Đời Sống

Câu nói: “Nam nữ thụ thụ bất thân” còn vế sau hàm ý nghĩa ít ai ngờ tới

By Đăng Dũng

November 26, 2021

Vừa nhắc đến câu “nam nữ thụ thụ bất thân”, có thể nhiều người sẽ cười và nghĩ: “Bây giờ là thời đại nào rồi mà còn lấy câu này ra để nói?”

Ngày nay người ta cho rằng nó là lạc hậu, lỗi thời nhưng đây lại là lễ nghi vô cùng quan trọng trong xã hội xưa.

Người xưa hay nhắc đến câu “Nam nữ thụ thụ bất thân” khi nhìn thấy nam nữ có cử chỉ thân mật quá mức. Nghĩa là, nam nữ nên giữ khoảng cách thích hợp, nếu không phải nam nữ có cùng huyết thống hoặc vợ chồng, thì không được tùy ý tiếp xúc thân thiết.

Lễ giáo “Nam nữ thụ thụ bất thân”

“Nam nữ thụ thụ bất thân” (Tạm dịch: Đàn ông và phụ nữ không nên trực tiếp đụng chạm thân thể) là câu ngạn ngữ vô cùng quen thuộc trong tiếng Trung.

Dù nó không còn xuất hiện nhiều trong đời sống xã hội hiện đại, nhưng người ta vẫn thường nghe thấy nó trong các bộ phim cổ trang về đề tài xã hội cũ.

Câu nói này xuất phát từ sách “Lễ Ký” (Kinh Lễ, một trong “Tứ Thư Ngũ Kinh”) của Nho gia. Hàm ý là giữa nam và nữ nên giữ khoảng cách, không nên có hành động gần gũi, thân mật, không nên trực tiếp đi tặng quà và nhận quà, không nên có quá nhiều hành động gặp gỡ, nói chuyện trực tiếp.

Lễ Ký (Kinh Lễ) vốn là một bộ sách ghi chép về các nghi lễ trong xã hội từ thời xa xưa, được Khổng Tử chỉnh sửa lại, rồi lại tiếp tục được các thế hệ học trò của Khổng Tử bổ sung để tạo thành một bộ sách hoàn chỉnh như ngày nay.

“Nam nữ thụ thụ bất thân” khi nhìn thấy nam nữ có cử chỉ thân mật quá mức

Ban đầu, sách Lễ Ký chỉ có một câu là: “Nam nữ bất tạp tọa, bất thi gia, bất cân trất, bất thân thụ, tẩu thúc bất thông hướng…” (nam nữ không được ngồi cạnh nhau một cách tùy tiện, không cùng đeo vòng cổ, không dùng chung khăn, lược, không được gần gũi thân thiết, chị dâu và em chồng không được có liên hệ gì với nhau…).

Sau này, chính Mạnh Tử là tác giả của câu nói “nam nữ thụ thụ bất thân”.

Đời người còn có nhiều thứ quan trọng hơn lễ nghĩa

Thời Chiến Quốc, có một diễn thuyết gia nổi tiếng tên là Thuần Vu Khôn. Ông ta không hoàn toàn đồng ý với câu nói trên trong Lễ Ký, bèn trực tiếp đến hỏi Mạnh Tử: “Nam nữ thụ thụ bất thân, lễ dữ?” (Nam nữ thụ thụ bất thân, có phải là đúng với chữ Lễ không?)

Mạnh Tử trả lời là đúng. Ông ta lại hỏi: “Vậy bây giờ chị dâu đi lấy nước bị rơi xuống giếng, em chồng có nên đi cứu không?”

Mạnh Tử đáp: “Nhìn thấy chị dâu rơi xuống nước mà không cứu, chẳng khác gì loài lang sói độc ác, tàn nhẫn. Giữa nam và nữ không nên trực tiếp trao và nhận vật phẩm bằng tay là lễ nghi, nếu chẳng may chị dâu rơi xuống sông thì hãy dùng tay để cứu. Bởi vì giải cứu là một biện pháp khẩn cấp, cần biết rằng trong tình huống đó tính mạng con người đang bị đe dọa!”

Nam nữ thụ thụ bất thân, đương nhiên trừ những trường hợp cần kíp, ví như cứu người đuối nước

Phía sau “nam nữ thụ thụ bất thân” còn một vế câu

Em chồng cứu chị dâu khỏi đuối nước, dù có động chạm thân thể đi nữa, đó cũng là lẽ phải làm, đó là đạo làm người. Nếu chỉ vì chút lễ nghĩa mà bỏ qua tính mạng con người, đó mới là trái đạo.

