Người xưa có tiêu chuẩn đạo đức rất cao, toàn thể xã hội đều đặt vào trạng thái tin vào luật nhân quả, thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo. Đây là những tiêu chuẩn phổ quát, không chỉ người tốt có tiểu chuẩn đạo đức cao mà cả người xấu vẫn có một thước đo chuẩn mực cho riêng mình.
Đạo tặc báo ân
Có một danh y nổi tiếng tại Sơn đông, trong làng ông sinh sống thường xuyên bị cướp tấn công. Khi toán cướp cưỡi ngựa đi qua làng giữa đêm nhà nhà đều phải đóng cửa tắt đèn cài then thật chặt, không ai dám lên tiếng. Cả làng vẫn thường hay bị cướp sạch. Nếu bọn cướp nhìn thấy ngựa thì con ngựa sẽ bị dắt đi và chúng dùng sắt lung đỏ in lên mông con ngựa và ngựa sẽ thành của chúng.
Có một đêm, thủ lĩnh của bọn cướp bị thương nặng, không còn cách nào khác chúng phải đến tìm vị danh y nổi tiếng để cứu chữa. Lão danh y không nói nhiều chỉ ra điều kiện là không được đến cướp trong làng nữa.
Tên cướp được chữa khỏi, kể từ đó khi toán cướp đi qua làng sẽ không vào làng nữa. Nhưng nhiều lần trước cửa nhà lão danh y được hắn để lại ít lương thực.
Hắn không bao giờ quên ơn cứu mạng của lão danh y.
Người xưa rất trọng tình trọng nghĩa, được nhận giúp đỡ họ sẽ nhớ ơn đó suốt đời. Họ thường cố hết sức quay lại nhà ân nhân để thăm hỏi họ, ngay cả kẻ cước cũng làm được vậy.
Đạo tặc cũng có đạo
Những năm Càn Long triều đại nhà Thanh, tại huyện Sùng Đức, tỉnh Chiết Giang, có một viên tri huyện là Chương Thanh xuất thân là người đọc sách, học vấn uyên thâm, làm quan thanh liêm, có thanh danh rất tốt trong dân chúng. Chương Thanh đến huyện Sùng Đức đảm nhiệm chỉ có mấy năm, huyện đã trở nên an bình trật tự, dân chúng an cư lạc nghiệp, đêm không cần khóa cửa.
Huyện kế bên lúc này xảy ra nhiều vụ án trộm khiến lòng dân không yên. Bên trên liền có ý chỉ điều Chương Thanh sang huyện bên cai quản tình hình ở đó. Chương Thanh một mình đến huyện ấy nhậm chức, lập tức sử dụng các biện pháp nghiêm minh kịp thời. Nhưng không hiểu sao từ khi Chương Thanh nhận chức, đạo tặc liền không cướp bóc nữa, mọi chuyện đều êm xuôi, trong huyện không hề xảy ra một vụ trộm nào.
Mấy tháng sau, Chương Thanh đưa người nhà đến ở cùng. Ba năm nhậm chức đã qua, Chương Thanh cùng gia quyến lên thuyền trở về quê. Dân chúng tự nguyện tập trung tại bến để tiễn Chương Thanh. Chương Thanh từ biệt mọi người, đột nhiên trước mắt chợt lóe lên một bóng người đi qua, đôi kính cận đang mang đã không cánh mà bay. Chương Thanh suýt nữa ngã xuống sông, may mà phu thuyền nhanh tay giữ chặt. Kính mắt không cánh mà bay, khiến Chương Thanh nghĩ mãi không lý giải được, nói rằng bị trộm mất, thì đôi kính ấy không đáng tiền, trộm nó làm gì? Nói là đánh mất, sao lại không có chút cảm giác nào cả, ông cứ mãi lắc đầu, cảm thấy hết sức kỳ quái. Cũng may trong hành lý vẫn còn cặp kính khác, chưa đến nỗi không còn nhìn được nữa. Vì vậy, ông phất tay, bảo phu thuyền bắt đầu đi.
Buổi tối hôm đó, thuyền tạm dừng đỗ qua đêm tại một trấn nhỏ ở ranh giới của 2 huyện. Sáng sớm ngày hôm sau, Chương Thanh đột nhiên phát hiện 10 cái rương gỗ lớn đặt ở trong thuyền tất cả đều đã biến mất không còn dấu vết. Đó chính là toàn bộ gia sản, Chương Thanh không khỏi há miệng trợn mắt, “Bọn đạo tặc to gan lớn mật, ta chưa rời khỏi huyện, chúng đã liền nổi dậy hoành hành, còn trộm cắp ngay trên đầu ta, thật sự là ghê gớm! Như thế xem ra cặp kính bị mất hôm qua dám chắc cũng chính là bọn trộm này lấy mất”.
Làm sao bây giờ? Chương Thanh suy nghĩ: “Đám đạo tặc này trộm được rồi, chắc hẳn đã xa chạy cao bay, biết bọn chúng ở đâu mà tìm, hỡi ôi, tự dằn lòng mà quên đi vậy”. Nghĩ thế, Chương Thanh thở dài, bảo nhà thuyền rời bến.
Thuyền đi 3 ngày, rốt cục đã bình an về đến quê hương của Chương Thanh. Chương Thanh nhìn phía xa xa, thấy trên bến chỉnh tề xếp 10 cái rương lớn, nhìn qua thật là quen thuộc, trông giống như mấy cái rương mà mình đã bị đánh cắp. Chương Thanh cảm thấy mười phần kỳ quái, vội vàng cập bến, nhanh chân nhảy lên bờ chạy tới xem. ‘Hỡi ơi, quả nhiên là mấy cái rương của mình, thật là may mắn!’ Trên cái rương còn có một phong thư, chặn lên trên là cặp kính vốn đã không cánh mà bay lúc trước.
Chương Thanh mở phong thư ra, thấy trong thư viết rằng:
“Gửi Chương đại nhân:
Bọn tôi là một nhóm đạo tặc, vào thời ông nhậm chức, chúng tôi ái mộ thanh danh liêm khiết chính trực của ông, chưa bao giờ trộm cắp tại huyện mà ông cai quản. Nhưng là, lúc ông rời khỏi huyện có mang theo 10 chiếc rương gỗ rất lớn, không khỏi khiến chúng tôi hoài nghi không rõ ông có phải là vị thanh quan như thế hay không. Cho nên, bọn tôi đầu tiên lấy trộm đôi kính, sau lại lấy trộm mấy cái rương gỗ, cũng là để cảnh báo cho ông thấy. Mở xem tất cả mấy cái rương gỗ, thấy tài sản của ông ngoài sách với sách ra, toàn bộ có chưa đến 32 ngân lượng. Mọi người thường nói: “Nhất Nhâm Thanh Tri Phủ, Thập Vạn Tuyết Hoa Ngân” (một viên tri phủ thanh liêm nhậm chức, cũng có được 10 vạn ngân lượng). Ông làm huyện lệnh nhiều năm, nhưng vẫn nghèo như không. Thấy rõ ông đích thực là một vị quan thanh liêm, bách tính đã không nhìn lầm ông. Bọn tôi lúc trước đã mạo phạm nhiều, thật sự xin lỗi, đặc biệt xin trả lại những vật đã lấy trộm trước kia, mong được Đại nhân bao dung tha thứ”.
Nguyên lai là như thế! Chương Thanh trong lòng cảm thán, không khỏi lẩm bẩm: “Thật là! Thực sự là đạo tặc cũng có đạo!”
Biên tập: Thiên Hà
Nguồn: Trithucvn