Mỗi người đều hy vọng trong đời kết được những mối nhân duyên tốt đẹp nhưng điều này không phải chuyện dễ dàng.
Đạo lý thứ nhất: Không chỉ trích
Vương Dương Minh nói: “Đối với bằng hữu, đừng trực tiếp chỉ trích sai lầm của họ, có thể biểu đạt một cách khéo léo, sẽ giúp họ dễ tiếp nhận hơn.”
Khi đề xuất ý kiến với người khác, đôi khi trực tiếp nói về sai sót của họ, không bằng khen ngợi, nói thuận theo ý của họ một chút, rồi đề xuất ý kiến. Giữa bạn bè với nhau cần sự hỗ trợ và cùng nỗ lực. Nếu động một chút là chỉ trích người khác, sẽ rất dễ khiến họ mất hứng với công việc, nỗ lực vì vậy mà cũng giảm đi.
Khen ngợi người khác khiến họ tự tin, sau đó mới gợi ra những điều thiếu sót, và luôn luôn thiện tâm chỉ ra phương hướng giải quyết nếu có thể. Đây mới là cách giải quyết hiệu quả.
Một người có sai sót, nếu trực tiếp chỉ trích sai sót của họ là cách làm thô bạo nhất, rất dễ phản tác dụng, chi bằng dùng lời ôn hoà khích lệ, dẫn dụ, khuyến thiện. Vừa có thể duy hộ tình bạn, mà còn đạt được hiệu quả tốt hơn, cớ chi không vui vẻ mà làm?
Đạo lý thứ hai: Hạ mình
“Xử bằng hữu, vụ tương hạ đắc ích, tương thượng tắc tổn”, ý nói rằng bạn bè chung sống với nhau, hạ mình khiêm tốn, nhường nhịn nhau thì sẽ thọ ích, so sánh đố kỵ đòi ở trên nhau thì chỉ có thể tổn hại lẫn nhau.
Một người dù giàu hay nghèo, đắc ý hay thất thế, đều cần khiêm tốn đãi người. Khiêm tốn là phép lịch sự. Người có lễ nghĩa sẽ không bị người khác trách tội. Người quân tử khiêm nhường, ôn nhu như ngọc.
Khiêm tốn là một cảnh giới. Nước sâu thì chảy chậm, người thực sự nắm rõ đại cục, có nhân cách lớn ngược lại thường đơn giản, khiêm tốn. Bởi vì họ biết răng giữa núi cao biển rộng nơi thế gian, bản thân mình kỳ thực rất nhỏ bé.
Khiêm tốn thể hiện sự tôn trọng với người khác. Khi đối đãi với vạn sự vạn vật bằng một tâm kính sợ, con người sẽ không phóng túng, cao ngạo, sẽ không tự cho mình là đúng. Bạn đối xử với người khác như thế nào, thì người khác cũng sẽ đối xử với bạn như vậy. Khiêm tốn đối đãi với người khác, mới có thể giữ được tình cảm bền lâu.
Đạo lý thứ ba: Chân thành
Vương Dương Minh nói: “Lương tri là một thiên lý, là thứ tự nhiên hiển hiện trong giác quan, là một sự chân thành, khẩn thiết, đây chính là bản thể của lương tri. Cho nên chân thành khẩn thiết phụng dưỡng song thân chính là hiếu, chân thành khẩn thiết kính yêu huynh trưởng là đễ, chân thành khẩn thiết phù trợ bậc quân chủ là trung.”
Tằng Tử nói rằng: “Một ngày ta phản tỉnh bản thân ba lần, tự vấn xem mình hành sự có trung thành với người không? Kết giao bạn bè có giữ chữ tín không?”
Con người hàng ngày đều cần suy xét lại nội tâm mình xem làm việc cho người khác liệu đã tận tâm tận lực hay chưa, chung sống với bè bạn liệu đã thủ tín, giữ lời hay chưa.
Thành tín là cơ sở trong giao tiếp giữa người với người, mất đi sự thành tín cũng như mất đi sự tín nhiệm và ôn hoà giữa bạn bè.
Trong cuộc sống thường ngày, mọi người đều tín nhiệm người chân thành. Những người thích giở trò khôn vặt có thể thắng được nhất thời, nhưng vĩnh viễn không thể khiến người khác yên tâm. Đối đãi chân thành thì nhận lại sự chân thành, dụng tâm thì sẽ được người khác yêu mến.
Đạo lý thứ tư: Không giận
Có câu: “Nộ sở bất đương nộ, thị nộ quỷ mê”, ý nói rằng khi không nên tức giận mà lại tức giận, thì như bị quỷ mê hoặc vậy. Có giận cũng không nên khiến nó bột phát ra ngoài, có thể kìm giữ nó cho đến khi qua đi, đó chính là làm được điểm cơ bản nhất.
Trong “Luận Ngữ” Khổng Tử từng khen ngợi Nhan Hồi rằng: “Bất thiên nộ, bất nhị quá”, tức là không giận lây sang người khác, không mắc sai sót lần thứ hai.
Chúng ta thường dễ để cơn giận bột phát với những người thân cận với mình. Trong công tác, hay chuyện học hành nếu trong lòng không vui hay oán giận trong tâm, con người thường tìm một cái cớ, trút giận lên bạn bè, và người thân.
Trút giận lên người thân cận là bản năng, nhưng kiềm chế cảm xúc của bản thân mới là người có tu dưỡng. Những gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Cảm xúc tiêu cực sẽ truyền đi chứ không tự biến mất. Nếu không thể kiềm chế bản thân, sẽ rất dễ tạo nên vòng tuần hoàn ác tính, tạo ra những điều không đáng có trong cuộc sống của mình.
Lấy tâm trách người mà trách mình, dùng tâm khoan thứ cho mình mà khoan dung cho người. Khi trong tâm muốn xả giận, chi bằng hãy suy xét nhiều hơn từ góc độ của người khác, lắng nghe vài ca khúc, vận động nhiều hơn, khiến cảm xúc tiêu cực trong lòng mình tiêu biến.
Tuệ An