Nguồn ảnh: Internet

Làm Cha Mẹ

Câu chuyện căn bếp: Lối tư duy “tôi không muốn con khổ như mình” có thật sự đúng đắn?

By Đăng Dũng

April 26, 2021

Ai cũng phải trải qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc đời. Tuy nhiên nhiều bố mẹ hiện đại lại luôn mong muốn giúp con cái mình tránh khó khăn, tránh khổ đau bằng mọi cách. Lối tư duy “tôi không muốn con cái khổ như mình” liệu có mang lại một kết quả giáo dục như ý?

Một gia đình mơ ước, một người mẹ đảm đang

Câu chuyện xảy ra trong gia đình có hai chị em gái. Bố mẹ của hai cô gái đều là những người có khả năng kiếm tiền đáng nể và dành được sự yêu mến của rất nhiều người. Người mẹ sinh được hai cô con gái vừa xinh đẹp lại giỏi giang. Cô chị có trí thông minh của con trai, nhớ đường, làm toán giỏi và vô cùng tự lập. Cô em lại mang dáng vẻ của một tiểu thư khuê các và tài năng của một họa sĩ.

Trong gia đình này, người cha để mẹ hoàn toàn quyết định cách dạy con. Thế là người mẹ ra sức chăm lo cho hai công chúa nhỏ. Khi còn bé, các em được mẹ chiều, muốn gì cũng có. Giờ lớn lên, mẹ vẫn yêu chiều, các em muốn làm gì, học gì cũng được mẹ đầu tư: Từ học đàn, học trang điểm hay học vẽ, thậm chí chị có thể bỏ tiền cho con làm những tiểu phẫu thẩm mỹ để trở nên xinh đẹp hơn theo mong muốn của chúng. Khi gặp gỡ gia đình, bạn bè chị đều kể về thành tích của hai cô, với ánh mắt lấp lánh sự tự hào.

Câu chuyện của một căn bếp buồn

Câu chuyện không có gì đáng nói cho đến khi người mẹ cảm thấy xa lạ trong chính ngôi nhà của mình, một ngôi biệt thự to lớn đầy tiện nghi. Mỗi người trong nhà chị có một phòng riêng. Mọi người chỉ gặp nhau giờ cơm tối. Dường như ai cũng có thế giới của riêng mình.

Căn bếp được coi là nơi người ta có thể nhìn qua để biết gia đình đó sống ra sao, có nề nếp, có hạnh phúc không. Nhưng nhìn vào căn bếp của ngôi nhà chục tỉ ấy, khách đến chơi hẳn cũng có chút buồn.

Tuy được trang bị toàn những đồ đắt tiền, nhưng căn bếp nhà chị lại thiếu một sự gọn gàng ngăn nắp. Mỗi đồ vật được để một nơi, mỗi góc lại có một chút đồ. Bàn bếp ngổn ngang cốc chén, đồ ăn còn, hoa quả, đồ ăn vặt.  Đôi khi rác chưa đổ còn bốc mùi lên căn bếp.

Điều gì đang xảy ra trong ngôi nhà ấy? Có thể người mẹ bận rộn kiếm tiền bên ngoài, nhưng ngôi nhà còn hai cô con gái giờ đã tuổi thiếu nữ, cấp ba, đại học, vậy mà không thể khiến căn bếp tiện nghi trở nên gọn gàng, ngăn nắp?

Buồn nhất, đó là cảnh tượng đến giờ cơm, tiếng chị gọi các con xuống ăn vang khắp nhà. Đi làm về mệt, chị và anh vẫn loay hoay trong bếp nấu cơm, hai con gái chỉ xuất hiện khi cơm canh đã đầy đủ trên bàn. Ăn xong, viêc bố là người dọn dẹp bàn ăn, bỏ bát đũa vào máy rửa bát là chuyện rất đỗi bình thường.

Quay lại câu hỏi với giáo dục, người mẹ đã chọn đầu tư vào học hành và sắc đẹp để giúp con hoàn thiện ngoại hình và tài năng cá nhân. Nhưng liệu điều đó có đủ để hai cô gái trẻ vững vàng trong cuộc sống sau này, khi các em lập gia đình, trở thành người vợ rồi người mẹ?

