Cho vay gạo là tích phúc cho mình, là cứu đói người.Tuy nhiên củi có khắp nơi, chỉ cần mình nỗ lực có thể kiếm củi được .Thế nên người xưa sẽ chọn cứu nghèo, không cứu người lười.
1. Mượn áo không mượn giày, vay gạo không vay củi
Vay gạo là vì ‘có thực mới vực được đạo’, còn cho người nghèo đói vay gạo cũng là đang tích đức cho chính mình, vì vậy hầu hết mọi người sẽ không từ chối.
Nhưng củi thì có ở khắp mọi nơi, chỉ cần sẵn sàng làm việc chăm chỉ, không sợ thiếu củi lấy.
Cổ nhân cứu người nghèo, không cứu người lười.
Không mượn giày và cũng không cho mượn giày vì mỗi người có kích cỡ bàn chân khác nhau, rất khó để tìm được một đôi giày vừa vặn. Đường đời cũng vậy, không ai giống ai, quan trọng là phải dùng cái tôi và ý chí của mình tìm cho mình con đường thích hợp nhất.
2. Không làm người trung gian, cả đời chẳng phiền não
Không làm người trung gian, không đảm bảo cho ai hết, có vậy, bạn sẽ không gặp rắc rối trong cuộc sống.
Làm một người trung gian, nghĩa là cả hai bên đều là bạn bè.
Không xảy ra chuyện gì thì không sao, nhỡ xảy ra chuyện, nói không chừng đều đổ hết lỗi lên bạn.
Đến cuối cùng chỉ sợ đến bạn bè cũng không còn nữa.
3. Gạo củi vợ chồng, rượu thịt bạn bè, hộp quà thân thích
Giữa vợ chồng với nhau thì là cơm áo gạo tiền, bạn bè với nhau là tụ tập ăn uống, họ hàng với nhau không thể thiếu được quà nọ quà kia.
Càng thân thì càng thật, càng thực tế.
4. Trưởng thành không tự tại, tự tại thì chưa phải là trưởng thành
Những người muốn làm nên việc lớn thường không được tự do tự tại, không được tùy tiện, thích thế nào là thế đó.
Ngày nào cũng phiêu diêu tự tại, thông thường sẽ chẳng làm được việc gì to tát.
Nếu bạn muốn làm điều gì đó lớn lao, bạn phải chịu đựng những người mà bình thường không thể chịu đựng được.
5. Ăn cơm người vác tù và hộ người
Ăn cơm của người ta, bạn phải nhìn sắc mặt người ta mà sống. Bưng bát của người ta, bạn sẽ phải chịu sự kiểm soát của họ.
Nếu cứ dựa vào người khác mà sống, bạn phải tuân theo những ràng buộc họ. Bởi lẽ dĩ nhiên là quyền kinh tế quyết định quyền phát ngôn.
Nếu không muốn bị kiểm soát, bạn phải tự lực cánh sinh, tự cung tự cấp.
Những người trẻ không muốn nghe lời cha mẹ, nhưng chẳng phải vẫn phải phụ thuộc vào cha mẹ về mặt kinh tế hay sao.
6. Nhân từ không quản được binh, đạo nghĩa không giữ được tài
Một người nhân từ, hiền lành sẽ không thể lãnh đạo cả một đội quân, còn một người luôn đặt nghĩa khí lên đầu sẽ chẳng thể thể nắm được quyền quản lý tài chính.
Chiến trường là nơi can hệ tới sự sống và cái chết, vào những thời khắc quyết định, nhất định không được nhân từ, nếu không, cái giá phải trả sẽ là biết bao sinh mạng.
Vì vậy, làm tướng là phải mạnh mẽ, đôi khi phải tàn nhẫn một chút.
Thế gian này có rất nhiều người luôn đặt chính nghĩa lên đầu, những người như vậy thường không có nhiều tài sản, mà có giữ cũng chẳng được bởi họ căn bản không hề quan tâm tới tiền tài và địa vị.
7. Đánh người không đánh vào mặt, mắng người không vạch khuyết điểm
Dù có mâu thuẫn với người khác, cũng đừng chọc vào nỗi đau của họ.
Bạn nhất thời sảng khoái, người khác tổn thương cả đời. Kiểm soát cảm xúc của mình, giữ hòa khí, có vậy tiền tài mới tìm đến.
8. Đại phát do “mệnh”, tiểu phú do “cần”
Một người liệu có đại phát đại quý hay không, là do số trời.
Nhưng một người có thể sống khá giả, sống thoải mái hay không lại chỉ dựa vào một chữ “cần”, đó là cần cù, chăm chỉ, siêng năng, là nỗ lực cá nhân.
Cái gì là của mình thì sớm muộn cũng sẽ thuộc về mình, cái gì không phải là của mình có miễn cưỡng cũng chẳng được.
Sống thực tế, chăm chỉ, quang minh chính đại, làm tốt việc của mình là đủ.
9. Nghèo giữa chợ đông không ai hỏi, giàu chốn rừng sâu lắm kẻ thăm
Khi nghèo khổ không người thăm hỏi, lúc giàu sang thì khách khứa đầy nhà. Tình người ấm lạnh, tham phú phụ bần.
Suy cho cùng vẫn chỉ là một chữ “lợi”. Sống trên đời, ngoại trừ những người thân yêu nhất ra, thì ai đến với nhau cũng chỉ vì cái lợi.
Đây là chân lý tự cổ chí kim.
10. Càng thân càng phải rõ ràng
Giữa những người thân thiết với nhau, thứ không được nợ nhất chính là nợ kinh tế.
Dù có thân như huynh đệ cũng phải rõ ràng về mặt tiền bạc, chỉ có như vậy mới có thể lâu dài.
11. Con cái tự có phúc của con cái, đừng làm trâu làm ngựa cho chúng
Rất nhiều cha mẹ liều mạng làm việc để tiết kiệm rồi lo lắng đủ đường cho con cái, lo con không biết nấu ăn, không có công việc tốt, không có đối tượng tốt.
Trên thực tế, con cái có phúc của riêng chúng, và chúng cần có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình.
Hãy nhớ rằng, cha mẹ là người hướng dẫn, người định hướng cho con cái chứ không phải là trâu là ngựa cho chúng cưỡi.
Tuệ An