Nguồn ảnh: Internet

Làm Cha Mẹ

Cha mẹ dạy trẻ biết cảm ơn và trân trọng

By Đăng Dũng

May 12, 2021

Trẻ em luôn là một điều gì đó trong sáng, vô tư, hồn nhiên. Có đôi khi chúng ta từng ước gì mình có thể nhỏ lại để được vui vẻ và không phải bận tâm nhiều về cuộc sống, nhưng điều đó là không thể, bởi vì thời gian chỉ có thể tiến về phía trước, thoáng chốc đứa trẻ của bạn lại thành người lớn.

Trong quá trình trưởng thành của con cái, làm thế nào để cha mẹ có thể nuôi dạy con được tốt, dạy con như thế nào mới là đúng đắn cũng là điều mà cha mẹ nào cũng đau đầu suy nghĩ.

Tình yêu thương luôn cần có sự đồng hành là nghiêm khắc đối với trẻ nhỏ, vì quá yêu thương trẻ mà đòi gì đáp ứng nấy, mong trẻ thuận tâm vừa ý, luôn chiều chuộng trẻ một cách không lý trí, quá cưng chiều trẻ như vậy sẽ khiến đứa trẻ hình thành lối sống tùy tiện, buông thả, ích kỷ, không biết hàm ơn, và dễ đi sang một cực đoan khác khi xử lý tình huống đối với trẻ nhỏ.

1. Đối mặt với đòi hỏi của trẻ

Có một phụ huynh đã tâm sự: Nhà tôi có một bé gái đang học lớp ba, cháu rất thích dùng hộp giấy thủ công để tự chế đồ chơi. Mùa hè năm nay, cháu lại muốn làm đồ chơi, nhưng cháu còn muốn bỏ ra 800 Yên Nhật để mua một chiếc máy bán hàng đồ chơi tự động, chỉ vì muốn lấy chiếc hộp nhựa nhỏ hình bầu dục trong món đồ chơi đó để sáng tạo món đồ chơi kia của cháu, tôi nghe xong cảm thấy lưỡng lự.

Trước đây tôi vẫn luôn ủng hộ cháu, luôn thấu hiểu và tôn trọng cháu, nhưng gần đây tôi phát hiện ra mình đã phạm sai lầm khi chiều cháu quá mức. Làm một người mẹ, tôi luôn hi vọng con cái vui vẻ, không ưu phiền, hi vọng cháu có một tuổi thơ vui tươi và đầy đủ nhất. Cháu cũng thích nói chuyện với tôi, không có biểu hiện cô độc, hay thái độ chống đối do bị áp lực.

Tuy nhiên tôi phát hiện ra năm nay cháu luôn đưa ra các yêu cầu như muốn mua búp bê kèm theo các loại đồ chơi, đồ hàng nấu ăn, tôi cũng cố gắng đáp ứng yêu cầu của cháu, những đồ chơi sản xuất tại Nhật Bản này đều rất đắt, nhưng vì muốn cho cháu một tuổi thơ tốt đẹp, vui vẻ, vô tư, tôi vẫn cố gắng đáp ứng các yêu cầu của cháu. Nhưng dần dần tôi phát hiện ra cháu ngày càng nhanh chán chơi những món đồ chơi cũ, gần đây mua cho cháu một con búp bê thì chỉ mấy ngày là cháu bỏ nó qua một bên không chơi nó nữa.

Tôi bắt đầu suy ngẫm, cách làm này của tôi có phải hơi quá chiều con không? Trẻ con nếu có được những thứ mà nó muốn quá dễ dàng thì nó sẽ không biết trân trọng, nó sẽ cho rằng mọi thứ có được đều là đương nhiên, cũng có nghĩa là đứa trẻ không cảm giác được tình yêu thương của cha mẹ dành cho mình. Đứa trẻ cần phải chịu khổ và bỏ công sức một cách thích đáng để đạt được điều nó muốn, như vậy sẽ giúp nó hiểu được sự trân quý và biết ơn công sức của cha mẹ, khi trưởng thành nó mới trở thành người hiểu biết, lương thiện và sống có trách nhiệm. Do vậy dù con ở độ tuổi nào thì các ông bố bà mẹ cũng cần cân nhắc đến những đòi hỏi của con, không thể đáp ứng quá nhiều nhu cầu của trẻ, nếu không sẽ thành nuông chiều trẻ, sẽ không tốt cho các con sau này.

2. Điều chỉnh lại cách đáp ứng yêu cầu của trẻ

Cha mẹ không nên nuông chiều nhưng cũng không nên quá nghiêm khắc mà hoàn toàn không quan tâm gì đến cảm nhận của trẻ. Nghĩ đến đây, tôi quyết định vẫn đáp ứng yêu cầu của con, nhưng không thể không có điều kiện, phải để trẻ bỏ chút công sức thì nó mới biết trân quý. Do vậy tôi suy nghĩ xem có cách nào có thể khiến con vừa thực hiện được nguyện vọng của mình, vừa không tiêu phí quá nhiều tiền, mà vẫn khiến trẻ hiểu được công sức cha mẹ dành cho mình, hiểu được tình yêu của cha mẹ đối với mình. Làm cách nào có thể vừa không làm tổn thương trẻ, lại phải có tác dụng giáo dục để trẻ hiểu được sự vất vả của cha mẹ, biết bày tỏ sự cảm ơn?