Khi còn ở nhà mình, hai cô gái không có nguyện ý góp sức vào vun vén gia đình bằng những hành động nhỏ như nấu cơm, rửa bát, dọn dẹp, thì sau này khi có gia đình riêng, các em liệu có coi việc làm vợ, làm mẹ là một trách nhiệm thiêng liêng, đáng để bỏ vào đó tất cảm tâm sức của mình? Hay khi ấy, chúng sẽ thấy công việc nhà thật mệt mỏi và phiền phức?

Khi còn trẻ hai nàng công chúa chỉ học được cách chăm sóc chính mình, và thế giới riêng của mình. Vậy khi cần đảm đương những trách nhiệm lớn hơn khi làm người con dâu, làm vợ làm mẹ, hai cô gái có thể dễ dàng vượt lên trên sự ích kỷ và tự do cá nhân để vun vén cho một gia đình hạnh phúc?

Vì đâu nên nỗi?

Người mẹ xuất thân trong một gia đình đông anh em, từ bé chị đã trải qua một tuổi thơ vất vả. Vừa giúp mẹ việc nhà, vừa chăm lo cho các em, phần nào đó quên mất bản thân mình. Chị tiếp tục giữ vai trò là người chị lớn có trách nhiệm với các em, người dì lớn có trách nhiệm với các cháu, ngay cả khi đã lập gia đình.

Lần lượt em gái, cháu gái đến tá túc trong nhà chị trên thành phố để học đại học. Chị khi ấy như một người mẹ thứ hai của em gái và cháu gái mình. Chị đặt ra những quy định nghiêm khắc trong nhà: Không được đi chơi quá chín giờ khuya, mọi thứ trong nhà phải gọn gàng sạch sẽ, nấu xong cần dọn sạch, lau rửa đồ đạc xong cũng cần sắp xếp gọn gàng. Nhờ sự nghiêm khắc của chị khi ấy, em gái, cháu gái của chị giờ đã trở thành những người vợ, người mẹ đảm đang. Dù bận công việc ở cơ quan, hay công việc bán hàng nơi phố chợ, họ vẫn có thể vun vén cho gia đình, quan tâm sóc chồng con.

Có lần người mẹ của hai cô gái tâm sự. Chị thương con, chị không muốn con mình như mình ngày xưa, phải vất vả làm lụng từ bé, không được theo đuổi mơ ước học đàn, học múa, không được làm đẹp, trang điểm. Giờ chị có tiền rồi, chị không muốn chúng phải khổ như thế nữa. Đó là lý do chị không thể nghiêm khắc với con mình và chị muốn cho chúng những điều tốt đẹp nhất mà chị có.

Nhưng người mẹ đảm đang ấy không nghĩ đến rằng, tất cả những vất vả, những nhẫn chịu của chị trong thời thơ ấu, rồi thời thanh niên, chính những khó khăn đó đã hun đúc nên sự ân cần chu đáo của chị hiện thời. Chính những khó khăn đó đã giúp chị vun bồi tinh thần trách nhiệm, sự yêu thương đùm bọc các em, lòng tốt và sự tử tế với những người chị tiếp xúc trong công việc. Và chính những khó khăn vất vả ấy đã khiến chị yêu thương và cảm ân mẹ biết nhường nào.

Nhớ lại nước Nhật, một quốc gia không có ưu đãi của thiên nhiên. Họ có nhiều nhất là động đất, núi lửa và sóng thần. Nhưng tại sao người Nhật giờ được cả thế giới ngưỡng mộ không chỉ vì những tập đoàn sản xuất hàng đầu thế giới, mà còn ngưỡng mộ họ vì sự tinh tế của lối sống, sự ân cần của thái độ phục vụ khách hàng.

Thêm vào đó, khi giữ ý niệm “tôi không muốn con cái khổ như mình” trong giáo dục các con, liệu chúng ta có thể vô tình áp lên những đứa trẻ mong muốn của riêng mình. Muốn dùng việc nuôi dạy con để chữa trị nỗi tổn thương của mình ngày trước, chứ không thực sự hướng tới việc dạy cho con những điều chúng cần để trở thành những con người tốt cho gia đình và cho xã hội sau này.

Vậy điều gì mới là cốt lõi của việc giáo dục con trẻ? Phải chăng đó là tạo dựng cho con một môi trường sống mà ở đó chúng được học, được rèn luyện những đức tính, những phẩm chất tốt đẹp vốn có của một con người.

 

Biên tập Tâm Như