Hình ảnh: trithuc.net

Văn Hóa

MỘT CHÚT NÓNG GIẬN, ÂN HẬN CẢ ĐỜI: CÂU CHUYỆN CON CHIM ƯNG CỦA THÀNH CÁT TƯ HÃN

By Đăng Dũng

September 02, 2020

Thành cát Tư Hãn là một vị vua nổi tiếng, quân đội của ông đánh đến đâu thắng đến đó. Vó ngựa của quân Mông Thát tung hoành khắp nơi, phía bắc đến tận dải Bai Can, phía nam đến Hoàng Hà tức chiếm cả nước Trung Quốc (lúc đó là nhà Kim và nhà Tống) , phía đông đến sông Tùng Hoa, Tây đến Lý Hải (biển Casienne), nghĩa là bao gồm phần đất liền mênh mông Nam Sibere, Trung Quốc, Trung Á và một phần ngoại Cáp-ca-do (Caucase), một phần châu Âu có cả thành phố Matxcova.

Một buổi sáng nọ, trên đường trở về cung điện, Thành Cát Tư Hãn có nhã hứng săn bắn. Ông cùng các thuộc hạ rẽ vào cánh rừng gần lâu đài săn bắn. Những người đi săn cùng ông đều mang theo cung tên, nhưng Thành Cát Tư Hãn mang theo trên cánh tay của ông một con chim ưng: với sức mạnh của loài chim ưng nó bắt mồi nhanh hơn và chính xác hơn bất kỳ mũi tên nào, bởi vì nó có thể bay vút lên trời cao và nhìn thấy mọi vật mà con người không thể thấy.

Thế nhưng đoàn người lùng sục nhưng không săn được gì cả. Đến trưa, mọi người quay lại chỗ cắm trại, Thành Cát Tư Hãn vốn thích được một mình rong ruổi cùng con chiến mã nên ông tách đoàn đi riêng, ông thông thuộc mọi đường đi lối lại trong khu rừng này. Vì vậy, trong khi cả đoàn đi săn trở về lâu đài bằng con đường ngắn nhất thì ông lại quyết định đi băng qua thung lũng dù biết đi theo đường này sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Sau một ngày dài rong ruổi, Thành Cát Tư Hãn cảm thấy khát nước đến mức cổ họng như có lửa đốt. Chú chim ưng rời khỏi vị trí quen thuộc trên cổ tay nhà vua, bay vút lên trời, bao giờ nó cũng tìm được đường về cung. Trong sức nóng của mùa hè, mọi dòng suối đều khô cạn, và ông không tìm được nước để uống.

Thành Cát Tư Hãn cho ngựa đi nước kiệu khi nhớ ra ở gần con đường mòn có một con suối nhỏ. Thế nhưng, ông tìm mãi mà chẳng thấy con suối ấy đâu. Ông tiếp tục cho ngựa tiến về phía trước và nhìn thấy nước rỉ từ hai khe đá trên vách núi. Thành Cát Tư Hãn biết những giọt nước này xuất phát từ một con sông hay một cái hồ nào đó trên kia. Vào mùa mưa, dòng suối sẽ tràn qua khe đá này, nhưng bây giờ đang là mùa hè nên ông đành bằng lòng với những giọt nước hiếm hoi đang nhỏ giọt kia

Thành Cát Tư Hãn xuống ngựa và lấy ra chiếc cốc bằng bạc mà lúc nào ông cũng mang theo bên mình. Thật lâu nước mới chảy đầy cốc và, ngay lúc ông đưa chiếc cốc lên môi mình, con chim ưng bay lên và giật chiếc cốc từ tay ông rồi ném nó xuống đất.

Thành Cát Tư Hãn giận lắm, nhưng vì con chim ưng rất được ông yêu thích nên ông cho rằng có lẽ nó cũng khát nước. Ông cúi xuống nhặt chiếc cốc lên, lau sạch bụi đất, và lại hứng nước vào cốc. Lần này, khi nước chỉ mới được nửa cốc, con chim ưng lại lao đến tấn công và làm đổ nước lần nữa.

Thành Cát Tư Hãn rất quý con chim, nhưng ông không thể chấp nhận sự vô lễ như thế trong bất cứ hoàn cảnh nào; không chừng có ai đó nhìn thấy cảnh này từ xa và, sau đó, sẽ kể lại cho các chiến binh của ông rằng một nhà chinh phục vĩ đại mà lại không thể thuần hoá nổi chỉ một con chim.

Lần này, ông rút kiếm ra khỏi vỏ, nhặt chiếc cốc và lại hứng nước, một mắt canh chừng dòng nước chảy, còn mắt kia để ý đến con chim ưng. Ngay lúc ông có đủ nước trong cốc và sắp uống, thì con chim ưng lại bay lên và lao về phía ông. Ông rút kiếm và vung lên chỉ với một nhát kiếm xuyên qua ngực con chim ưng.

Con chim ưng tội nghiệp rơi phịch xuống đất, nằm thoi thóp trên nền đất và một lúc sau thì chết ngay dưới chân chủ.

Nhưng khi nhà vua quay lại thì chẳng thấy chiếc cốc của mình đâu. Ông tìm quanh thì thấy nó đã rớt xuống giữa khe đá hẹp mà không thể nhặt nó lên được.

– Nhất định ta sẽ tìm được nước uống từ con suối này. – Ông tự nhủ.

Với quyết tâm đó, ông lội ngược lên thượng nguồn. Cuộc hành trình khá vất vả; càng leo lên cao, cơn khát càng giày vò ông.

Ông kinh ngạc khi thấy quả nhiên có một vũng nước, và ngay giữa vũng nước đó là xác một con rắn độc nguy hiểm nhất của miền đất này. Nếu ông lỡ uống nước đó, chắc hẳn ông đã chết rồi.

Nhà vua đứng lặng người, quên cả cơn khát. Trong đầu ông hiện lên hình ảnh xác con chim ưng tội nghiệp đang nằm trên đất lạnh.

– Con vật đáng thương đã tìm mọi cách cứu sống ta. – Ông bật khóc. – Vậy mà ta đã làm gì thế này? Trời hỡi, làm sao để cứu con vật khốn khổ ấy sống lại bây giờ? Ta biết lấy gì để đền đáp ơn cứu mạng của nó đây? Chính tay ta đã giết chết người bạn trung thành nhất của mình.

Thành Cát Tư Hãn trở lại khe đá, nhẹ nhàng đỡ xác con vật tội nghiệp lên tay và đặt nó vào túi săn. Sau đó, ông lên ngựa và phi thẳng về cung.

Ông ra lệnh làm một bức tượng chim bằng vàng, và trên một cánh chim, ông khắc dòng chữ:

Thậm chí khi một người bạn làm điều gì đó anh không thích, người đó vẫn cứ là bạn của anh.

Và trên cánh bên kia, ông khắc dòng chữ:

Bất cứ hành động nào được thực hiện trong sự giận dữ đều là hành động đưa đến sự thất bại.

Thời điểm con người dễ phạm phải sai lầm nhất, đó là lúc đang tức giận. Vì vậy khi đang tức giận bạn không nên quyết định làm việc gì cả.

An Nhiên