Nguồn ảnh: Internet

Kinh Nghiệm Hay

Cách đuổi kiến, côn trùng ra khỏi tai

By Đăng Dũng

May 18, 2021

Côn trùng chui vào tai là một sự cố không ít người mắc phải. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách xử lý đúng. Dưới đây là một số mẹo để đuổi côn trùng ra mời các bạn độc giả tham khảo

1. Triệu chứng thường gặp để nhận biết côn trùng chui vào tai

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), triệu chứng thường gặp sau khị bị kiến hoặc côn trùng chui vào tai là đột ngột đau dữ dội một bên tai (trước đó không có bệnh gì liên quan đến tai). Có thể có những cơn đau dữ dội xen kẽ với khoảng thời gian âm ỉ.

Nguyên nhân là do côn trùng chích đốt hoặc chân của côn trùng có gai ngạnh đâm vào tai. Nhiều người cảm giác như có con gì bò trong tai, ngứa ngáy, rất khó chịu.

2. Hậu quả của việc côn trùng chui vào tai

Nếu chẳng may bị côn trùng chui vào tai, bạn có thể phải đối mặt với tình trạng tai chảy nước, thậm chí chảy máu do côn trùng gây trầy xước, rách màng nhĩ.

Việc vô tình khiến côn trùng chui vào tai không được sơ cứu kịp thời có thể dẫn đến những bệnh về tai không mong muốn như viêm tai, cảm giác nhức buốt khó chịu, một số loài còn hút máu, tấn công làm thủng màng nhĩ, và có thể dẫn đến nguy cơ mất thính lực.

3. Các cách xử lý côn trùng chui vào tai

Rất nhiều người hay bị côn trùng chiu vào tai. Nguồn ảnh: kenh14.vn

Sử dụng dầu ôliu hoặc dầu khoáng

Khi kiến, côn trùng chui vào tai, lấy chai dầu ôliu hoặc chai dầu em bé (dầu khoáng) hay dùng để mát xa cho em bé, rồi nghiêng đầu về bên ngược lại, để bên lỗ tai có con côn trùng hướng lên trên. Sau đó đổ một ít dầu vào lỗ tai có côn trùng làm côn trùng sẽ ngạt thở.

Côn trùng sau khi bị ngạt thở sẽ nổi lên và ra khỏi lỗ tai theo dầu. Khi nó ra được rồi, bạn nghiêng đầu về bên lỗ tai vừa có côn trùng đi ra, để cho dầu ra hết và không cần rửa dầu trong ống tai.

Sử dụng rượu, hoặc oxi già

Thấm rượu hoặc oxi già vào 1 miếng bông nhỏ. Để miếng bông bên ngoài tai và nhẹ nhàng nhỏ 1 vài giọt vào trong vùng kiến, côn trùng chui vào tai. Điều này sẽ khiến khu vực quanh tai được vệ sinh và côn trùng bò ra ngoài.

Sử dụng ánh sáng 

Biện pháp chiếu đèn sáng vào tai có thể áp dụng trong trường hợp kiến, côn trùng chui vào tai vì đa số côn trùng gặp ánh sáng sẽ hướng sáng, tự động bò ra ngoài.

Có thể lấy đèn chiếu vào tai hoặc thắp ngọn nến trước lỗ tai và theo ánh sáng đó, côn trùng sẽ chui ra khỏi tai nếu còn sống.

Khi thực hiện những thao tác trên chúng ta cần lưu ý:

Nếu côn trùng ở sâu bên trong, không nên cố lấy côn trùng ra, bởi vì càng cố lấy sẽ làm cho côn trùng chui sâu vào trong tai gây tổn thương màng nhĩ, hoặc sẽ làm chúng nát ra, dẫn đến nhiễm trùng tai.

Nếu đã áp dụng những cách sơ cứu trên mà vẫn không lấy được côn trùng ra thì đưa bệnh nhân đến bệnh viện khoa tai mũi họng để được xử lý kịp thời, tránh những tổn thương nặng nề cho tai.

 

Thiên Hà biên tập

Nguồn: dienmayxanh.com