Ảnh: chụp màn hình Youtube

Đời Sống

Cái kết của người vợ đợi chồng 18 năm trong hang đá cô đơn, lạnh lẽo

By Đăng Dũng

August 12, 2021

Phật gia cho rằng nhân duyên vợ chồng là do duyên nợ từ kiếp trước, “tu trăm năm mới được ngồi chung thuyền, tu ngàn năm mới nên duyên vợ chồng” không có một cặp đôi nào vô duyên vô cớ mà kết hợp.

Hôn nhân là điều thiêng liêng, trong lễ kết hôn các cặp đôi thề nguyện với nhau: “Khi khỏe mạnh cũng như khi ốm đau, khi giàu có cũng như khi nghèo khổ, thề sẽ quan tâm chăm sóc nhau, nguyện không chia lìa”. Cuộc sống vợ chồng bất quá cũng chỉ trăm năm, hết tình còn ân sâu nghĩa nặng “một ngày chồng vợ, ân nghĩa trăm năm”.

Chữ “Ân” ngoài việc yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, theo quan điểm của Phật gia còn có một tầng ý nghĩa sâu xa đó là có những người vì tiền kiếp nhận ân huệ của người khác, kiếp này nguyện kết đôi để báo ân, nên giữa vợ và chồng đôi khi chính là sự cảm kích ân nghĩa. “Nghĩa” chính là thể hiện ở trách nhiệm sống giữa hai người, không vì những khó khăn vất vả, không vì những vui thú bên ngoài mà buông tay nhau.

Có một câu chuyện có thật về một người vợ vị tha và kiên trung đã dành tình yêu vững chắc cho chồng mình, được lưu truyền trong suốt chiều dài lịch sử Trung Hoa.

Có một hang động nổi tiếng tên là Cổ Hàn Diêu ở ngoại ô Tây An ngày nay, nằm gần Đại Nhạn Tháp. Nơi đây có một người phụ nữ họ Vương đã ở và đợi chồng trở về suốt 18 năm. Cô là một người phụ nữ thông minh, xinh đẹp và là một ái nữ của một gia đình giàu có. Cha mẹ cô muốn cô kết hôn với một người đàn ông giàu có, nhưng cô lại yêu một người đàn ông nghèo tên là Tiết Nhân Quý.

Tiết Nhân Quý mặc dù là dòng dõi của một cựu tướng quân, nhưng anh đã sống cuộc sống của một nông dân nghèo kể từ khi cha anh qua đời lúc anh còn nhỏ. Thân phận anh tuy thấp nhưng giỏi võ công và thông thạo kinh điển, cô đã bị thu hút bởi sự tử tế và lòng tốt của anh đối với người khác. Tiết Nhân Quý cũng có tình cảm với cô, nhưng nhụt chí khi biết địa vị của cô.

Thời đó có một nghi thức truyền thống, đó là người phụ nữ ném một quả cầu thêu và sẽ kết hôn với người nhận được nó, những người đàn ông trẻ tuổi và có địa vị cao trong vùng đều tụ tập đến để tham gia buổi tung cầu của cô. Cha mẹ cô rất mong chờ ai sẽ nhận được quả cầu. Nhưng cô đã ném quả cầu về phía người mà trái tim cô đã quyết định Tiết Nhân Quý. Cha cô rất tức giận và phản đối, nhưng ý chí của cô vẫn kiên định dù bị phản đối.

Cô vứt bỏ mọi thứ giàu sang và chọn lấy Tiết Nhân Quý làm chồng, sau đó cùng chồng sống một cuộc sống đơn giản trong một hang động trên núi. Cô nhận thấy chồng cô có nhiều tài năng nên khuyên chồng đi thi khoa cử. Lúc đầu chồng cô không muốn để cô một mình, nhưng sau đó anh đã làm theo lời khuyên của vợ mình vì cô quả quyết rằng cô ổn. Kể từ đó cô sống cuộc sống cô đơn và nghèo khó một mình trong hang động hoang vắng.

Thỉnh thoảng cô mới được nghe tin về chồng, cô đã chịu đựng nhiều mùa đông khắc nghiệt chờ ngày chồng trở về. Mẹ cô lo lắng cho cô, nhiều lần lén cho cô tiền, đồ ăn và thuyết phục cô về nhà, nhưng cô đều từ chối.

Vào một ngày mùa đông tuyết rơi khắc nghiệt năm thứ 18, người chồng trở về và cả hai cuối cùng cũng được đoàn tụ. Tài năng của anh đã được trọng dụng và anh đã trở thành một vị tướng quan trọng phục vụ cho hai vị hoàng đế. Sự hy sinh của cô không phải là vô ích.

Tấm lòng trung trinh với chồng của cô cùng với những mỹ đức của một người phụ nữ truyền thống đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác và được nhiều người ca tụng.

Cuộc sống hiện đại ngày nay, việc ly hôn là điều bình thường. Có những cặp đôi đến và chia tay một cách chóng vánh. Người xưa dạy rằng: “Phu thê tương kính như tân” là vợ chồng nên đối đãi với nhau như khách quý, yêu thương kính trọng lẫn nhau, cùng nhau bàn bạc công việc, làm tròn trách nhiệm bổn phận của mình, không làm những việc trái với luân lý đạo thường, cùng nhau vun đắp gia đình thuận hòa, có khó khăn sóng gió cùng nắm tay nhau vượt qua, như thế sẽ có thể cùng nhau bước đi cho đến khi đầu bạc răng long.

Nguồn: epochtimes.jp Mộc Hương biên dịch