Nguồn ảnh: Tinhhoa

Cảm Ngộ Nhân Sinh

Buông bỏ bao nhiêu, hạnh phúc bấy nhiêu

By Lan Hòa

August 04, 2021

Chấp ngã là nguồn gốc sâu xa của mọi phiền não, khổ đau. Trên đời này, luôn tồn tại luật nhân quả, gieo gió ắt gặt bão, gieo nhân lành ắt hái quả ngọt. Khi bạn sẵn sàng buông bỏ những suy nghĩ vị tư, ích kỷ, biết cách cho đi, thì bạn sẽ nhận lại cho mình nhiều hơn thế.

Khi ta cho đi một thứ gì đó, hoặc một điều gì đó, là đã thắng được lòng ích kỷ, nghĩ đến người khác. Càng đem đến niềm an vui, hạnh phúc cho nhiều người thì bản thân càng được hạnh phúc.

Khi biết cho đi, tâm từ bi trong ta sẽ được lớn mạnh thêm, ta sẽ được phước báo thiện lành, đặc biệt được nhiều người yêu thương, quý mến. Chính bản thân ta tự cảm thấy nhẹ nhàng, an lạc và hạnh phúc.

Từ nhỏ đến lớn, chúng ta thường được giáo dục rằng, phải cố gắng và phấn đấu không ngừng, nên phải kiên trì như thế nào, sống phải nghĩ đến bản thân trước nhất, rồi thì vĩnh viễn không được buông bỏ ra sao… Kỳ thực, có rất nhiều thời điểm trong cuộc đời, điều mà chúng ta cần học nhất lại chính là “buông bỏ”.

Chấp nhất là nguồn gốc sâu xa của mọi phiền não, khổ đau

Có một câu chuyện như thế này: Có một ông lão tham tiền tham của, ngồi trên thuyền qua sông với một túi vàng lớn trên lưng. Không ngờ khi thuyền ra đến giữa sông thì có gió lớn bất ngờ thổi tới, thấy thuyền sắp bị sóng gió lật đổ, người chèo thuyền hô lớn khuyên ông: “Ông hãy mau vứt túi vàng trong tay đi! ”

Nếu được vứt bỏ kịp thời, thân thuyền sẽ trở nên nhẹ hơn và vẫn còn một tia hy vọng sống sót, tuy nhiên, dù người chèo thuyền có lớn giọng khuyên nhủ thế nào thì người ông cũng không buông số vàng trong tay. Cuối cùng, con tàu bị chìm, và người đàn ông đã mất mạnh chỉ vì một túi vàng.

Thoạt đầu, khi đọc xong câu chuyện này thì không ít người cảm thấy khó hiểu, trên đời làm sao lại có người ngốc nghếch như vậy?

Nhưng đợi đến khi chúng ta trưởng thành, chúng ta mới chợt tỉnh ngộ, lúc đầu chúng ta đã cười nhạo ông lão trong câu chuyện, và sau này chúng ta trở thành người trong câu chuyện đó: Bước ra xã hội, bị cuốn vào vòng xoáy danh lợi, theo đuổi sự giàu có và hào nhoáng, trở thành nô lệ của vật chất, chỉ vì chút lợi ích nhỏ nhoi mà mệt nhoài tranh đấu, ăn không ngon, ngủ không yên. Khi trầm tĩnh quay đầu nhìn lại và nhận ra, bản thân đã đánh mất những điều quý giá hơn.

Buông bỏ không phải là từ bỏ, mà là để giảm bớt gánh nặng cho cuộc sống

Khi Đào Uyên Minh còn trẻ, gia cảnh trong nhà nghèo túng và khốn khó, và ông có rất nhiều tham vọng và chí hướng. Vì lý do này, ông đã phiêu dạt ở Quan Hải hàng chục năm.

Tuy nhiên, thời thế hỗn loạn, quan trường hủ bại, tận mắt chứng kiến những tranh đoạt đấu đá, người với người lừa dối lẫn nhau, Đào Uyên Minh đã nhất tâm rời xa nơi thế tục hỗn loạn, trở về với tự nhiên.

Trong suốt quãng đời còn lại của mình, Đào Uyên Minh say mê phong cảnh và thơ ca, và sống một cuộc sống thoải mái bên đồng ruộng, rượu nồng.

Đào Uyên Minh đã từ bỏ danh vọng và những tranh đấu ngược xuôi, đổi lại là những ngày tháng yên bình và tốt đẹp bên thơ ca, mục đồng.

Có lúc, buông bỏ không phải là từ bỏ, mà là để giảm bớt gánh nặng cho cuộc sống. Chỉ khi bạn dám trút bỏ gánh nặng đè trên vai, nhẹ nhàng, thản đãng tiến về phía trước, bạn mới có thể thấy được một cảnh sắc khác của cuộc sống.

Không cần đeo nhiều mặt nạ, hãy là chính mình

Một người đàn ông thành đạt đến thỉnh giáo một vị giáo sư thâm niên, anh ta nói rằng mặc dù bản thân nổi tiếng và thành công, nhưng luôn cảm thấy mệt mỏi, không tìm thấy được sự thanh thản, bình an trong tâm hồn.

Vị giáo sư hỏi: “Mỗi ngày anh bận làm gì?”

Người đàn ông đó trả lời: “Hàng ngày tôi bận rộn với nhiều hoạt động xã hội, có lúc tham gia tiệc tùng buổi tối, đôi khi là phát biểu tọa đàm, tôi phải đối mặt, giao tiếp với đủ loại người. Tôi thực sự cảm thấy không biết phải làm thế nào, thực sự là mệt mỏi và kiệt sức. ”

Sau khi nghe xong, vị giáo sư im lặng rồi sau đó đưa anh ta vào phòng gửi đồ, bảo anh ta mặc hết số quần áo lên người và nói: “Sau khi anh mặc tất cả số quần áo này vào, mọi phiền phức và khổ não của anh sẽ được giải quyết.”

Người đàn ông kiên quyết từ chối, và nói: “Tôi mặc đủ quần áo rồi. Mặc thêm quần áo cũng vô dụng, huống chi trên người mặc nhiều quần áo như vậy, khi đi lại trông sẽ không cồng kềnh hơn sao?”

Giáo sư nói: “Anh đã biết đạo lý này rồi, tại sao lại tự mình đeo nhiều “xiềng xích” vào người mình? Anh không phải là một nhà giao tiếp hay một nhà hùng biện, tại sao bạn phải đóng quá nhiều vai trò và khiến bản thân bị choáng ngợp?

Con người sống ở đời, chấp nhất vì danh lợi, khổ não vì dục vọng, lao tâm khổ tứ chỉ vì những vinh hư, phù phiếm. Cả một đời người tranh đấu hơn thua, sau tất cả, vẫn phải gạt bỏ những hào nhoáng vô thường, và tìm kiếm sự bình yên trong tâm hồn.

Hạnh phúc trong đời, hoàn toàn không bao giờ phụ thuộc vào việc bạn có bao nhiêu, mà phụ thuộc vào việc bạn buông bỏ, dám cho đi bao nhiêu.

 

Nguồn: Secretchina

Lan Hòa