Ba câu chuyện dưới đây sẽ là những bài học ý nghĩa dành cho bạn, giúp bạn có thêm động lực và niềm tin để tiến về phía trước bất chấp mọi khó khăn, thử thách mà bạn gặp phải trên đường đời.
Cậu bé và những cây đinh
Một cậu bé tính tình rất nóng nảy và cộc cằn. Một hôm, cha cậu đưa cho cậu một túi đinh và dặn rằng mỗi khi cậu nổi nóng hay nặng lời với ai, hãy đóng một cái đinh vào hàng rào gỗ phía sau vườn và suy nghĩ về việc mình đã làm.
Sau ngày đầu tiên, cậu bé đã đóng mười bảy chiếc đinh vào hàng rào. Những ngày sau, khi cố gắng kiềm chế cơn giận của mình thì số đinh cậu đóng lên tường rào ngày một giảm. Và cậu nhận ra rằng việc giữ bình tĩnh có lúc dễ hơn là việc đóng những chiếc đinh.
Cho đến một ngày, khi không cần phải dùng đến chiếc đinh nào thì cậu bé tin là mình đã thay đổi và không còn nóng nảy như trước nữa. Cậu kể với cha về điều này và người cha đưa ra một đề nghị: “mỗi ngày con giữ được bình tĩnh, con hãy nhổ một chiếc đinh đã đóng trên hàng rào”.
Nhiều ngày trôi qua, cuối cùng, cậu bé vui mừng thông báo với cha rằng tất cả những chiếc đinh đều đã được nhổ. Người cha dẫn cậu đến hàng rào và nói: “Con đã làm rất tốt, con trai ạ! Nhưng con hãy nhìn vào những cái lỗ trên hàng rào, hàng rào sẽ chẳng bao giờ còn nguyên vẹn như xưa nữa”.
Người cha tiếp tục nói: “Những điều con thốt ra trong lúc giận dữ sẽ để lại trong lòng người khác những vết thương, giống như những vết đinh này. Cho dù con có nói lời xin lỗi bao nhiêu lần thì vết thương vẫn còn đó. Vết thương tâm hồn rất khó hàn gắn và chỉ có thể lành được khi có tình thương yêu chân thành và thực sự”.
Bài học rút ra: Trong cuộc sống, nếu bạn có “lỡ” làm ai khác tổn thương, cho dù bạn đã làm mọi cách để hàn gắn, cho dù vết thương đó đã lành, chỗ da đó cũng đã có sẹo, không bao giờ trở về bình thường được nữa. Chính vì vậy sau mỗi lần nóng nảy, chúng ta nên học cách kìm chế bản thân để tránh không phạm sai lầm nữa.
Nắm muối và nguồn gốc của sự đau khổ
Có một vị Thiền sư tuổi đã cao sống cùng một người đồ đệ lúc nào cũng than phiền về cuộc sống. Vào một buổi sáng, vị Thiền sư sai đồ đệ của mình đi lấy muối. Khi cậu mang muối về một cách miễn cưỡng, Người bảo tiếp cậu hãy đổ muối vào cốc nước và uống cạn, rồi nói mùi vị của nó thế nào.
Người đồ đệ làm theo và thốt lên, nhăn mặt: “Thật sự rất mặn chát!”
Thiền sư mỉm cười rồi bảo cậu hãy mang một nắm muối đi theo mình. Khi đến bên một hồ nước, ông bảo cậu hãy đổ muối vào hồ nước và nói: “Bây giờ con nếm thử xem, và cho ta biết vị của nước trong hồ như thế nào.”
Đồ đệ làm theo, lần này cậu đáp: “Thưa thầy, nước mát và ngọt lắm!” Thiền sư hỏi tiếp: “Con có thấy nước mặn không?” Đồ đệ lắc đầu: “Dạ không ạ!”
Vị Thiền sư ôn tồn giải thích: “Đồ đệ của ta, đau khổ trong cuộc đời cũng giống như nắm muối này, chỉ có một lượng nhất định mà thôi. Không nhiều hơn, cũng không ít đi. Và sức chứa của lòng ta sẽ quyết định mức độ đau khổ.
Thế nên, nếu con cảm thấy đau khổ, hãy mở rộng tấm lòng như một hồ nước, con sẽ thấy nhẹ nhõm. Bằng không, nếu nhỏ bé như một cốc nước, con sẽ chỉ thấy khổ đau”.
Bài học rút ra: Mỗi chúng ta sinh ra dù giàu hay nghèo, tất thảy đều phải nếm trải đắng cay trong cuộc đời. Muốn hết khổ, đừng cố than thân trách phận, mà hãy học cách chấp nhận, khoan dung và tha thứ. Mở rộng tấm lòng, sẽ bình an tự tại.
Con lừa già rơi xuống đáy giếng
Một ngày nọ, con lừa của một ông chủ trang trại bị sảy chân rơi xuống một cái giếng. Lừa kêu la tội nghiệp hàng giờ liền. Người chủ trang trại cố nghĩ xem nên làm gì. Cuối cùng ông quyết định: Con lừa đã già, dù sao thì cái giếng cũng cần được lấp lại và không ích lợi gì khi phải huy động công sức để cứu con lừa lên cả.
Người nông dân kêu gọi hàng xóm của ông đến và giúp một tay lấp giếng. Họ cầm xẻng và bắt đầu xúc đất đổ xuống giếng. Ban đầu, con lừa biết chuyện gì xảy ra và nó bắt đầu khóc vì tuyệt vọng. Nhưng sau đó mọi người ngạc nhiên vì lừa bỗng trở nên im lặng.
Một lúc sau, người nông dân nhìn xuống giếng và ông ta không khỏi ngạc nhiên vì những gì đã xảy ra trước mắt. Với mỗi xẻng đất mà người ta hất xuống giếng, con lừa đã làm một việc thông minh, nó lay người để giũ cho đất và bùn rơi xuống chân và tiếp tục bước lên.
Với mỗi xúc đất của người nông dân hất xuống, con lừa lại rung mình và bước một bước lên trên đống đất. Chỉ sau một lúc, mọi người đều kinh ngạc vì con lừa đã lên được miệng giếng và vui vẻ thoát ra ngoài.
Bài học rút ra: Cuộc sống có thể hất bùn đất lên bạn, làm bạn bị vấy bẩn, thậm chí muốn chôn vùi bạn. Nhưng cách duy nhất để bước ra khỏi cái giếng của tuyệt vọng đó là hãy rũ bỏ khó khăn và tiếp tục bước lên. Chúng ta chỉ có thể thoát khỏi vực thẳm bằng cách bước về phía trước và không bao giờ từ bỏ.
Nguồn: Dusheng
Huy Hiếu