Tôi là một người bận rộn, công việc quản lý tại công ty khiến tôi hoàn toàn không có thời gian dành cho gia đình. Tôi thường phải tất bật đi làm khi mặt trời chưa mọc, và mệt mỏi trở về khi khu phố đã lên đèn. Con trai nhỏ của tôi đã 5 tuổi, cháu rất nghịch ngợm và hiếu động, tôi cũng không có nhiều thời giờ để chăm sóc và chơi với bé. Thường thì khi tôi về tới nhà thì cháu không còn thức và khi tôi đi làm thì cháu vẫn say sưa trong giấc ngủ ngon.
Hôm nay tôi về sớm hơn mọi khi một chút, vừa về đến nhà và mở cửa, tôi đã thấy con trai tôi đứng chờ từ bao giờ. Vợ tôi vẫn nấu nướng trong bếp, cô ấy nói với tôi rằng hôm nào bé cũng ra cửa và ngóng bố về như thế đấy…
Bé nhìn tôi âu yếm và hỏi: “Bố ơi, con hỏi bố một câu được không?”
Tôi trả lời: “Được chứ! Có chuyện gì vậy con trai?”
“Bố đi làm thì kiếm được bao nhiêu tiền trong 1 giờ ạ?’
Tôi giật mình và trả lời một cách nóng nảy: “Tại sao trẻ con lại hỏi như vậy?”
Bé nhìn tôi năn nỉ: “Xin bố hãy trả lời đi ạ”
“Bố có thể kiếm được 100 tệ trong 1 giờ. Nhưng có chuyện gì vậy con?”
Sau khi nghe tôi trả lời, con trai tôi có vẻ thất vọng và cúi đầu. Một lúc sau, cậu lại ngẩng đầu lên và ngập ngừng hỏi: “Bố ơi, vậy bố có thể cho con mượn 50 tệ được không ạ?”
Tôi quát bé thật to: “Nếu con chờ bố về chỉ để hỏi mượn tiền, thì con hãy về phòng và lên giường ngủ ngay lập tức, con là một cậu bé hư!”
Con trai tôi tỏ vẻ sợ sệt và lầm lũi bước về phòng mà không nói một lời, bé nhẹ nhàng đóng cửa lại và lên giường đắp chăn.
Sau khi bình tĩnh lại, đột nhiên tôi cảm thấy vừa rồi có lẽ mình đã hơi nóng tính. Là người lớn tôi cũng nên dạy con một cách nhẹ nhàng, có tình có lý.
Nghĩ vậy nên tôi đã bước vào phòng con trai và nhẹ nhàng hỏi: “Con ngủ chưa?”.
“Con chưa ngủ đâu bố ạ!” Bé đáp lại với giọng hơi buồn.
Tôi ngồi xuống bên cạnh và định kể cho bé nghe một câu chuyện ngụ ngôn nói về lòng tham của con người. Tôi muốn dạy bé theo cách nhẹ nhàng như thế.
Trước khi kể chuyện, tôi rút ra 50 tệ và nói với bé: “Đây là 50 tệ con hỏi mượn bố lúc nãy, con hãy cầm lấy và cất đi, nhưng con còn nhỏ thì đừng nghĩ đến tiền bạc, thứ đó sẽ biến con trở thành một đứa trẻ hư!”.
Con trai tôi vui vẻ cầm lấy tiền, sau đó bé ngồi dậy và lấy ra mấy tờ tiền lẻ nhàu nát mà bé giấu dưới gối rồi cẩn thận đếm từng tờ.
“Tại sao con lại giấu tiền?” Tôi bắt đầu tức giận hỏi.
“Bởi vì số tiền để dành của con chỉ có 50 tệ, nhưng với 50 tệ bố vừa cho mượn thêm, thì bây giờ nó đã đủ rồi ạ”.
Tôi còn chưa hiểu con trai muốn nói gì, thì đã thấy bé kéo tôi lại và nhẹ nhàng đặt tất cả số tiền dành dụm ấy vào trong tay tôi.
“Bố, con đã có đủ 100 tệ rồi, bố có thể bán cho con một giờ làm của bố được không? Ngày mai bố có thể về sớm hơn một giờ, và cả nhà ta cùng đi ăn tối bố nhé!”
Lúc này tôi chợt giật mình vì lời đề nghị của con trai, cổ họng tôi nghẹn lại, hóa ra tôi đã hiểu sai bé. Con trai tôi đã trưởng thành và cậu ấy thực sự một đứa trẻ ngoan.
Khi nhịp sống xã hội ngày càng được đẩy nhanh, thì áp lực cuộc sống của con người cũng vì thế mà tăng lên. Ngày càng có nhiều các bậc phụ huynh vì lý do đi làm kiếm sống mà vô tình quên mất rằng con cái thật sự đang cần họ quan tâm và chăm lo đến như thế nào.
Bạn hãy tự nhìn lại mình thử xem: đã bao lâu rồi bạn không được rảnh rỗi mà dành thời gian cho con cái?
Con cái của bạn chỉ là những đứa trẻ vô lo vô nghĩ, hồn nhiên và ngây thơ. Nhưng chúng thực sự cần đến sự quan tâm của các bậc làm cha làm mẹ. Mặc dù thời gian là công bằng dành cho tất cả mọi người, nhưng cách nắm bắt và sử dụng thời gian của mỗi người là hoàn toàn khác nhau. Hãy cố gắng cân bằng cuộc sống, đừng để dòng xoáy của cuộc đời cuốn bạn đi theo cách mà nó mong muốn. Hãy dành thời gian nhiều hơn cho gia đình của mình và chăm sóc nó thật chu toàn bạn nhé!
Thái Sơn