Vì vậy, tư tưởng Nho giáo cho rằng “Nam nữ thụ thụ bất thân” có thể được dung thứ trong những hoàn cảnh đặc biệt.

Ví như, khi một người nam nhìn thấy một nữ tử bị nạn, thì anh ta nên đưa tay ra giúp đỡ, không cần câu nệ lễ giáo và không được tiếp xúc thân thể quá mức, vì đây là đạo lý cơ bản liên quan đến sự nguy hiểm tính mạng.

Từ điển tích Thuần Vu Khôn và Mạnh Tử, sách Lễ Ký bổ sung thêm câu nói của Mạnh Tử: “Nam nữ thụ thụ bất thân, lễ dã; tẩu nịch, viện chi dĩ thủ giả, quyền dã” (Nam nữ không được gần gũi với nhau, đó là Lễ; Chị dâu bị đuối nước, em chồng ra tay cứu giúp, đó là Quyền).

Do đó, câu nói trong sách Lễ Ký muốn nhắc nhở mọi người rằng lễ nghĩa là thứ phải có trong cuộc sống, song ngoài lễ nghĩa ra, vẫn có những thứ quan trọng hơn cả. Mọi người không nên quá chú trọng những quy tắc, mà quên đi những giá trị đích thực của cuộc sống.

Nhà sư cõng cô gái qua sông

Việc này cũng giống như câu chuyện nhà sư cõng cô gái qua sông ở trong Phật giáo. Chuyện kể rằng, có một lão hòa thượng dẫn theo một tiểu hòa thượng đi hóa duyên. Trên đường trở về thì đi tới một con sông. Lúc này có một cô gái đang loay hoay ở bên bờ sông mà không biết làm cách nào để đi qua.

Lão hòa thượng không chút đắn đo mà cõng cô gái qua sông. Cô gái qua được sông thì cúi đầu cảm tạ rồi rời đi. Nhưng trong lòng tiểu hòa thượng thì lại thắc mắc: “Sư phụ sao lại cõng một cô gái qua sông như thế được?”

“Ta đã đặt cô gái ấy xuống ở bờ sông rồi mà con vẫn còn cõng cô ấy ở trên lưng sao?”

Khi đi về tới gần chùa, tiểu hòa thượng không nhịn được nữa mới hỏi Sư phụ của mình: “Thưa thầy! Chúng ta là người xuất gia, sao thầy có thể cõng một cô gái qua sông như vậy được?”. Lão hòa thượng điềm đạm nói: “Ta đã đặt cô gái ấy xuống ở bờ sông rồi mà con vẫn còn cõng cô ấy ở trên lưng sao?”. Tiểu hòa thượng nghe vậy giật mình tỉnh ngộ.

Các giới cấm hay lễ nghi trong Phật giáo và Nho giáo thì cũng để người ta thuận theo đó mà sửa cái tâm của mình. Nhưng nếu quá bám chấp vào hình thức mà bỏ quên cái tâm; gặp việc cấp bách nguy hiểm đến tính mạng người khác cũng không ra tay giúp đỡ; như vậy thì chẳng phải là cũng quá ác độc, cũng giống như loài lang sói rồi hay sao?

Ý tứ giữa nam nữ trong xã hội hiện nay

Thời đại hiện nay, đại đa số đều không muốn có một sự câu thúc gò bó nào, luôn thích một cuộc sống “tự do”, đương nhiên cũng bao gồm luôn cả mối quan hệ nam nữ trong đó.

Trong một giai đoạn lịch sử tương đối dài, “Nam nữ thụ thụ bất thân” đã giúp cho quan hệ nam nữ trong xã hội giữ được thuần phong, khởi tác dụng chính diện trong việc ổn định kết cấu gia đình của xã hội.

“Nam nữ thụ thụ bất thân” đã giúp cho quan hệ nam nữ trong xã hội giữ được thuần phong

Mặc dù trong một số trường hợp, có một số người đưa ra các nhận định và thói quen cứng nhắc, nhưng cốt lõi của quy tắc này lại không hề sai lầm.

Xã hội ngày nay, nếu lại khởi xướng lễ nghi về “nam nữ thụ thụ bất thân” thì có lẽ đã không còn có cách nào thực hiện được, nhưng nếu có thể lý giải được những tinh túy trong lễ nghi này, đối với việc điều chỉnh và uốn nắn lại sự tùy tiện giữa nam và nữ hiện nay thì chắc chắn sẽ khởi được tác dụng rất tích cực, bởi vậy mới thấy, cổ nhân xưa đối đãi với nghi lễ giữa nam và nữ quả thực sâu sắc.

Nguồn: phunutoday

Thái An biên tập