Người xưa có câu: Bần hàn sinh đạo tặc. Khi con người rơi vào hoàn cảnh nghèo đói thì rất khó để có thể giữ được phẩm hạnh của mình. Tuy nhiên cậu bé nghèo dưới đây đã làm một hành động khiến người giàu phải thay đổi cách nhìn của mình về tầng lớp hạ lưu và thấy rằng trong xã hội này vẫn còn có những con người vẫn giữ được bản tính lương thiện của mình.
Khi nhà từ thiện người Mỹ Kenneth Behring đi qua khu vực Vịnh San Francisco vào những năm 1990, ông đột nhiên nhận ra chiếc ví của mình đã mất. Người trợ lý của ông lo lắng nói: “Có lẽ ông đã đánh mất nó trong buổi sáng đi qua khu ổ chuột ở Berkeley. Bây giờ chúng ta có thể làm được gì đây?”.
Behring trả lời: “Chúng ta chỉ có thể đợi người nhặt được ví liên hệ với chúng ta thôi”.
Hai giờ sau, người trợ lý nói với Behring trong nỗi thất vọng: “Chà, chúng ta đừng lãng phí thời gian chờ đợi những kẻ sống trong khu ổ chuột trả lại ví nữa. Chúng ta không nên hi vọng quá nhiều vào những người này”.
Nhưng Behring vẫn bình tĩnh nói: “Không, tôi vẫn muốn chờ xem sao”.
Người trợ lý phân tích: “Người nhặt được ví của ngài có thể dễ dàng gọi cho chúng ta vì ngài đã để danh thiếp trong ví. Chúng ta đã đợi cả buổi chiều rồi. Có vẻ như người nhặt được không có ý định trả lại cho ngài đâu”.
Dù vậy, Behring vẫn kiên quyết chờ thêm. Buổi tối hôm ấy, điện thoại của ông bất ngờ đổ chuông. Người gọi nói ông đến đường Kata để nhận lại ví.
Trợ lý của Behring lẩm bẩm: “Liệu đây có phải là một cái bẫy? Có lẽ họ đang muốn đe doạ hoặc tống tiền chúng ta?”.
Tuy nhiên, Behring đã phớt lờ những nghi hoặc của người trợ lý và nhanh chóng lái xe đến phố Kata. Khi họ đến nơi, một cậu bé đi về phía họ, trên tay cầm chiếc ví bị mất của Behring. Nhanh chóng, người trợ lý giật lấy chiếc ví và đếm số tiền bên trong. Anh ngạc nhiên khi trong ví không thiếu một đồng.
Lúc này, cậu bé rụt rè nói: “Thưa ông, tôi có thể xin ông một ít tiền không?”.
Nghe thấy vậy, người trợ lý bật cười và nói: “Thấy chưa, tôi biết mà…”. Trước khi anh ta nói hết câu, Behring đã ngắt lời và mỉm cười hỏi cậu bé: “Cháu cần bao nhiêu?”.
“Chỉ 1 đô la thôi” – cậu bé đáp. “Cháu đã mất nhiều thời gian để tìm chiếc điện thoại công cộng, nhưng khi tìm thấy, cháu lại không có tiền để gọi. Cháu đã đi vay 1 đô la từ một chủ cửa hàng và bây giờ cháu cần trả lại cho ông ấy”.
Sau khi nghe cậu bé giải thích, người trợ lý của Behring đã vô cùng xấu hổ. Còn ông Behring thì xúc động đến mức ôm cậu vào lòng.
Câu chuyện ngày hôm đó đã khiến nhà từ thiện Behring thay đổi kế hoạch thiện nguyện của mình. Ông chuyển sang ủng hộ tiền cho một số trường học ở Berkeley và mục đích của những ngôi trường này là dạy dỗ những đứa trẻ đang sống trong khu ổ chuột.
Trong buổi lễ khánh thành một ngôi trường, ông Behring đã phát biểu: “Chúng ta không được cho rằng tất cả những người ngoài kia đều tham lam, ích kỷ. Chúng ta cần cho họ cơ hội để chứng minh rằng họ có trái tim trong sáng và nhân hậu.
Nguồn vietnamnet Quang Minh