Nguồn: SOH

Cảm Ngộ Nhân Sinh

Bốn đại trí huệ của cổ nhân giúp thấu hiểu cuộc sống, cả đời an vui

By Lan Hòa

July 15, 2021

Bốn đại trí huệ cổ nhân lưu lại cho hậu thế, mỗi kinh nghiệm đúc kết của cha ông quý hơn vàng, là những chân lý bất biến của kiếp nhân sinh, đến tận ngày nay vẫn còn giữ nguyên giá trị:

1. Đại Đạo Chí Giản

“Đại Đạo chí giản” là quy luật phát triển của vạn vật trong vũ trụ, là tinh hoa của văn hóa phương Đông, là triết lý của Đạo gia. Chân lý sâu sắc nhất là chân lý đơn giản và phổ thông nhất, khiến những gì phức tạp nhất thành đơn giản nhất là cao minh nhất, những người vĩ đại nhất chỉ bởi vì họ đơn giản mà trở nên cao quý.

“Đại Đạo chí giản” là trí huệ của làm người, người trí huệ đều tuân theo “Đại Đạo chí giản”. Người có nội tâm sâu sắc và tinh tế thường có hình thức bên ngoài đơn sơ và giản dị. Bởi vậy, đối với danh lợi, kim tiền, họ không mù quáng chạy theo, cũng không nên mệt mỏi vì vòng xoáy dục vọng. Đạm bạc, giản đơn để sáng tỏ chí hướng, nuôi dưỡng một nội tâm tĩnh tại để nuôi dưỡng chí hướng cao xa.

Vứt bỏ danh lợi vinh nhục, trong sáng, hồn nhiên như thuở ban sơ, giản dị như mảnh đất màu mỡ do ông cha vun đắp, chỉ những người có tâm thái bình tĩnh, tường hòa mới thấy được sự nhàn hạ của “ánh chiều tà chiếu xóm cũ, đàn dê trở về những ngõ nghèo”, và nghe âm thanh của thiên nhiên “gió sen mang hương thu, trúc lộ giọt sương rơi”, và cảm nhận sự mênh mông rộng lớn của “núi cao không thấy người, nhưng nghe thấy tiếng người nói”.

Cuộc sống lý tưởng nhất là một cuộc sống đơn giản, chỉ với một tách trà ấm nóng, một ngọn đèn, một chốn yên tĩnh, một cuộc sống bình thản, tâm không chứa tạp niệm… Nhưng một cuộc sống đơn giản đòi hỏi sức chịu đựng rất lớn, như thế mới có thể tận hưởng cuộc sống một cách vô tư và hạnh phúc. Biết đủ, mỉm cười và điềm nhiên, bất kể khó khăn và mệt mỏi, chỉ cần bạn kiên trì bước về phía trước, khung cảnh của bạn cuối cùng sẽ xuất hiện.

Nhân sinh vốn không dễ dàng, tất cả đều phụ thuộc vào tâm thái chúng ta sống và đối mặt. Hoàn cảnh nằm ở tâm cảnh, khi tâm cảnh thay đổi, hoàn cảnh cũng sẽ thay đổi. Bạn càng đòi hỏi, càng truy cầu những điều phù phiếm, cuộc sống càng căng thẳng và phức tạp, cuộc sống cũng vì vậy mà càng khó khăn hơn.

Khi không vui hãy đừng ngần ngại mà cởi mở tâm sự những muộn phiền với bạn bè, người thân, khi vui hãy cười thật tươi, chia sẻ với mọi người xung quanh để lan tỏa niềm vui đó, có lẽ mọi muộn phiền sẽ tan biến khi dốc bầu tâm sự, mọi căng thẳng cũng được nụ cười giải tỏa. Hãy sống như một đứa trẻ, hãy sống một cuộc sống đơn giản, hồn nhiên, ngây thơ, và mọi thứ đều sẽ trở nên tươi đẹp.

2. Đại trí nhược ngu

Có câu: “Đại trí nhược ngu”, tức người đại trí đại huệ có lúc sẽ tỏ ra “hồ đồ”, “ngu ngốc”.

Có nhiều người cho rằng người tỏ ra hồ đồ là người tầm thường, ngu muội, thậm chí ngu ngốc. Tuy nhiên, trong những người hồ đồ đó lại có những người thực sự là bậc đại trí, đại huệ.

Mưu Thánh Quỷ Cốc Tử từng có câu: “Mưu của bậc Thánh trí không phải là che dấu sự tình”, ý nghĩa rằng, người thực sự thông minh không bao giờ phơi bày sở trường của mình, họ trông có vẻ ngây ngô, chậm chạp, hồ đồ, vụng về… Kì thực, đó chính là biện pháp thông minh nhất để “ẩn giấu” mình.

Bậc đại trượng phu không câu nệ tiểu tiết. Sống trên đời mấy ai hiểu được khái niệm “hồ đồ”, hiểu được rồi mới là người cao minh. Gặp sự việc không tự cho mình là thông minh, có bản sự hơn người khác, khi đối nhân xử thế không đàm luận đao to búa lớn, trái lại lại tỏ ra có vẻ chưa thật rõ ràng. Trông có vẻ không hiểu biết nhưng kì thực là trong lòng đã minh bạch, tỏ tường, như thế mới không đắc tội với người, và khi hành động thì luôn luôn gặp thuận lợi, không bị người ta cố tình cản trở.

“Thông minh việc nhỏ, hồ đồ việc lớn” là hồ đồ thật trí tuệ giả; thông minh việc lớn, hồ đồ việc nhỏ mới là hồ đồ giả trí tuệ thật.

