Ảnh: Internet

Đời Sống

Chúng ta mất 2 năm để học nói, nhưng lại mất cả quãng đời còn lại để học cách im lặng

By Đăng Dũng

September 03, 2021

Tuân Tử có câu: “Lời nói hay, giúp người ấm hơi vải lụa. Lời nói dở, hại người như gươm dao.” Một câu nói vô tình, một lời trêu chọc vô tâm, một câu phán xét không chủ đích, tất cả đều có thể trở thành nguyên nhân cho một sự đau lòng khó xóa nhòa.

Người ta vẫn thường nói, ngôn ngữ chính là vũ khí đáng sợ nhất trên đời này. Bởi vết thương ngoài da có thể lành, còn những tổn thương do lời nói gây ra sẽ còn in hằn mãi. Chúng ta đừng nên cho rằng “ngoài mặt tuy ăn nói khó nghe nhưng trong lòng là người tốt tính lương thiện”, “sự thẳng tính” của bạn thực chất đều là xát muối vào tim người khác.

Trong một lần họp lớp cấp 3, mọi người đang hăng say tâm sự về những kỷ niệm trước đây vô cùng vui vẻ và náo nhiệt. Đột nhiên một cô bạn học vừa mới ly hôn tức giận đứng lên và xoay người rời đi. Khiến mọi người ngơ ngác.

Nguyên nhân là do Lưu Sảng, một người trước giờ luôn thẳng tính nói cô bạn mới ly hôn rằng: “Tớ đã bảo cậu sắp 40 rồi, sao còn nghĩ không thông, hơi tý cãi nhau lại đòi ly hôn?”

“Tớ nói cậu nghe, ngày nay tìm được người tái hôn không dễ dàng gì, hơn nữa cậu còn nuôi cô con gái, vậy càng phải cẩn thận với đàn ông”… Khi thấy cô bạn thay đổi sắc mặt. Bạn học kéo tay Lưu Sảng, ra hiệu đừng nói nữa. Tuy nhiên Lưu Sảng vẫn tiếp tục không ngừng nói những lời khó nghe, cuối cùng còn buông thêm một câu:

“Con người tớ trước giờ thẳng tính, nói chuyện có chút khó nghe nhưng không có ý gì xấu đâu, cậu đừng để ý nhé!” Cô bạn kia tức giận cực điểm quát lên: “Cậu là kẻ ăn nói cay nghiệt vô duyên, ai bảo đấy là thẳng tính!”. Cuộc trò chuyện vốn đang sôi nổi, vì chuyện này khiến cả lớp im bặt, không ai còn hứng thú tâm sự gì nữa.

Một ngày nọ, tôi đi qua một cửa hàng mua sắm, người không đông lắm, có một nhóm người tập trung ở quầy tính tiền. Tôi tiến về phía trước, nhìn thấy một cô gái trẻ ăn mặc chỉnh tề đứng đầu tiên, cô gái quét thẻ nhiều lần, thế nhưng chiếc máy dường như lần nào cũng “cự tuyệt” cô gái.

“Có vẻ như đó là một thẻ phúc lợi”, người đàn ông phía sau tôi lẩm bẩm: “Trẻ, khỏe mạnh như thế, mà lại dựa vào phúc lợi để sống, tại sao không giống như người trẻ khác tìm việc làm đi?”.

Cô gái trẻ quay đầu lại theo tiếng nói, ánh mắt cô như muốn tìm xem đó là ai. “Đúng, chính là tôi nói đó”, người đàn ông phía sau tôi chỉ tay vào chính mình. Cô gái trẻ đỏ bừng mặt, nước mắt cứ thế chảy xuống, cô ném cái thẻ đi, rồi chạy nhanh ra khỏi cửa hàng, và rất nhanh chóng biến mất trong cái nhìn soi mói của mọi người.

Vài phút sau, một thanh niên bước vào cửa hàng, cậu hỏi cô thu ngân rằng có biết cô gái kia đâu không, thu ngân cửa hàng nói rằng cô ấy đã quăng thẻ rồi chạy đi rồi. “Tôi là bạn của cô ấy, đã xảy ra chuyện gì vậy ạ?”, cậu thanh niên lo lắng hỏi.

Người đàn ông phía sau tôi nói: “Tôi không may nói ra những lời ngủ xuẩn, mỉa mai cô ấy dùng thẻ phúc lợi, đáng lẽ tôi không nên nói ra, thật xin lỗi!”.

“Ôi, hỏng bét rồi. Hoàn cảnh cô ấy rất đáng thương, anh trai cô đã bị giết chết ở Afghanistan hai năm trước, để lại đằng sau ba đứa em. Cô ấy chỉ 21 tuổi mà phải lo cuộc sống cho 3 đứa em. Thật không ngờ, hôm nay lại xảy ra việc thế này”, người thanh niên lo lắng không yên.

“Đây là những món hàng cô bé kia mua sao?”, người đàn ông phía sau tôi hỏi thu ngân. “Đúng ạ, nhưng tiếc là thẻ của cô ấy không sử dụng được”, thu ngân nói.

Cửa hàng bỗng nhiên trở nên im lặng.

“Cậu chắc chắn biết cô gái đó ở đâu chứ?”, người đàn ông hỏi cậu thanh niên trẻ, rồi ông chen lên phía trước, lấy ra thẻ tín dụng của mình đưa cho thu ngân: “Lấy thẻ của tôi tính tiền đi”. Thu ngân nhận lấy thẻ, và bắt đầu tính tiền những mặt hàng cô gái đã mua.

“Đợi một chút”, người đàn ông quay người lấy một hộp sữa bò bỏ vào trong túi đồ của cô gái. “Chúng ta nên giúp đỡ ba đứa bé kia nhiều hơn một chút chứ”, một người phụ nữ đi tới, đem một con gà bỏ vào túi của cô gái, sau đó mọi người lặng lẽ lấy đồ của mình bỏ vào túi đồ của cô gái.

“Chú, cảm ơn chú! Chú là một người tốt”, chàng thanh niên nói.

Có những chuyện dù cho chính mắt bạn nhìn thấy, nhưng chân tướng sự việc có thể không phải vậy. Lời nói một khi đã nói ra bạn không còn cơ hội để lấy lại. Lời nói vô tâm nhiều khi tạo thành những việc không thể vãn hồi, cơ hội để sửa sai cũng không còn.

Tiểu thuyết gia người Mỹ Ernest Hemingway có nói: “Chúng ta mất hai năm để học nói, nhưng lại mất hơn 60 năm cuộc đời còn lại để học cách im lặng”. Vậy nên chúng ta hãy kiềm chế lời nói của bản thân, đừng lấy sự chua ngoa của mình làm cái cớ cho mọi chuyện.

Cổ nhân nói rằng: “Một câu nói hay ba mùa đông vẫn ấm lòng, một lời nói tổn thương sáu mùa lạnh vẫn chưa hết đau”. Bạn đã từng nghe vì một câu nói mà buồn đến chết đi sống lại chưa? Nếu có, vậy hãy cẩn thận nhớ kỹ câu: “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” để không khiến một ai đó  bị tổn thương vì lời nói của bạn nhé!.

Nguồn: kenh14.vn Quang Minh