Cơm nắm Phú Thọ. Nguồn ảnh: travelmag.vn

Kinh Nghiệm Hay

Cách làm món cơm nắm lá cọ Phú Thọ

By Đăng Dũng

May 27, 2021

“Dù ai đi ngược về xuôi

Cơm nắm lá cọ là người Phù Ninh”

Phú Thọ là vùng đất có rất nhiều cây cọ. Chính bởi vậy, nhiều món ăn được bà con chế biến từ nguyên liệu chính khai thác từ cây cọ. Món cơm nắm lá cọ Phú Thọ là món ăn rất nổi tiếng được rất nhiều người biết đến Với người Phú Thọ, cơm nắm được bà con gói trong lá cọ chặt ở vườn nhà, đồi nhà; chứa đựng tất cả nét văn hóa, cả phong tục tập quán của miền đất cọ này. Nguyên liệu quan trọng để làm món này gồm có cơm và lá cọ. Cơm muốn ngon thì phải dùng gạo đầu mùa vừa được thu hoạch thì cơm mới dẻo. Ngoài ra, để có được mẻ cơm trắng, những nắm cơm vừa dẻo, ăn ngọt và thơm, người dân huyện Phù Ninh còn có bí quyết trong việc chế nước nấu cơm. Lượng nước nấu phải nhiều hơn so với nấu cơm ăn hằng ngày, đặc biệt phải dùng nước mưa đựng trong những chiếc bể cũ ngoài trời mới ngon. Còn lá cọ thì phải lấy những tàu lá cọ vẫn còn bánh tẻ. Đó là những tàu lá cọ chưa xòe hết tán, xanh mướt. Tiếp đó, lá cọ đem về được rửa sạch sẽ, hơ qua lửa cho mềm, rồi lại lau khô cho sạch.

Lá cọ phải dùng lá cọ non, màu còn tươi. Nguồn ảnh: travelmag.vn

Trước khi nắm phải dùng khăn mặt ướt hoặc tay nhúng nước lạnh nắm tròn lại, lăn kỹ nắm cơm cho thật nhuyễn đến khi nào hạt cơm không còn nguyên vẹn và dính quyện vào nhau thành một khối. Chia phần cơm thành những phần vừa ăn, rồi cho vào lá cọ, buộc túm một đầu lại, lăn qua lăn lại cho thật chặt, cho cơm chắc và bám vào lá. Những nắm cơm đem để nguội dùng dần.

 

Cơm nấu cơm nắm phải dẻo thì khi ăn mới ngon. Nguồn ảnh: travelmag

Bóc lá cọ ra, những nắm cơm trắng mịn, chắc lẳn, in những viền sọc đều, đẹp mắt từ gân lá cọ hằn lên. Bóc đến đâu, mùi gạo, mùi lá quện vào nhau, thoang thoảng, thơm lừng mùi gạo mới, quện trong mùi lá ngai ngái mà hấp dẫn, mà say mê. Cắt miếng cơm trắng, chấm với muối vừng hoặc thịt lợn rang khô, miếng ngon đượm vào mọi giác quan, gợi cho người ăn những cảm xúc giản dị nhất, mà ấm áp nhất về tình người, tình quê.

Nén chặt phần cơm vào gói lá cọ. Nguồn ảnh: travelmag.vn

Theo đó, tháng 11 – 12 âm lịch là mùa cọ chín, người dân lại bắt tay chế biến món ăn lâu đời đã trở nên thân thuộc với vùng quê nơi đây.

Cơm nắm lá cọ ăn cùng muối vừng là ngon nhất. Nguồn ảnh: travelmag

Thiên Hà biên tập

Nguồn: travelmag