Tôi nghĩ đến các cửa hàng ăn ở Nhật Bản, mỗi lần cả nhà ra ngoài ăn, dù là cửa hàng ăn bình thường thì đều có suất ăn trẻ em, trong mỗi suất ăn đều tặng thêm một đồng xu để trẻ tự mình ra máy bán hàng tự động chọn mua một món đồ chơi. Thường mỗi năm vào dịp lễ tết, các gia đình đều đưa trẻ ra ngoài ăn, hay là giải quyết như vậy.

Nghĩ xong, tôi liền đồng ý với con, nhưng cháu nói với tôi rằng muốn có ngay. Tôi nói:  “Cửa hàng bán mỳ ở gần đây rất rẻ, mẹ con mình đi ăn liên tục ba ngày sẽ có đủ tiền xu để con mua món đồ chơi đó, con thấy thế nào”?.

Cháu nghe xong hỏi: “Mẹ ơi, chẳng phải mẹ không thích cửa hàng đó sao? Lần trước mẹ còn nói món ăn ở đó rất khó ăn”. Tôi trả lời cháu: “Vì mẹ hi vọng con có thể mau chóng có đủ số lượng xu để mua đồ chơi, nên mẹ chịu đựng vài lần vậy, miễn con thích là được rồi”.

Đứa trẻ nghe xong vô cùng vui mừng, bộ dạng rất cảm động, tôi lại đưa ra điều kiện là phải đi bộ, không được đi xe. Không ngờ cô bé vốn dĩ không thích đi bộ, suốt ngày kêu ca mệt mỏi, lần này lại đồng ý, vui vẻ đáp ứng yêu cầu của tôi.

Sự việc này đã được giải quyết như vậy. Phản ứng của con khiến tôi bắt đầu hiểu ra giáo dục trẻ thực sự không thể đi đến cực đoan, cần phải lý trí.

Cha mẹ không nên chỉ chú trọng cảm nhận một phía của bản thân, hoặc kiên quyết phản đối, hoặc hết mực ủng hộ vô điều kiện. Đứa trẻ sẽ biết trân quý những thứ mà mình không dễ có được, không dễ mua được. Đồng thời người mẹ cũng cần lưu lại cho trẻ ấn tượng về công sức mà mình bỏ ra, để bản thân trẻ cảm nhận được thì trẻ mới cảm động, mới có tác dụng giáo dục. Đây không phải vì để kể công cha mẹ mà để trẻ hiểu được sự biết ơn, lớn lên sẽ trở thành đứa trẻ sống có trách nhiệm. Cho nên tôi đã nói riêng với cháu rằng vì cháu mà tôi chấp nhận ăn một món mỳ mà tôi không thích trong ba ngày liên tiếp. Điều này khiến con rất cảm động, trong tâm hiểu được công sức và sự hi sinh của mẹ. Nếu chúng ta đáp ứng nhu cầu của trẻ ngay lập tức thì con sẽ không có cảm giác, thậm chí cho rằng đó là lẽ đương nhiên.

3. Gợi ý từ một câu chuyện giáo dục của Nhật Bản

Còn nhớ trước đây một vị hiểu trưởng già đã kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện: Nước Nhật sau chiến tranh rất nghèo, người dân đều không có thịt để ăn. Một đứa trẻ chán ngán việc ngày nào cũng phải ăn cơm trộn dưa muối, nên nó một mực đòi mẹ mua bánh rán nhân thịt cho ăn, nó kỳ kèo không dứt, nói rằng ở trường nó đứa trẻ nào cũng từng được ăn rồi, chỉ có mình nó là chưa được ăn. Người mẹ biết rằng bánh rán lúc đó là một thứ đồ ăn xa xỉ, nếu mua về sẽ bị chồng la mắng, nhưng bà ấy vẫn mua về. Bà muốn các con đích thân nhìn thấy bài học giáo huấn này, đồng thời có thể cảm nhận một cách sâu sắc sự chịu đựng và tình yêu của người mẹ dành cho các con.

Kết quả là người cha nổi giận lôi đình nhưng người mẹ tự mình hứng chịu tất cả, không hé răng tiết lộ sự thật rằng đây là yêu cầu của con, sau đó còn cười nói với con rằng bánh rán rất ngon. Vì thế, đứa trẻ này đã có ấn tượng rất sâu sắc và biết ơn mẹ mình, nó cũng cảm thấy áy náy không thôi, từ đó suốt cuộc đời đứa trẻ luôn ghi nhớ dáng vẻ âm thầm chịu đựng của người mẹ vì mình, nó không còn sống vô trách nhiệm, cũng biết cách chịu đựng tất cả mà không oán trách người khác. Vì nó đã trực tiếp chứng kiến sự chịu đựng và tình yêu của người mẹ. Sau này đứa trẻ đó trở thành một người chủ doanh nghiệp nổi tiếng ở Nhật Bản.

Tôi cho rằng người mẹ nên yêu thương và giáo dục trẻ một cách lý trí, bất cứ hành động cực đoan nào đều không mang lại hiệu quả tốt.

 

Thiên Hà biên tập

Nguồn: Chanhkien.org