho đến khi mọi người đưa ra hết mọi bình luận tích cực có thể nói về người phạm lỗi. Cuối cùng, vòng tròn được phá vỡ và người đó được chào đón vào bộ lạc bằng một buổi lễ vui vẻ.
Đó thật sự là một hình ảnh trích dẫn tuyệt đẹp về hành động của sự cảm thông, của tình yêu, và lòng trắc ẩn. Bạn có thể tưởng tượng điều gì đó giống như thế sẽ xảy ra trong xã hội hiện đại và văn minh của chúng ta không? Bạn có tin rằng chúng ta có khả năng như vậy không? Tất cả những gì chúng ta được dạy là chỉ tay vào những người mắc lỗi, ngay cả khi những người đó là gia đình, bạn bè hoặc con trẻ của chúng ta.
Kẻ gây chiến chính là người bị tổn thương
Tại sao chúng ta liên tục phán xét nhau, làm tổn thương, hạ thấp giá trị người khác, và khiến họ cảm thấy thấp kém? Tại sao chúng ta không cố gắng để hiểu hành vi của người khác, tại sao ta không vượt qua được những định kiến? Tại sao không đáp lại bằng cảm thông và yêu thương hơn là phản ứng và phán xét?
Khi một người càng cảm thấy cần phải tấn công, làm tổn thương, hay khiến người khác phải chịu đựng, người này càng đến gần bờ vực của tổn thương, đó là một dấu hiệu cho thấy họ đang thực sự gặp vấn đề về tinh thần và dường như họ không thể tìm thấy lối thoát.
Sự đau đớn đôi khi là dấu hiệu tốt, nó cho biết có điều gì đó bất thường bên trong mà chúng ta cần chú ý đến. Do đó, khi ai đó làm tổn thương bạn, nếu bạn muốn “tấn công” lại đối phương, trước hết hãy xem xét lại vấn đề bên trong tâm hồn bạn, thứ hai là chúng ta cần hiểu rằng đối phương cũng gặp vấn đề tương tự như thế.
Vì vậy, khi bị công kích, phán xét, hãy thay đổi thái độ của mình đối với kẻ gây chiến. Chúng ta cần trở nên thông cảm hơn đối với sự đau khổ, tức giận, thất vọng và đau đớn của họ. Đơn giản vì bây giờ ta biết rằng có gì đó bất thường bên trong họ, điều mà họ không muốn, không thể, hoặc không biết cách chia sẻ với thế giới vì lý do này hay lý do khác, và họ liên tục cảm thấy cần thiết làm tổn thương những người xung quanh. Chắc hẳn có gì đó bất ổn sâu thẳm bên trong đang khiến họ hành động theo cách tiêu cực ấy.
Đó là chiếc mặt nạ họ đeo vì đã mất niềm tin, họ cảm thấy cần phải che giấu nỗi đau, tự trấn an rằng hành vi của mình là đúng, rằng mình đang làm chính xác những gì cần làm, nhưng không biết rằng chính họ đang tiếp tục trên hành trình tự hủy hoại bản thân.
Vì thế, dù có ý thức về điều này hay không, người này tự trừng phạt mình theo cách như thế. Họ coi bản thân là thất bại, chấp nhận rằng mình sẽ không được hưởng mối quan hệ đẹp, không xứng đáng được yêu thương.
Bạn chọn gì: tranh đấu hay yêu thương?
Có một câu nói rằng: “Chúng ta không thể lựa chọn hoàn cảnh, nhưng chúng ta có thể lựa chọn thái độ của mình khi đối mặt với hoàn cảnh ấy”.
Nếu ai đó đối xử với chúng ta theo cách bất công tồi tệ chỉ vì họ cho rằng phải thế, nếu ai đó “nổi điên” hay thất vọng vì họ cho rằng bạn sai, chúng ta cần biết rằng vấn đề không hẳn ở chỗ sự việc đúng hay sai, hoặc những gì chúng ta đã làm, mà là vì nỗi đau đã có sẵn trong họ. Mặc dù không mong muốn, những định kiến khiến họ chỉ có thể nghĩ rằng chúng ta đang đổ lỗi và thất vọng về họ.
Điều quan trọng là bạn chọn cách nào để đối phó với tình huống này. Bạn có thể chọn việc nó trở thành vấn đề của mình hoặc chọn xem nó như một thứ không thuộc về bạn. Giữa những gì xảy ra xung quanh, sẽ luôn có một khoảng trống cho phản ứng của bạn, một khoảng hòa hoãn cho tâm trí chúng ta, để lựa chọn điều đúng đắn cần làm.
Có thể những người “gây chiến” không biết rằng vấn đề nằm ở bên trong bản thân họ, hoặc có thể họ biết nhưng không muốn chịu trách nhiệm về nó. Nhưng cho dù ai đó đối xử với bạn tệ đến mức nào, dù họ có làm bạn đau đến mức nào, nếu bạn đáp lại bằng tình yêu thương thay vì phản ứng với hành vi của họ, những phản ứng sau đó của đối phương rất có thể sẽ làm bạn ngạc nhiên thú vị.
Tha thứ và yêu thương là liều thuốc cho mọi nỗi đau
Theo các nghiên cứu, từ quan điểm khoa học về bộ gen của con người, chúng ta có sự tương đồng đến 99,9%, nhưng chúng ta lại chọn tập trung sự chú ý của mình vào 0,1% khác biệt? Đó chẳng phải bất thường là gì?
Có lẽ bởi vì điều này dễ dàng hơn, chúng ta muốn tập trung sự chú ý của mình vào điều khác biệt, để chỉ trích, phàn nàn và lên án thay vì cố gắng thấu hiểu người khác. Chúng ta quên mất rằng tất cả chúng ta đều có cùng một đặc tính căn bản, là tính lương thiện, là tình yêu thương.
Tại sao chúng ta không thể sống trong một thế giới nơi mọi người quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau, tại sao không thể chấp nhận sự thật rằng tất cả đều biết yêu thương và cần được yêu thương? Hãy chỉ ra những điều tốt đẹp thay vì áp đặt chỉ trích và phán xét. Hãy để cảm thông, yêu thương, chia sẻ đánh bại sự oán hận, ích kỷ trong lòng.
Nói về tình yêu thương, nhà văn Elizabeth Gilbert đã nói: “Tôi ở đây. Tôi yêu bạn. Tôi không quan tâm nếu bạn cần khóc suốt đêm, tôi sẽ ở bên bạn. Tôi mạnh mẽ hơn Trầm cảm, tôi dũng cảm hơn Cô đơn và sẽ không có gì làm tôi kiệt sức”.
Thực vậy, khi có tình yêu thương, sẽ không ai còn rơi vào trạng thái trầm cảm, cô đơn nữa. Cho dù không biết chắc được những mâu thuẫn đến từ đâu, tất cả những gì chúng ta cần biết là lòng tốt thu hút lòng tốt. Với một lời tử tế, một hành động tốt đẹp, chúng ta có thể thay đổi cuộc sống của chính mình và của những người khác, vì tình yêu thương chính là điều có năng lượng to lớn nhất.
Tâm An/NTD.com/Dịch