Nguồn: pixabay.com

Làm Cha Mẹ

Cha mẹ bất hoà và những ảnh hưởng đến con cái

By Đăng Dũng

June 05, 2021

Nhiều bậc cha mẹ biết rằng tranh cãi trước mặt con cái là điều không tốt. Nhưng cho dù gia đình có bình yên đến đâu cũng không tránh khỏi những lúc như thế. Khi có xung đột giữa hai vợ chồng, theo bản năng, họ không có khả năng kiềm chế cảm xúc. Từ đó, những cuộc cãi vã giữa họ xảy ra. Và con trẻ là người phải hứng chịu những hậu quả nặng nề nhất.

Theo độ tuổi khác nhau, trẻ sẽ bị tác động theo những cách khác nhau. Nghiên cứu cho thấy, một đứa trẻ 6 tháng tuổi cũng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những tranh cãi gay gắt của cha mẹ. Những em bé mới 6 tháng tuổi khi chứng kiến bố mẹ chúng cãi nhau đã có nhịp tim tăng cao hơn so với lúc chứng kiến cảnh mâu thuẫn của những người lạ.

Ngoài ra, một số nghiên cứu khác còn cho thấy không chỉ trẻ nhỏ bị ảnh hưởng tiêu cực nếu thấy cha mẹ bất hòa mà kể cả trẻ vị thành niên (dưới 19 tuổi) cũng rất nhạy cảm với những vấn đề xảy ra trong hôn nhân của cha mẹ.

Thậm chí, một nghiên cứu do Đại học York (Canada) thực hiện đã khám phá ra rằng con cái của các cặp vợ chồng ly dị bị những cuộc cãi vã của cha mẹ làm tổn thương nhiều hơn cả việc chia tay của bố mẹ chúng.

Điều đó chứng tỏ, ở mọi lứa tuổi, từ sơ sinh đến trưởng thành, trẻ em sẽ luôn bị ảnh hưởng bởi cách cha mẹ giải quyết các mâu thuẫn trong đời sống hôn nhân.

Cha mẹ bất hòa khiến trẻ cảm giác thiếu an toàn ngay trong chính căn nhà của mình. Thường xuyên chứng kiến cha mẹ cãi nhau gây ảnh hưởng đến sức khỏe, trạng thái tinh thần, chất lượng giấc ngủ, học tập, các mối quan hệ trong tương lai; Và ảnh hưởng cả đến việc nuôi dạy con cái của chúng khi chúng trở thành cha mẹ trong tương lai.

Những bậc cha mẹ thường xuyên căng thẳng có xu hướng hay sử dụng kỷ luật trong nuôi dạy con cái và nhiều khi không thể đối xử với con cái bằng tình cảm. Mặt khác, cha mẹ ít căng thẳng có xu hướng nuôi dạy con nhẹ nhàng hơn, kiên nhẫn hơn, tinh tế và tôn trọng tính độc lập của con cái hơn.

Một nghiên cứu năm 2009 cho thấy, con cái của cha mẹ hòa thuận chúng thường được trang bị các kỹ năng xã hội kỹ càng, khi lớn lên thường trở thành những đứa trẻ tốt bụng và hiểu được cảm xúc của đối phương. Ngược lại, trẻ em được nuôi dưỡng trong gia đình nhiều xung đột sẽ có quan điểm và xu hướng nhìn nhận bản thân theo hướng tiêu cực.

Vậy, làm thế nào để tránh tranh cãi?

Những cuộc tranh cãi xảy ra giữa vợ chồng là điều không tránh khỏi. Và để giải quyết tranh cãi, bạn cũng cần một chút sức mạnh để kiềm chế bản thân.

Trước hết, điều rất quan trọng là bạn phải biết bạn đang nói về chủ đề gì. Nếu những chủ đề đưa ra khiến bạn dễ nổi nóng thì bạn hãy cố gắng tránh nói chủ đề đó khi có mặt con bạn. Cũng hãy ra hiệu cho đối phương biết rằng chủ đề này sẽ nói sau.

Ngoài ra, hãy chú ý đến âm lượng giọng nói của bạn và cố gắng có một “cuộc thảo luận điềm tĩnh” thay vì tranh đấu. Sẽ dễ dàng tìm ra giải pháp hơn nếu bạn nói chuyện một cách bình tĩnh. Đây cũng là cơ hội tốt để trẻ học cách giao tiếp bình tĩnh và giải quyết vấn đề mà không có xung đột.

Sau đó, thay vì đổ lỗi cho đối phương, thay vì nói rằng: “Anh/ cô đã nói điều này… bởi vì anh/cô đã làm điều này…”, hãy bắt đầu bằng câu “Anh nghĩ / em nghĩ …” Hoặc là những cách nói khác phù hợp với hoàn cảnh thực tế mà đối phương dễ tiếp nhận.

Để con bạn tham gia vào cuộc thảo luận cũng là một ý kiến ​​hay vì con bạn có thể hiểu được mọi người trao đổi, thảo luận gì.

Nếu hai vợ chồng không tránh khỏi cãi vã trước mặt con, hãy cố gắng nhanh nhất làm lành trước mặt con và hãy nói: “Bố mẹ có cãi nhau một chút, nhưng cãi nhau xong rồi bố mẹ lại hiểu nhau hơn,…”. Trong trường hợp đó, hai vợ chồng đừng quên mỉm cười và ôm nhau để con thấy rằng bố mẹ vẫn thân thiết đến nhường nào.

Cha mẹ có trách nhiệm dạy con cái tự tin đối ứng với những cuộc tranh luận, tranh cãi có thể xảy ra. Những cuộc tranh cãi trong hôn nhân là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Tuy nhiên, nếu bạn chẳng may tranh cãi trước mặt trẻ cha mẹ hãy nhìn lại mình, lắng nghe nhau nhiều hơn, yêu thương nhau nhiều hơn để tạo cho con cái một bầu không khí gia đình hạnh phúc, để trẻ luôn cảm nhận được niềm vui, sự yêu thương.

Nuôi dạy một đứa trẻ rất nhiều khó khăn, nhưng đừng đánh mất những hạnh phúc bình dị nhất của chúng. Gia đình là nơi để về, là nơi an toàn nhất, bình yên nhất trong lòng mỗi đứa trẻ. Đừng để trẻ cảm thấy không còn nơi để về, cảm thấy sợ hãi, buồn bã khi phải trở về chính căn nhà của mình. Ký ức tuổi thơ luôn là đẹp đẽ nhất trong trái tim mỗi người, hãy trân trọng những ký ức đẹp đẽ đó của con bạn. Để rồi lớn lên mỗi khi mệt mỏi, khó khăn vất vả, những ký ức đẹp đẽ đó có thể tiếp thêm sức mạnh để chúng vững bước tiến lên con đường phía trước. Để những ngọt ngào ký ức tuổi thơ còn đọng mãi trong tim.

Mộc Hương biên tập