Người hồ đồ thật sự thì càng nói càng sai, càng làm càng sai, càng sống càng khổ. Người “giả hồ đồ” thì biết sai không nói, biết đúng không biểu lộ, càng sống càng thuận lợi.

Thông minh không phải là sai, càng không phải là lỗi, cốt yếu là cần phải sử dụng tốt cái thông minh của mình, không làm việc trái đạo lý. Biết thể hiện hồ đồ cũng là biểu hiện của thông minh.

3. Hữu dung nãi đại

Người xưa nói:”Hữu dung nãi đại”, ngụ ý rằng: “Có bao dung thì trở nên vĩ đại”, một người nếu có một tấm lòng khoan dung rộng lớn, có thể dung nạp những chuyện khó dung nạp trong thiên hạ, thì ắt phải là một người vĩ đại.

Đức Phật giảng: “Tài sản lớn nhất của đời người chính là lòng khoan dung”. Trong văn hóa truyền thống, bao dung là một loại cảnh giới trí tuệ, tu dưỡng đạo đức, bắt nguồn từ nội tâm “thiện lương, từ bi và nhân nghĩa” của con người.

Nhà triết học Pháp Voltaire (1694-1778) cũng đã từng nói: “Sự khoan dung là liều thuốc duy nhất để chữa lành mọi lỗi lầm đang làm bại hoại con người trong khắp vũ trụ”.

Lão Tử cũng từng giảng: “Khổng đức chi dung, duy đạo thị tùng“, ý tứ rằng: Đạo lớn bao nhiêu thì sức bao dung, chứa đựng bao trùm vạn vật của Đức cũng lớn bấy nhiêu. Khổng Tử nói: “Khoan tắc đắc chúng” với ngụ ý rằng, nếu ta đối xử với mọi người bằng tấm lòng khoan dung, rộng lượng thì chắc chắn sẽ được quần chúng tín nhiệm, ủng hộ.

Khi trái tim ta nhỏ hẹp thì phiền não lớn lên, trái tim ta rộng mở thì những khổ nạn sẽ trở nên bé nhỏ, chẳng đáng để mắt tới. Nếu trong tâm có thể chứa biển rộng, thì dẫu cho khổ đau nhiều hơn nữa cũng có thể hòa tan trong lòng biển, mà chẳng gợn lên một con sóng.

Có đôi khi ngẫm lại, chúng ta chỉ là những giọt nước bé nhỏ trong đại dương mênh mông cõi trần thế. Bạn vui hay buồn, đắm say, ngất ngây hay bàng hoàng thảng thốt, cũng đều không thể gợn một chút con sóng trên mặt biển. Cuộc đời như một vở kịch, bạn nhập tâm vào từng vai diễn và đeo đủ loại mặt nạ mỉm cười mà thuận theo nhân tình thế thái, cùng chìm nổi nơi thế gian. Trong những câu chuyện đời nông sâu, cuối cùng hóa ra lại đánh mất cái tôi chân thật, thiện lương thuở ban sơ, bởi vậy, hãy cứ mở lòng mình ra, bao dung hết thảy mọi thứ xảy ra trên đời, bạn sẽ thấy bầu trời trước mắt luôn thoáng rộng, bao la.

4. Thượng Thiện Nhược Thủy

Triết lý sống: “Thượng thiện nhược thủy”, nguyên là câu nói được bắt nguồn từ chương thứ VIII của cuốn “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử, ý tức nói: Nước là thiện nhất, là tốt nhất, nước đem lại lợi ích cho vạn vật, mà lại không tranh không giành, cảnh giới tối cao của kiếp nhân sinh chính là đối nhân xử thế giống như nước đối với vạn vật. Ông cho rằng: “Cảnh giới cao nhất của thiện chính là nằm ở chỗ giống như nước, nước đem lại lợi ích cho vạn vật mà không tranh giành với vạn vật, có thể ở những chỗ mà mọi người không thích nhất, cho nên nước gần với Đạo”..

Sống ở đời phải giống như nước, khéo lựa chọn chỗ khiêm nhường, nhiệt tình giúp đỡ những người xung quanh , không kiêu ngạo, tự cao tự đại, cư xử với người thì chân thành, nói thì phải nói lời Chân, giữ lời, làm việc thì có hiệu quả, hành động thì hợp thời cơ. Không tranh giành với ai, không ôm giữ oán hận, tật đố, không so đo tính toán chuyện hơn thua, làm việc gì trước tiên cũng nghĩ cho người khác, nên họ sẽ gặp rắc rối, và cũng không có kẻ thù. Cuộc sống cứ thế mà thong dong, an nhiên, tự tại.

Lòng người bao dung rộng lớn, cũng ví như biển lớn có thể dung nạp được trăm sôn,g chính là vì biển chọn cho mình chỗ thấp để ở, có thể bao dung trăm sông không phân biệt sông đục sông trong. Nước không chỗ nào không chảy đến, cũng như vạn vật đều nhờ có nước. Nước cũng không từ chối trách nhiệm, đem mình hiến dâng cho tự nhiên mà không đòi hỏi bất cứ sự đền đáp nào, cũng như người sống luôn biết nghĩ cho người khác, hy sinh lợi ích cá nhân của bản thân mình để nghĩ cho đại cuộc. Cũng như Đại đạo rộng lớn duy trì vạn sự vạn vật trong vũ trụ này cũng lại như vậy.

Vậy cũng nói, một người nếu có thể hành theo “Đạo của nước”, có thể bao dung, vị tha như nước, khiêm nhường, nhu mì, nhẫn nại như nước, biết cách đối nhân xử thế, mềm mại, nhu hòa như nước, thì họ quả là những người dồi dào phúc khí, sẽ có một tương lai tươi sáng.

 

Nguồn: Dusheng

Lan Hòa tổng hợp