Không biết lắng nghe và bao che lỗi lầm của bản thân được coi là hai điều sỉ nhục lớn của người xưa, nhưng thử hỏi ngày nay mấy ai cho đó là điều sỉ nhục? Vì không coi đó là điều sỉ nhục, nên không biết xấu hổ và coi đó là một việc thản nhiên, thậm chí còn thấy mình giỏi lắm. “Biết lắng nghe điều tốt, đó là đức của bậc đế vương”. Câu thành ngữ này có xuất xứ từ “Sử ký-Lưu Hầu Thế Gia”.
Năm 207 công nguyên, sau khi Lưu Bang đánh chiếm được Hàm Dương, liền vào trong cung nhà Tần xem xét, thấy của cải chất như núi, mỹ nữ nhiều vô kể, thì trong lòng bỗng cảm thấy rất hiếu kỳ và thỏa mãn, như muốn hưởng dụng hết tất cả.
Phàn Khoái là thuộc hạ của Lưu Bang, khi nhận biết ra ý đồ này của chủ nhân, liền hỏi Lưu Bang:– Ngài muốn làm một đại phú ông, hay muốn thống trị thiên hạ?Lưu Bang trả lời rằng:– Đương nhiên là muốn thống trị thiên hạ rồi.Phàn Khoái lại nói:– Trong cung Tần của cải vô số, mỹ nữ đông đúc, những thứ này cũng chính là nguyên nhân dẫn tới triều nhà Tần bị diệt vong, vậy đại vương không thể nào ở lại trong cung, mà hãy nhanh chóng trở về Bá Thượng. Nhưng Lưu Bang không chịu nghe theo.
Sau khi biết được việc này, mưu sĩ Trương Lương mới nói với Lưu Bang rằng: – Vua Tần vì không giữ đúng đạo trị quốc, cho nên nhân dân mới nổi lên làm phản, nhờ thế đại vương mới chiếm được những thứ này, giờ đây đại vương đã làm nên đại nghiệp rồi thì phải giữ vững hình ảnh của mình, phải sống tiết kiệm qua ngày. Nay mới tới cung nhà Tần mà đã muốn hưởng lạc sao được? Lời nói thẳng tuy nghe trái tai, nhưng lại có lợi cho hành động, thuốc tốt tuy đắng nhưng giã tật. Vậy mong đại vương hãy nghe theo lời của Phàn Khoái.
Lưu Bang nghe xong nghĩ rằng, sau này mình được cả thiên hạ thì của cải, mỹ nữ sớm muộn gì cũng được hưởng, bèn nhận lời nghe theo, và coi cung nhà Tần là một nơi thị phi, là cạm bẫy, bèn hạ lệnh cho quân sĩ niêm phong các phủ đệ và kho báu, đóng cửa cung lại rồi trở về Bá Thượng.
Lời nói thẳng tuy nghe trái tai, nhưng lại có lợi cho hành động, thuốc tốt tuy đắng nhưng giã tật. Người biết tiếp thu những “lời ngay tiếng thật” thì thường phải có đức khiêm nhường, bao dung và nhẫn lại, còn phải biết xả bỏ đi cái “Tôi” của mình và tôn trọng người khác nữa. Giống như trăm sông đổ về biển là bởi vì biển biết đặt mình nơi chỗ thấp mà dung nạp nước trăm sông, người biết lắng nghe lời thẳng thật, thậm chí là nghe được cả những lời khó nghe để rồi tự sửa mình thì ắt sẽ dễ làm nên nghiệp lớn.
“Không bao che những thiếu sót của bản thân là cái đức của bậc đế vương”. “Nhân vô thập toàn”, trên thế gian này vốn không có người sinh ra đã hoàn hảo. Thế nhưng, nếu một người cứ luôn che đậy khuyết điểm của bản thân, đổ lỗi cho người khác, thì chẳng thể cải thiện chính mình, trở thành người đức hạnh cho được.
Trong lịch sử, nhiều vị vua nước Việt đã biết tự kiểm điểm lỗi lầm của bản thân, tự trách mình mỗi khi đất nước gặp thiên tai nhân họa. Vua Lê Nhân Tông lên ngôi khi còn rất trẻ, nhưng sớm thấu hiểu trọng trách nặng nề của bậc quân vương. Tháng 4 năm Kỷ Tỵ (1449), Lê Nhân Tông xuống chiếu tự trách mình. Tờ chiếu viết:
“Trẫm gặp phải gia biến, bên trong thì mẫu hậu coi chầu, bên ngoài thì đại thần giúp việc, mà liền năm đại hạn, lúa má mất mùa, dân chúng buồn than. Nghĩ kỹ tội ấy, hẳn có nguyên do. Có phải trẫm không biết dốc niềm thành kính để được hưởng lòng trời, không biết lo tròn đạo hiếu để thờ phụng tông miếu, không ban ân huệ cho khắp muôn dân nên đến nỗi thế chăng?
Có phải trẫm không biết sử dụng nhân tài, những kẻ được dùng đều là loại hèn kém mà đến nỗi thế chăng? Có phải do nạn hối lộ công khai, tệ phi tần lộng hành mà đến nỗi thế chăng? (…) Tất cả tội lỗi trên chồng chất lại, đã làm tổn thương hòa khí, nếu không xét lời dạy sửa lỗi lầm, làm tròn đạo tu dưỡng mình thì làm sao trên có thể lay chuyển được lòng trời, dưới có thể cứu vớt được nạn dân?” (Đại Việt sử ký toàn thư).Sử sách chép rằng, sau khi tờ chiếu ban xuống, đêm hôm ấy trời có mưa.
Phạm Thuần Nhân, một học giả, nhà chính trị lỗi lạc thời nhà Tống thường xuyên nhắc nhở các con mình: “Dù là kẻ ngu dốt nhất, người ấy cũng có thể là hết sức sáng suốt khi quở trách người khác. Còn người thông minh cực kỳ cũng có thể vô cùng hồ đồ trong lúc tự tha thứ cho lỗi lầm của bản thân mình. Vì vậy, nếu các con có thể tự xét tìm những lỗi lầm của bản thân như khi phán xét lỗi lầm của người khác, và khoan dung cho người khác như khi tha thứ cho chính bản thân mình, thì các con chắc chắn có thể trở thành bậc Thánh hiền”.
Quang Minh sưu tầm